Đừng bất chấp “cầm tù” nhau… ( Ảnh minh họa) |
Hãy cho mình một cơ hội
Có thể nói, chuyện của gia đình Trung Nguyên là chuyện riêng, nhưng cũng là câu chuyện của chúng ta: Có nên sống với nhau bằng mọi giá? Và tại sao cứ cố ép mình phải sống chung trong một ngôi nhà khi người ta không muốn? Đây là câu chuyện khá phổ biến với phần đông phái đẹp. Rất nhiều gia đình, họ từng là bạn học từ thuở bé, yêu nhau tưởng chẳng thể chia lìa suốt những năm tháng tuổi trẻ. Họ luôn bên nhau, cùng nhau làm mọi điều. Người đàn ông được xem là niềm mơ ước của chị em một thưở, vừa tháo vát kinh tế, hiểu biết, giỏi giang, vừa tận tụy với vợ con…
Thế rồi, bỗng một ngày, cuộc sống đẩy họ ra 2 phía! Người phụ nữ khi bị mất tình yêu càng trở nên cay độc, nghiệt ngã! Bởi họ không thể tin được, họ đã được yêu như thế, cưng chiều hết sức, sao giờ khi đã có tất cả, chỉ tình yêu là không còn?... Và họ càng vùng vẫy, càng tự làm đau mình! Khi bản thân họ phải đối diện với sự thật: Tất cả chỉ là quá khứ rực rỡ, hiện tại là địa ngục mà thôi! Nhưng họ vẫn quyết không buông bỏ! Người thì vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra, tròn vai gia đình hạnh phúc, tri kỉ trước thiên hạ! Người thì sẽ một mực đi bêu riếu, nói xấu ông chồng với bất kì ai là người quen của gia đình! Và đương nhiên, chỉ với một mục đích duy nhất, mọi người sẽ phê phán người chồng, để người chồng hối lỗi trở lại như xưa mà thôi…
Và dù vào “vai tri kỉ” hay sổ tung khi “không còn gì để mất” thì đều đau lòng như nhau! Họ không thể làm gì để cứu vãn được cuộc hôn nhân của mình nữa rồi! Tất cả đều đã muộn, họ cảng đẩy nhau ra xa hơn mà thôi! Tình yêu hay hôn nhân, nếu muốn giữ lại bên mình, là không ngừng quyến rũ và biết thương, biết nhường nhau! Người này đều muốn người kia được hạnh phúc, trong từng phút giây… Không ai phải hơn thua nhau điều gì. Nói như thầy Thích Nhất Hạnh, tình yêu bền chặt, chính là sự hiểu và thương…
Trở lại câu chuyện của Vũ- Thảo, theo nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, họ đã lôi nhau ra đến toà và thiếu có nước hét tất cả những thâm cung bí sử về chuyện tình cảm vào mặt nhau nữa thì chuyện hàn gắn là một điều hết sức miễn cưỡng và chắc chắn không thể hy vọng một hạnh phúc đang đón chờ họ. Khoan bàn chuyện tiền bạc gia sản, việc sống chung và đi đến hạnh phúc ít nhất người ta phải đạt được những điều tối thiểu: Sự tin tưởng, sự tôn trọng, tình thương và trách nhiệm đối với mái ấm của mình.
Tất cả những gì diễn ra từ câu chuyện bà Thảo, như báo chí đã đưa với những tranh cãi tại phiên toà, chắc rằng cả 4 thứ ấy họ đều đã không còn, chứ đừng nói đến chuyện là “vớt vát” vì chỉ thiếu có vài thứ. Cũng có người cho rằng những phụ nữ mất mát cần được đối xử công bằng. Nhưng có công bằng không khi người phụ nữ phải cố sống với một người đàn ông mà đến cả thương mình họ còn không thương, chứ chưa nói là yêu?
Bởi thế, với phụ nữ, khi người ta không còn thương mình nữa thì hãy buông. Chứ sống với nhau không có tình yêu, không còn tình thương chỉ có thể là địa ngục. Dù cho bạn cố thủ: “Tao cứ sống vậy để mày không dễ dàng đi lấy đứa khác”. Nhưng chúng ta đâu đáng dành thanh xuân và toàn bộ cuộc sống của mình cho mục đích trả thù một người không đáng?
Trong làng đại gia cũng có một nữ doanh nhân cùng tên với bà Thảo. Họ ly thân rất nhiều năm, vẫn sống chung một ngôi biệt thự nhưng đời ai người sống, người tầng trên người tầng dưới. Bà ấy vẫn “đảm bảo thể diện” cho ông ấy khi vẫn cho giữ những chức vụ quan trọng trong tập đoàn. Ông ấy vẫn “đảm bảo thể diện” cho bà ấy khi không xâm phạm bất cứ một lĩnh vực nào trong cuộc sống của bà ấy, dù là riêng tư hay công việc. Có thể nói, trong trường hợp đó hoặc là họ quá văn minh, hoặc họ quá phi thường. Nhưng đó cũng bởi họ đã vượt qua “cảnh giới” của lẽ thường- họ đã không còn “chút gì để nhớ” trong mắt nhau…
Vết thương nào cũng có thể chữa lành!
Hôm bữa, bạn tôi thủ thỉ rằng có tới 85% các cuộc hôn nhân không xuất phát vì tình. Hầu hết mọi người kết hôn vì: đã đến tuổi, cảm thấy mệt mỏi, điều tiếng xã hội, cho bố mẹ khỏi giục, vỡ nợ... Cả tỉ lý do từ thực dụng tê tái đến ngớ ngẩn tuyệt vọng, nhưng không phải vì yêu. Và hầu hết những cuộc hôn nhân ấy, tạm gọi là thành công, bởi vì họ không ly hôn. Ít ra theo tiêu chí hôn nhân, họ vẫn trong cuộc chơi mà không bỏ cuộc.
15% còn lại đã vì tình thề nguyền sống chết. Thế rồi bước vào hôn nhân họ mới hiểu ra rằng: chết vì nhau dễ hơn sống cùng nhau rất nhiều. Tình yêu của họ có thể vượt qua dặm trường xa cách, vượt qua rào cản gia đình xã hội, nhưng lại đầu hàng vì ai là người bỏ quần áo vào máy giặt. Nếu so sánh tỉ lệ kết hôn thành công thì những người không kết hôn vì tình có vẻ thành công hơn. Không rõ họ có hạnh phúc hay chỉ đơn giản là cam chịu, dù sao họ vẫn tiếp tục cuộc chơi. Những cặp đôi vì tình, éo le thay, điển hình nhất vẫn là câu: “Yêu nhau 9 năm, kết hôn 9 tháng thì ly hôn”.
Bởi khi yêu, mỗi người chỉ yêu một đối tác của mình, con người họ, tính cách họ, tâm hồn họ... Tất cả đều là một cá nhân toàn vẹn mà ta muốn và chọn ở bên nhau. Khi kết hôn, ta kết hôn với tất cả những mối quan hệ còn lại của người ấy. Ta đã kết hôn cả với bố mẹ, họ hàng, bạn bè của người ấy. Không dưng những rắc rối, những ưu tư của người ấy trở thành rắc rối trong đời ta và ngược lại. Vì thế hôn nhân ngột ngạt hơn tình yêu rất nhiều. Thế rồi tình yêu, vốn dĩ đòi hỏi sự cưng nựng, chăm chút, đã chết trong sự ngột ngạt của mối ràng buộc chẳng liên quan gì tới tâm hồn diệu vợi. Rốt cuộc, tình yêu có tác dụng gì nếu như nó chỉ thêm áp lực cho hôn nhân và tạo tiền đề cho sự thất vọng? Rốt cuộc, tình yêu giúp gì cho cuộc đời, nếu như nó không giúp con người ta bớt cô đơn? Và khi những câu hỏi ấy bật ra, là khi tình yêu đã cạn kiệt.
Và ở gia đình vẫn chấp nhận sống bên nhau dù đã không thể hàn gắn, họ cần công việc hơn hạnh phúc. Tôi nghĩ mình sẽ không sống được như vậy vì tôi biết mình tồn tại trên cuộc đời vẫn là một con người và có trái tim để yêu thương. Thế nên, sống với nhau bằng mọi giá là điều không dễ dàng. Buông nhau ra có khi là một đặc ân lớn mà chúng ta có thể làm được cho nhau, cái đặc ân cuối cùng của tình thương mang lại. Bởi vì ai cũng cần những rung cảm thật lòng trong một cuộc sống bình yên. Chứ không chỉ để sống với nhau cho “bõ ghét”. Không có bất cứ sự gượng ép nào làm nên sự bình yên, chứ chưa nói là hạnh phúc. Bởi bình yên là cái đích cuối cùng ta muốn cho mình và những người yêu thương ta thật lòng muốn cho ta, kể cả khi ta không còn trên cõi đời này nữa!
Chị Trần Thu Hà, một chuyên gia tư vấn kể, nhiều mẹ nhắn tin cho mình, tin nhắn lẫn với nước mắt, rằng: “Em buộc phải li hôn thôi. Khó khăn lớn nhất của em là làm sao có thể nói chuyện này với con”. Mình thường khuyên phải nói thật. Mẹ chỉ có thể dạy con lựa chọn được thái độ đối mặt của mình để lớn lên. Thậm chí mình gặp hàng ngàn trường hợp, con biết ba/mẹ ngoại tình trước người kia từ lâu. Bị nói dối, rồi phát hiện ra đống đổ nát của người lớn, có bạn đã bỏ nhà ra đi, có bạn thì ôm hận với vết thương không bao giờ lành. Hãy mạnh mẽ khi bạn rơi vào tình huống, mà mạnh mẽ là lối thoát duy nhất! Thực ra thì vết thương nào cũng có cách để chữa lành! Chính cú sốc trong gia đình là khoảnh khắc để con hiểu đươc chân lý quý giá: Không có gì là mãi mãi, không có gì là bất biến. Điều đó sẽ làm con mạnh mẽ.
Không thể phủ nhận được rằng khi phải lớn lên trong gia đình khiếm khuyết, nhiều bạn đã già trước tuổi, nhưng đồng thời họ cũng sẽ nhạy cảm hơn, giỏi giang hơn. Cũng như Tổng thống Bill Clinton mồ côi cha từ trong bụng mẹ, lại phải chứng kiến người cha dượng nghiện rượu, cờ bạc và ngược đãi mẹ, Tổng thống Obama cũng sống với bà mẹ đơn thân. Họ vẫn sống và thành đạt đó thôi. Ai mà chẳng muốn một ngôi nhà “bão dừng sau cánh cửa”. Nhưng đôi khi, hoàn cảnh cứ tặng mình những nhát cắt, và những mài sát đau đớn. Tuy nhiên, thời gian sẽ cho chúng ta thấy, không có gì là vô nghĩa, kể cả nỗi đau!...