Buông bỏ để vui sống

(PLO) - Tôi vẫn tự nhủ mình không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa phải già. Vậy mà hồi này ra đường, bọn trẻ cứ gọi tôi là chú là bác, thậm chí là ông; còn ở nhà, con cái bảo tôi lẩm cẩm rồi.

Tôi bước vào tuổi già rồi sao? Tôi cảm thấy thể xác mình vẫn khỏe mạnh, trí óc dường như vẫn minh mẫn. Thế nhưng thú thực, nhiều khi tôi cảm nhận được một cách rõ ràng sự mỏi mệt do tuổi tác đem lại, đầu óc "xuống cấp" nên lúc nhớ lúc quên. Thì ra, cái khỏe của tôi thời điểm này chỉ có ý nghĩa không bệnh tật, thế là may mắn rồi. Vậy mới có từ "già yếu", ngôn ngữ thật sâu sắc. Nay tôi có nhiều cơ hội ngồi nhớ lại bản thân mình thời trẻ và suy nghĩ lan man về tuổi già.

Buông bỏ để vui sống - Ảnh 1.

Người lớn tuổi thường nhạy cảm. Ảnh minh họa

Bọn trẻ thường than phiền người già khó tính, khó chịu và điều này là một trong những nguyên nhân khiến trẻ - già xa cách nhau. Tôi nghĩ chẳng qua người già nghiêm khắc là do họ mong muốn điều tốt hơn cho con cháu mà thôi, không phải để gây khó đâu. Thêm nữa, có thể nói, người lớn tuổi "nhạy cảm" hơn trước những lời nói, cử chỉ của người khác cũng như các sự việc xảy ra. Đây cũng là điểm yếu của họ đấy, bạn trẻ ơi!

Cũng chính vì "nhạy cảm" hơn, không ít khi người già đành chấp nhận phương án im lặng, ngay cả trong tiếp xúc với các thành viên trong gia đình. Thế là những lúc ấy họ lại đâm ra "nặng lòng"...

Vừa qua có chuyện buồn bực, đem tâm sự với người bạn, tôi liền nhận được một lời khuyên sâu sắc và hết sức thâm thúy. Bạn tôi bảo: "Thôi, buông bỏ hết đi cho nhẹ lòng".

Không phải bậc học giả, cũng chẳng là chuyên gia tâm lý nhưng hiện tại tôi cảm nhận rõ hơn câu nói "Cuộc đời là vô thường" mà nhiều người thường đề cập. Thật vậy, trên đời này có gì là chắc chắn, là không thay đổi đâu nào! Đến khi bước vào tuổi già, cứ một ngày qua đi, mình càng cảm nhận rõ hơn mình đang nhích lại gần hơn về phía thần chết.

Thật đúng là "sống từng ngày, chết từng ngày". Sợ hay không thì tuổi già cũng đã đến. Thôi thì đón nhận nó và tìm niềm vui từ những chuyện nho nhỏ hằng ngày vậy.

Với người già, gia đình thực sự là số một! Nói đúng hơn, khi đã trải qua phần lớn cuộc đời, con người ta mới cảm nhận được một cách sâu sắc chân lý ấy - mà trước đây, khi còn trẻ, họ đã bỏ qua hoặc quên đi. Bây giờ đi đâu cũng chỉ mong xong việc rồi về nhà, nơi chốn bình yên của mình. Trước kia khác hẳn! Mỗi lần ra khỏi nhà là đi... cho đã, ghé chỗ này nơi nọ, bạn bè hay người quen biết, bởi ý hướng ngoại luôn thống trị trong con người trẻ tuổi.

Bạn bè bây giờ vẫn rất cần, thậm chí có khi còn ý nghĩa sâu sắc hơn thời trẻ nữa chứ. Nhu cầu gặp gỡ, giao lưu có vẻ như không giảm mà dường như tăng cao hơn. Điều này hình như mâu thuẫn với ý tưởng ở trên chăng?

Không phải vậy đâu, hoàn toàn không trái ngược nhau. Gia đình luôn là tổ ấm, là nơi tôi luôn muốn quay về. Còn bằng hữu là nguồn động viên, nơi giao tiếp, chia sẻ và trao đổi những suy nghĩ về xã hội, thời cuộc, tất cả những chuyện tôi không thể bày tỏ với người bạn đời ở nhà. Trong khi đó, con cái đã lớn khôn, trách nhiệm của tôi với chúng không còn ở những việc làm chi tiết, nhỏ nhặt hằng ngày dành cho chúng nữa.

Với người già, gia đình và bạn bè đều luôn quan trọng, song hành với nhau nhưng không mâu thuẫn nhau, triệt tiêu nhau. Đừng nói người lớn tuổi chúng tôi lúc nào cũng chỉ biết đến "chiến hữu", bỏ mặc người bạn đời mấy chục năm đầu gối tay ấp. Hơn lúc nào hết, ở độ tuổi xế chiều, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm vợ chồng thiêng liêng đến mức nào! Hai người dưng đến với nhau, chung sống, sẻ chia với nhau mọi vui buồn của cuộc sống, không quay lưng lại với nhau khi đã già - còn điều gì cao đẹp hơn nhỉ!

Đọc thêm