Bụt trong con sinh chưa?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng Tư là mùa Bụt sinh, mùa sen nở. Trong tâm mỗi chúng ta đều có một đức Phật. Cũng giống như trong một cái đầm hay một cái ao, nếu biết gieo vào và ươm mầm, nhất định ta sẽ trồng được những đóa sen thơm.
Bụt trong con sinh chưa?

Một sớm sau những ngày giao mùa lất phất mưa buông trên vai áo người, rồi loa kèn nở rộ, tình cờ đi ngang qua ngôi làng nhỏ yên bình, bất chợt gặp những cánh hoa sen hồng mong manh nở trên những chồi xanh non của lá.

Những ngày đầu mùa hạ, nắng còn non và mỏng tang trải dài trên những mái ngói đã phủ rêu. Những hàng cây in bóng lá của mình thành những chùm hoa loang loang trên mặt đường xanh mát. Khúc ca của những ngày hè mang theo mùi thơm ngọt những đồng lúa cùng hương sen pha lẫn mùi cỏ, cái mùi thơm được nắng ướp vào như mật.

Tháng Tư đối với tôi là một điều gì đó vừa thiêng liêng, vừa quen thuộc lại mới mẻ đến nao lòng. Mùa Bụt sinh, mùa của hoa sen nở đã tới. Trong tôi luôn là cảm giác có chút nao nức, lại có gì đó thao thiết nhưng cũng thực là thong thả, an nhiên.

“Tất cả chúng sinh đều có tính Bụt”. Tính Bụt ở đây là tự tính thấy biết một cách thanh tịnh, trong sáng và rỗng lặng. Đó chính là nhận thức quan trọng giúp con người bước chân ra khỏi khu rừng mê ám, cho rằng: con người chỉ là nô lệ của Thượng đế và thần quyền.

Đức Phật đản sinh cách nay hơn 2500 năm tại Ấn Độ và đã lan tỏa khắp thế giới bằng sức mạnh của những giá trị vô cùng to lớn mà tuệ giác đạo Phật đã đem lại. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn chia sẻ là khi vào dân tộc này, Phật giáo Việt có một nét đặc thù rất riêng. Phật giáo vào Việt Nam là để phục vụ cho dân tộc Việt, đặt vận mệnh của mình trong vận mệnh của dân tộc.

Chính vì thế, Phật giáo không đi một con đường riêng như một tôn giáo đặc thù. Phật giáo có mặt và đồng hành, cùng góp sức trong các công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng cũng như phát triển của dân tộc Việt.

Người Việt, đặc biệt ở các vùng quê Bắc bộ thường có lời chào nhau quen thuộc “A di đà Phật”. Phật hiệu A di đà trở thành một lời chúc phúc, một lời chào giống như một cái chắp tay búp sen với ý nghĩa rất đỗi đáng trân quý như muốn tặng cho người – tặng cho một vị Phật tương lai trước mặt mình 1 búp sen.

Ý thức được hạt giống Phật tính trong mỗi người không bằng lý luận hay ngôn từ hoa mĩ mà bằng những thực hành giản đơn để lan tỏa sâu rộng trong đời sống. Đó là một cách đản sinh của những vô lượng a tăng kỳ kiếp của đức Thích Ca Mâu Ni ở dân tộc này.

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung,

Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

Câu thơ của Huyền Không thật đủ đầy ý nghĩa mà lại giản dị, gần gũi. Mái chùa là “chùa chung”, giống như câu “đất vua, chùa làng” vậy. Chùa luôn luôn là của chung, của số đông dù họ là những người dân bình thường. Đó là bởi mái chùa là nơi đã “chở che hồn dân tộc” và là “nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Do đặc thù thường xuyên tiếp cận với các tư liệu lịch sử, đặc biệt là cổ sử, tôi đã được thấy một đạo Phật gần gũi với dân tộc mình ra sao. Đó là một “đức Phật” đã có mặt trong Hùng triều Ngọc Phả để giúp vua Hùng trong buổi đầu dựng nước. Đó là một ngôi chùa ngay trong khu di tích đền Hùng được khởi dựng từ thời Trần mang tên của một trong ba vị Hùng Vương Thánh tổ đầu tiên: Viễn Sơn cổ tự.

Đó là những vị thiền sư với vai trò là quốc sư ngay trong những ngày đầu đất nước độc lập như thiền sư Khuông Việt. Cái tên Khuông Việt (tức: khuông phù nước Việt) cũng đã nói lên phần nào vai trò của ngài. Đó là những vị thiền sư như Pháp Thuận đã cởi bỏ những băn khoăn cho nhà vua về vận nước và hết lòng phò trợ, từ ngoại giao đến việc cơ cấu một hệ thống thiết chế buổi ban đầu, góp phần kiến tạo nên một đường hướng tâm linh cho cả dân tộc.

Đó là những con người có đôi mắt thấu trước được thời cuộc và kiến tạo nên thời cuộc như thiền sư Vạn Hạnh. Đó còn là những vị thiền sư kiêm cả pháp sư để trấn yểm, tạo ra vận khí cho đất nước vững bền, lại đi vào cuộc đời, gần gũi với dân từ những công việc như dạy nghề, dạy học, chữa bệnh cho tới cầu đảo khi trời hạn. Ba vị thiền sư tiêu biểu đã trở thành tam vị thánh tổ trong tâm thức dân gian như: Không Lộ, Đạo Hạnh, Giác Hải từ thời nhà Lý…

Trải từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê, các vị vua hầu hết đều là Phật tử, là thiền sư. Tất cả những yếu tố đó có mặt và phát triển ngay từ buổi ban đầu tạo dựng một định chế xã hội mới đã khiến cho Phật giáo trở thành nếp sống, trở thành phần máu thịt của văn hóa dân tộc và không tách rời với sự phát triển của dân tộc Việt.

Mùa Bụt sinh, nhắc nhớ lại để thêm kính ngưỡng, để gửi lòng thương tưởng đến tiền nhân. Phật giáo có mặt và có vị thế ở dân tộc ta như ngày hôm nay từ biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử.

Mùa Phật đản sinh năm nay lại về. Những ngày đầu mùa hạ, trời trong veo và những ngọn gió ướp hương thơm lành vấn vít. Gió theo cùng với nắng, qua những mái nhà, những con đường rợp bóng mát xanh. Trong tôi luôn thao thiết xúc động khi nhớ về hình ảnh những ngôi chùa nhỏ ở các vùng quê, xung quanh là đồng lúa, bên chùa là ao sen và khu vườn đầy những sắc hoa. Những mái lá đơn sơ bên ao sen và những lầu chuông nhỏ. Hạ về, sen nở, Bụt đản sinh.

Trong lòng người dân quê cũng nao nức với ngày hội lớn. Cũng là lối đến chùa quen thuộc mỗi ngày nhưng giờ trở nên chộn rộn niềm vui. Cũng là những tiếng Đại Hồng vang lên khi những hạt sương còn đan lại như những tấm lụa mỏng tang phủ lên ruộng đồng, nhưng lại rõ thành những thanh âm như tiếng gọi của Bụt để quay về nhớ rằng mình cũng là một vị Phật sẽ thành. Phật đã từ bi khai thị như thế từ ngàn xưa…

Trong ta có một đức Phật. Cũng giống như trong một cái đầm hay một cái ao, nếu biết gieo vào và ươm mầm, nhất định ta sẽ trồng được những đóa sen thơm. Chối bỏ những bùn đất tanh hôi, cũng như chối bỏ cuộc đời đầy những bất trắc, uế trược và khổ đau. Sen không thể đủ điều kiện để vươn lên và con người cũng không thể tôi luyện cho bản tâm của mình.

Cuộc đời chính là trường học tốt nhất để đào tạo ra những vị Phật và mọi loại đều có Phật tính. Phật Thích Ca cũng chính là người đã sinh vào trong kiếp người, sống giữa ta bà như một con người bình thường. Ngài cũng như chúng ta đã trôi lăn trong luân hồi trở thành các chúng sanh có ngã, nhân, thọ giả và trải qua sinh, lão, bệnh, tử với tham, sân, si để hiểu vô thường khổ vô ngã. Phải thực chứng, phải trải nghiệm rồi thấy ra sự thật của cuộc sống như nó đang là, với cái tâm rỗng lặng, trong sáng mới có thể lần hồi giác ngộ, học ra được bài học của chính mình.

Mùa sen nở, mùa Bụt sinh đang về. Lòng tôi chộn rộn niềm thao thiết, nhưng cũng hoang hoải những kính thương và bâng khuâng về những gì đã qua, đã trở thành ngày xưa, tháng cũ.

Pha một ấm trà chiều, bên mái hiên chùa, khói trà lan tỏa quện với hương trầm ấm áp. Tôi rót trà mời Bụt, mời thầy và nhấp một ngụm trà. Trong vị trà thơm, chợt vang lên lời của thầy tổ năm nào: “sống là làm sao để cho vị Phật trong tâm mình được biểu hiện, đó là cách mình đón mừng mùa Phật đản sinh ý nghĩa nhất”.

Đọc thêm