Ngôi đình 300 tuổi đẹp nhất xứ Kinh Bắc còn tồn tại đến ngày nay

(PLVN) - Trong suốt gần 300 năm, trải qua hàng loạt những biến cố của lịch sử dân tộc ngôi đình làng Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) vẫn đứng vững. Đình làng Đình Bảng từ lâu đã được coi là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Kinh Bắc và cả Việt Nam, bởi đây là một công trình kiến trúc cổ đồ sộ chứa đựng giá trị nghệ thuật trang trí gỗ truyền thống đặc sắc. 
Đình Bảng là một trong những ngôi đình làng đẹp nhất xứ Kinh Bắc.
Đình Bảng là một trong những ngôi đình làng đẹp nhất xứ Kinh Bắc.

Từ xa xưa người dân xứ Kinh Bắc đã lưu truyền hai câu thơ: “Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”. Đình Đông Khang đã bị tàn phá, đình Diềm trước có năm gian hai chái nay chỉ còn ba gian hai chái. Chỉ còn đình Bảng là tương đối nguyên vẹn.

Niềm tự hào của xứ Kinh Bắc

Đình Đình Bảng, xưa kia còn có tên nôm là đình Báng, do có cây Báng mọc thành rừng nằm giữa một thiên nhiên đẹp, xung quanh có nhiều hồ ao là dấu tích của sông Tiêu Tương. Hiện nay đình thuộc làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 

Đình làng Đình Bảng được xây dựng năm 1700 thời Hậu Lê kéo dài ba mươi sáu năm đến năm 1736 mới hoàn thành. Người hưng công là quan Nguyễn Thạc Lương, người Đình Bảng (từng làm trấn thủ Thanh Hóa) và vợ là Nguyễn Thị Nguyên, quê ở Thanh Hóa. Ông bà đã mua gỗ lim, một loại gỗ quý và bền đem về cúng để dựng ngôi đình.

Đình Đình Bảng gồm tòa đại đình đồ sộ nối với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ, còn gọi theo dạng chữ Nho là kiểu “chữ đinh”. Tòa đại đình dài 20m, rộng 14m, cao 8m, phần mái rủ xuống đẹp đẽ chiếm tới 5,5 m tổng chiều cao.

Vẻ độc đáo của ngôi đình thể hiện ở không gian mái đình tỏa rộng, nét đồ sộ của những đầu đao, quy thức thích nghi với khí hậu gió mùa, và trang trí điêu khắc dày đặc.

Đình có kết cấu hệ kèo chồng rường, gồm bảy gian hai chái (gian phụ). Đình được dựng trên nền cao có thềm bó bằng đá xanh. Đặc biệt, đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 0,7m so với mặt nền, sáu hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 0,55m (với cột con) đến 0,65m (với cột mẹ) được kê trên các tảng đá xanh.

 

Nóc đình cao tới 8 mét với tỷ lệ mặt đứng của phần mái lớn hơn phần thân (mái chiếm hai phần ba chiều cao của đình) tạo nên cảm giác bề thế. Đình lợp ngói mũi hài và có các đầu đao vươn xa nhất trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam. Đình có cửa bức bàn bao quanh.

So với nghệ thuật kiến trúc thì nghệ thuật trang trí ở đình Đình Bảng cũng không kém phần đặc sắc. Các thành phần kiến trúc của đình Đình Bảng hầu hết được trang trí chạm khắc công phu thể hiện một nghệ thuật hội họa, điêu khắc gỗ tinh vi, điêu luyện.

Đồng thời, có thể nói chạm khắc ở đình Đình Bảng là mở đầu cho một phong cách chạm khắc gỗ của thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, với hai xu hướng: nghệ thuật dân gian và nghệ thuật cung đình, trong đó nghệ thuật dân gian đang bị lấn át dần. Xu hướng nghệ thuật cung đình thể hiện qua các đề tài trang trí của nghệ thuật chính thống là tứ linh, tứ quý, đề tài triết lý tôn giáo . . . với bố cục dày đặc, đường nét cầu kỳ, nặng về mặt hình thức công phu, hoa mỹ. Trên 28 chiếc kẻ hiên là 28 con rồng mỗi con một vẻ rất sinh động. Những con rồng với thân hình nhỏ nhắn,hai chân nắm hai sợi râu mép, dáng hình ngộ nghĩnh, nét mặt như cười.

Trên khung cửa được phủ hai dải hoa văn cân đối, dưới có hai khối tượng tròn là hai cối gỗ tra cánh cửa được nghệ nhân sáng tạo thành hai con nghê nằm trong tư thế phục chầu nhau với thân hình tròn lẳn căng đầy sức sống và vẻ mặt rất sinh động. Chúng ta còn bắt gặp hình tượng nghê nếu quan sát. Điêu khắc rồng trên kẻ hiên.

Nơi thờ tự các vị Thành hoàng làng và 6 vị công thần của làng.
Nơi thờ tự các vị Thành hoàng làng và 6 vị công thần của làng.  

Nội thất đình được trang trí với rất nhiều chủ đề phong phú như rồng, phượng, tùng, mai, trúc, bầu rượu, thanh gươm. Đặc biệt, hình tượng rồng chiếm một tỷ lệ lớn với số lượng khoảng 500 hình. Gian chính điện (gian giữa) có sàn thấp, lát gạch lá nem. Gian này thấp nhất, thuật ngữ là “lòng thuyền”. Sàn ván các gian hai bên cao dần, tổng cộng là hai cấp, phân biệt địa vị của các hương chức khi họp việc làng để người ngồi “chiếu trên”, kẻ ngồi “chiếu dưới” tùy theo vai vế trong làng.

Bức cửa võng và tấm trần che của gian chính điện được chạm trổ công phu. Trên ván nong, phía dưới bao lơn của hàng cột cái và cột con có một bức chạm hình “Bát mã quần phi” (Bầy ngựa tám con đang phi) với các đáng điệu rất sống động. Tám con ngựa con quay đầu lại, con cúi xuống nước, con nằm quay đầu lại, con ngẩng đầu lên, con đang gặm cỏ, con đứng quay đầu lại liếm chân. Lại có con đang quì hai chân trước, hai chân sau duỗi dài dáng phi nước kiệu. 

Các con ngựa ở đây đều mập khoẻ, thân hình cân đối, dáng vẻ rất sinh động, bức chạm mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII thể hiện xu hướng nghệ thuật dân gian, với đề tài hiện thực, bố cục đơn giản và sinh động, đường nét, hình khối mềm mại, tròn trặn. Bức chạm này cùng được đánh giá là có giá trị nghệ thuật nhất của ngôi đình. Trong đình có nhiều bức hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng.

Những vị Thành hoàng làng bảo vệ nền nông nghiệp

Trước đây, đình làng Đình Bảng nguyên thờ 3 vị Thành hoàng là các thần Đất, thần Nước, thần Trồng trọt: Cao Sơn Đại vương, giúp dân đi rừng đi núi tránh được thú dữ. Tương truyền, Thủy Bá Đại vương là người giúp dân đi biển đi sông không bị đắm thuyền; Bạch Lệ Đại vương, dạy dân cấy lúa trồng màu.

Các thần thờ ở Đình Bảng có mô hình chung của các cư dân nông nghiệp. Khi đồng lúa đã trải dài bát ngát, cuộc đấu tranh đẩy lùi rừng rậm, đồng lầy không còn nữa, mà việc canh tác trở nên quan trọng thì người ta nhớ đến Thành hoàng Bạch Lệ Đại vương.

Hình tượng rồng được điêu khắc tại đình Đình Bảng.
Hình tượng rồng được điêu khắc tại đình Đình Bảng.  

Tương truyền, Cao Sơn Đại Vương là con trai Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Ông đã theo cha lên núi Tản Viên (Sơn Tây) lập nghiệp. Đến thời Lê Trung Hưng, Thần Cao Sơn có công tích lớn ngầm giúp Lê Tương Dực dẹp nhiễu nhương. Tháng 11 năm Kỷ Mão (1509) Lê Tương Dực lánh nạn vào Tây Đô (Thanh Hoá dấy binh khởi nghĩa, khôi phục sự nghiệp Vua Cao Tổ, cứu vớt triệu dân lành (Văn bia đình Kim Liên ghi). Được bà Trương Lạc Diện - vợ vua Lê Thánh Tông giúp đỡ nên ba vị Đại thần: Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ, Nguyễn Văn Lữ dốc lòng thờ vua, tiêu diệt kẻ hung bạo. 

Ba vị đại thần này một lần đến Phụng Hoá (thuộc Nho Quan, Ninh Bình hiện nay) trong rừng sâu âm u, họ đã gặp một ngôi đền cổ có đại tự đề: “Cao Sơn Đại Vương”. Linh cảm thế nào cả ba cùng khấn cầu xin thần giúp đỡ. Quả nhiên, sự ứng nghiệm cùng với tài ba xuất chúng của mình, mười ngày sau họ đã nhấn chìm được một cuộc bạo loạn.

Vua Lê Tương Dực biết được sự việc, ông đền ơn bằng cách thức cho xây lại đền thờ khang trang hơn. Và tấm bia “Cao Sơn Đại Vương -Thần Từ Bi Minh” là được chuyển từ Phụng Hoá về dựng tại đình Kim Liên hiện nay, với ước nguyện mong thần Cao Sơn - vị Thần thiêng liêng góp sức bảo vệ phía Nam kinh thành Thăng Long (Trấn Nam Phương). 

Cũng tại đình làng nhân dân cũng thờ Lục Tổ (6 vị có công lập lại làng vào thế kỷ XV. Sau này khi đền Lý Bát Đế bị thực dân pháp phá năm 1948, nhân dân đã tiếp nhận bài vị của tám vị vua triều Lý về thờ tại đình Đình Bảng.

Khi tiếng trống hội giống lên vào sáng ngày 12/12 âm lịch thì các lễ tế được diễn ra liên tục cho đến khi tan hội. Phẩm vật tế thần trong lễ hội đình làng Đình Bảng chủ yếu là xôi nếp và thịt lợn luộc, riêng đêm 13 có tục tế thần bằng một cặp lợn sống. Tế xong, lợn được mổ và chia đều cho các “hiệu” mang thịt về từng nhà. Đặc biệt, trong các ngày hồi đình, dân làng Đình Bảng còn dành riêng một ngày đón “chạ anh” từ Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) sang dự hội. Đây là một nét văn hóa cổ của người Việt còn được lưu giữ qua tục “kết chạ”, tương tự như phong trào kết nghĩa giữa các địa phương như ngày nay. 

Đọc thêm