Buồn vui viện dưỡng lão

(PLVN) - Xã hội ngày càng phát triển, chúng ta bận rộn với vô vàn công việc lo toan kiếm sống mưu sinh. Vì vậy, chuyện chăm sóc bố mẹ già cũng thành chuyện “cân lên đặt xuống” để làm sao vừa cân bằng giữa việc báo hiếu và kiếm tiền. Ở viện dưỡng lão, có buồn có vui, có đủ những câu chuyện đầy với những hoàn cảnh, số phận và cuộc đời riêng.
Khung cảnh một viện dưỡng lão tại Hà Nội
Khung cảnh một viện dưỡng lão tại Hà Nội

Hiu hắt tuổi già

Hiện nay, viện dưỡng lão xuất hiện ngày càng nhiều như một sự phản ánh nhu cầu tất yếu của cuộc sống hiện đại. Khi con cháu bận rộn, lao vào guồng quay cuộc sống nên ít có thời gian quan tâm, chăm sóc người già. Vì vậy, viện dưỡng lão như một sự “cứu cánh” cho những gia đình bận rộn công việc, không có thời gian để phụng dưỡng cha mẹ, ông bà cao tuổi.

Đến thăm một viện dưỡng lão tại Gia Lâm, Hà Nội, nơi đây là chỗ dừng chân của gần 100 cụ cao tuổi.  Không khí ủ dột, trầm buồn của viện khiến ai đến cũng phải nặng lòng tâm sự. Nơi đây cũng giống như một xã hội thu nhỏ với những hoàn cảnh, số phận và cuộc đời riêng. Có những người chọn viện làm điểm dừng chân cuối cùng kết thúc cả hành trình của đời người. 

Cụ Nguyễn Thị H (85 tuổi, khu đô thị Green Life Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy) kể: “Tôi có 4 người con, các cháu đều thành đạt, khá giả cả, có đứa đi nước ngoài. Tôi tuổi đã cao, có lần bị tai biến thế là giờ chân tay không nhanh nhẹn nữa, nhưng chuyện gì tôi cũng nhớ. Trước đây, tôi ở với đứa con cả, sau chúng bận bịu quá rồi gửi tôi vào đây. Vì chúng nó bận việc lắm, có khi cả tuần tôi chả nhìn thấy mặt. Thôi thì con cháu hiển vinh là cái phúc của mình, nhưng lắm lúc tủi thân vì nhớ chúng nó mà ít được trò chuyện, hỏi han”.

Nói đến cụ H cũng rơm rớm nước mắt, tay nắm chặt lấy chiếc xe lăn, ánh mắt cụ buồn, có thể cụ lại nhớ con nhớ cháu. Cụ bảo con cháu cũng ít vào thăm, duy chỉ có cô giúp việc hay lui tới hỏi han cho cụ đỡ buồn. Cô Vũ Thị Thẹo (người Hưng Yên) chia sẻ cô theo gia đình cụ làm nghề giúp việc được 5 năm, từ ngày cụ được gửi vào viện, cô thường đến thăm cho cụ đỡ tủi thân. 

“Cụ có tuổi nhưng hay tủi thân lắm, lần nào vào cũng khóc vì nhớ con cháu. Nhưng biết làm sao được, xã hội bây giờ như thế, cha mẹ tuổi già có sống được mấy nữa đâu”. Khi hỏi cụ có thèm về nhà không thì cụ tâm sự: “Mấy ai tuổi này rồi không muốn, nhiều thì 1,2 năm, nhanh thì mấy tháng. Thèm nhìn thấy mặt con mặt cháu, ăn bữa cơm gia đình mà nào có được”.

Chia sẻ về những hoàn cảnh cụ thể được đưa vào đây, một nhân viên điều dưỡng cho biết: “Mỗi cụ ở đây một hoàn cảnh, có cụ con cái đều huề nhưng không có thời gian chăm sóc, có cụ thì con cái không chăm sóc được đành gửi vào đây,  có cụ thì thích vào cho có bạn… Mỗi người một tính nết, một câu chuyện, một sở thích”.

Cũng giống như cụ H, nhiều cụ vào viện vì con cháu không có thời gian chăm sóc, bận bịu nên đành gửi các cụ vào đây. Đã có cụ “mất” luôn tại viện sau một thời gian được gia đình gửi vào chăm sóc.  Những ai đã chọn viện dưỡng lão làm chốn dừng chân thì cũng đồng nghĩa với việc đây sẽ là nơi viết nên đoạn kết cho cuộc đời mỗi người. Đoạn kết ấy vui thì ít mà nỗi buồn, sự day dứt, xót xa lại nhiều quá đỗi. 

 
Hoạt cảnh đáng yêu của các cụ tại viện dưỡng lão
Hoạt cảnh đáng yêu của các cụ tại viện dưỡng lão

Khi viện dưỡng lão là nhà

Mặc dù, chuyện gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn khiến người ta băn khoăn về chữ “hiếu đạo” của con cái thời hiện đại. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều trường hợp gửi vào viện dưỡng lão lại là việc nên làm để chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi.

Đến thăm một viện dưỡng lão tại Hà Đông, Hà Nội, tôi không khỏi ngạc nhiên về không khí vui vẻ, thoải mái, thân thiện tại đây. Nếu trước đây khi nhắc đến viện dưỡng lão, người ta sẽ nghĩ ngay đến sự “bỏ rơi”, “buồn bã” của các cụ thì nơi đây lại rất khác. Đi thăm các phòng ở các cụ đều rất vui vẻ và thoải mái dù nhiều cụ tuổi đã cao, chân tay đi lại khó khăn, ăn uống không tự chủ được. Nhưng, đa số đều rất hài lòng với môi trường của viện dưỡng lão.

Theo chia sẻ nhân viên điều dưỡng, các cụ vào đây đều tự nguyện, gia đình gửi vào trung tâm ở thử một thời gian, nếu được sự đồng ý của cụ và người thân mới vào ở chính thức. Vì vậy, các cụ đều rất vui vẻ và an lòng, có cụ tự nguyện đề xuất với con cháu để vào ở viện.

Tìm gặp một trong những cụ đã có thâm niên ở viện, chúng tôi trò chuyện với cụ Hoàng T. V. (103 tuổi), người đã gắn bó với viện một thời gian dài. Ngay từ thang máy, tiếng cụ đã sang sảng cả khu phòng khiến ai cũng ngạc nhiên vì ở tuổi xưa nay hiếm cụ vẫn nói tốt và minh mẫn đến vậy. Nhìn thấy tôi, cụ nhanh nhẹn lăn xe đến tay bắt mặt mừng như thể gặp được người thân quen đến thăm. Giọng cụ ôn tồn nhưng hào sảng, hỏi han tôi từ chuyện công việc gia đình.

Cụ là người có khiếu hài hước nhất phòng, kí ức của cụ vẫn còn nguyên vẹn khi nhớ lại quãng thời gian làm tại công ty xây dựng. Cụ “than thở” cả đời làm việc chả có nổi dăm mảnh đất Hà Nội, thế mới thấy cụ liêm chính, thanh bạch đến nhường nào. Đến tận bây giờ, khi đã “lẫn” đi nhiều kí ức quá khứ và hiện tại nhưng cụ vẫn luôn tự hào về cuộc đời cống hiến của mình. 

Trước đây, khi mới vào viện, cụ rất yếu, phải dùng ống xông để ăn, các nhân viên túc trực để chăm sóc. Nhưng sau một thời gian tại viện, cụ đã khỏe dần, sức khỏe tốt và tự ăn uống được. Cụ vẫn hay pha trò, tự nhận mình đẹp trai, yêu vợ, trêu một số cụ bà trong phòng khiến ai cũng bật cười về độ hóm hỉnh của cụ. Cụ chia sẻ rằng: “Ở đây rất vui, các bà trêu tôi hoài. Nhưng chắc do tôi phong độ nên người ta thích để ý”. 

Sự hồn nhiên, vui tươi của các cụ như một nét vẽ màu sắc đầy tươi sáng nơi viện dưỡng lão. Họ vẫn cảm nhận được tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc và cả tình bạn tuổi già. Có những cụ vẫn giữ quen nếp sinh hoạt cũ, mà làm ra những câu chuyện dở khóc dở cười. 

Theo lời kể, có cụ tính cẩn thận từ lúc ở nhà mà vào đây chỗ nào cũng buộc cửa để chống trộm. Có cụ nhà 5,6 người con vẫn một mực thích vào viện vì có bạn tuổi già trò chuyện với nhau. Có cụ thích làm đẹp nên lúc nào cũng ngắm vuốt trải chuốt rất đẹp. 

Trường hợp như cụ Cầm, nhà bán hàng rất ồn ào nên cụ được con cái thuê cho một người giúp việc chăm nom, nấu nướng, kề cận lúc trái gió trở trời. Tuy nhiên, vốn là người khái tính, cụ không ưa người giúp việc vì nấu ăn không hợp vị. Cụ quyết định vào viện ở, từ ngày bà chuyển đến viện dưỡng lão sống, lại thấy sức khỏe tốt lên và yêu đời hơn, rất thích cắm hoa, chụp ảnh, soi gương... Đến giờ cụ không muốn về nhà, thi thoảng con cháu mua quà bánh đến thăm hỏi, động viên.

Giờ đây khi nhắc đến viện dưỡng lão, chúng ta đã không còn nghĩ nơi đây buồn tẻ hay quan niệm chỉ mấy người con “bất hiếu” mới đưa bố mẹ của mình như trước đây. Xã hội ngày càng tiến bộ, con người cũng cởi mở hơn, tư tưởng văn minh và “thoáng hơn trước”. Mặt khác các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt và đa dạng. Vì vậy, việc đưa ba mẹ vào viện dưỡng lão không hẳn là một điều đáng trách, hay bị lên án. Và nhất khi người làm cha mẹ luôn muốn hi sinh cho con, giúp con yên tâm làm ăn, xoay sở với guồng quay vất cả của cuộc sống. 

Thế nhưng, xét cho đến cùng, khi đã là những “hàng cây đứng tuổi”, đã hết “giông bão cuộc đời”, mấy ai lại muốn xa con xa cháu. Dù các viện dưỡng lão đang ngày một tốt, phục vụ chuyên nghiệp, đủ đầy ấm áp tình người với các cụ, nhưng sẽ không thể bằng “gia đình”.

 “Giờ bà chỉ có ước muốn là bà có con cháu kề cận, chỉ nhìn chúng nó ăn no, mặc ấm là bà mãn nguyện. Mấy ai ở tuổi “sắp về tiên tổ”, lại không muốn con cháu ở bên đâu” đó là lời bà H khi kết thúc một câu chuyện dài về chuyện con cháu. Với bà dù hiện tại bà vẫn sống tốt, khỏe mạnh, vui vẻ nhưng vẫn khao khát được cạnh con cháu và nhìn gia đình những ngày cuối đời.

Mong rằng, nếu có thể, xin chúng ta hãy sống cùng ba mẹ, hãy cạnh họ lúc mãn chiều xế bóng, để chăm sóc và quan tâm như cách ba mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta.

Đọc thêm