Buồn vui những khu trọ mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa dịch, trong những khu nhà trọ ở TP HCM có cả buồn lẫn vui. Có những người khốn khổ, thiếu thốn đủ bề, tiền trọ vây bủa. Cũng có những chủ trọ dù bản thân khó khăn nhưng vẫn hết lòng tương trợ người ở thuê.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

'Mắc kẹt' ở Sài Gòn

Với chị Trần Thị Minh Hòa, 34 tuổi, ngụ xóm trọ công nhân đường Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh, những ngày qua có lẽ là những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời. Chị làm việc tại một xưởng may ở Bình Thạnh. Chồng là thợ xây kiêm “thợ đụng”, một nghề khá phổ biến ở TP HCM, “đụng đâu làm đó”. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng cộng lại trung bình khoảng 12 triệu đồng. Trừ chi phí tiền nhà, ăn uống tằn tiện cũng có thể gồng gánh nuôi hai đứa con đang học cấp 1. Nhưng từ ngày dịch bùng, cả hai vợ chồng đều mất việc làm. Họ phải vay mượn tiền của anh chị, bà con ở quê để trả tiền nhà trọ, mua thực phẩm dự trữ và sống nhờ tình thương của những nhà hảo tâm thi thoảng đến phát thực phẩm.

Thời điểm nhiều người dân thành phố lũ lượt kéo về quê, hai vợ chồng cũng bàn nhau tìm đường về. Nhưng địa phương quê họ không tiếp nhận người từ TP HCM nên đành ở lại. “Hiện tôi đã nợ tiền nhà hai tháng, rất ngại với chủ nhà và cũng nơm nớp lo sợ họ đuổi. Chủ nhà chỗ tôi mấy tháng nay kiên quyết không giảm tiền trọ. Mới đây, nghe nói là địa phương vận động, thuyết phục quá nên họ có giảm cho dãy nhà trọ chúng tôi 500 ngàn/tháng. Giờ mẹ tôi ở quê vẫn phải gom từng miếng rau trái trong vườn bán để gửi tiền vào cho con cháu cầm cự”, chị Hòa buồn rầu chia sẻ.

Còn với cư dân xóm trọ 42, khu Tân Thới Hiệp, quận 12, những ngày vừa qua, họ sẽ không biết sống ra sao khi thiếu tấm lòng của các nhà hảo tâm. Chị Mỹ Tiên quê gốc An Giang, người sống lâu năm nhất khu trọ, cho biết, xóm trọ này chủ yếu là công nhân khu công nghiệp trên địa bàn quận, người lao động tự do đến từ Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây. Đời sống của họ toàn “ăn bữa nay không lo đến bữa mai”, phần vì thu nhập thấp, phần vì nhiều người cũng chưa có thói quen dành dụm, tằn tiện. Thế nên khi dịch ập đến, nhiều người trong xóm trọ lâm vào cảnh khổ sở, thiếu thốn. Có gia đình ba thế hệ ở chung trong căn phòng 15m2, thất nghiệp cả nhà nên vay mượn khắp nơi để có tiền sống. Có gia đình chồng mất, vợ một mình đi bán rong nuôi 2 con nhỏ. Có cả sản phụ mới sinh được 3 tháng, lo lắng quá, mất sữa mà không có tiền mua sữa cho con.

Chị Tiên kể, trong tháng đầu khi giãn cách, do khu vực này khá xa, hẻo lánh nên các Mạnh thường quân chưa “với tay” đến được. Các cư dân ở đây tự tương trợ nhau qua ngày. Bí quá, chị Tiên lên Facebook và Zalo kêu cứu cho cư dân xóm trọ mình. May mắn lời kêu cứu này đến được một số nhóm cứu trợ tại Sài Gòn. Sau khi có người khảo sát, cư dân xóm 42 đã nhận được quà cứu trợ gồm gạo, rau củ, trứng, đồ khô. Số hàng cứu trợ hàng tuần đủ để các nhà ăn tằn tiện, qua khó khăn.

Thương nhau ngày khó

Những ngày khó khăn ở các xóm trọ TP HCM, không thể không kể đến những “ông tiên”, “bà tiên” là chủ các khu nhà trọ. Từ trước khi giãn cách, kinh tế khó khăn, người thất nghiệp nhiều, có không ít chủ nhà trọ đã miễn, giảm 50 - 100% tiền trọ cho khách. Không ít chủ nhà trọ còn tặng thực phẩm, nhu yếu phẩm, tổ chức cứu trợ cho cư dân xóm trọ.

Chị Nguyễn Kim Anh, 45 tuổi, chủ một dãy nhà trọ công nhân trên đường Phạm Văn Đồng, Thủ Đức, từ hai tháng nay đã giảm 100% tiền trọ cho khách. Chị Kim Anh chia sẻ, bản thân chị cũng không dư dả, đang phải trị ung thư dạ dày, thường xuyên xạ trị, chi phí rất cao. Toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình cũng trông chờ vào thu nhập từ dãy phòng trọ. Nhưng nghĩ mình vẫn còn ít tiền dành dụm, còn có nhà có cửa để sống, còn may mắn hơn những người sống trong dãy phòng trọ nên chị thắt chặt hầu bao của mình để tương trợ. Chị Kim Anh cũng liên hệ với các tổ chức cứu trợ để giúp những hoàn cảnh khó khăn trong xóm trọ của mình.

Thời điểm tháng 7, khi nhiều người dân nhập cư kéo nhau trở về quê, chị Kim Hồng, chủ nhà trọ Hoa Hồng ở Phước Long B, quận 9 không những “xí xóa” tiền trọ và tiền thiếu nợ của khách trọ lên đường về quê mà còn chuẩn bị sẵn thực phẩm đi đường, gửi phong bì 200 ngàn đồng mỗi người cho hàng chục khách trọ. Có chủ nhà trọ không những giảm tiền mà còn cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men, thậm chí còn lập “group chat nhà trọ” để cùng nhau cập nhật tình hình sức khỏe, kịp thời hỗ trợ những trường hợp khó khăn.

Theo báo cáo của các Liên đoàn lao động quận huyện, TP Thủ Đức, đến nay đã có 621 chủ nhà trọ giảm hơn 5 tỉ đồng tiền thuê nhà cho hơn 34.000 người lao động ở trọ. Có một Sài Gòn trong các khu xóm trọ nhiều gian nan, nhiều buồn khổ nhưng cũng thật nhiều tình người. Người ở trọ, chủ nhà trọ, nhà hảo tâm... tất cả đều nỗ lực hết mình để động viên nhau cùng vượt qua đại dịch.

Đọc thêm