Hơn 300 năm trước tiền nhân đi mở đất
Theo các cao niên thuộc Ban Quản lý Di tích đình Thông Tây Hội và các tài liệu ghi chép, ngôi đền cổ Thông Tây Hội được lập từ năm 1679, thời điểm phủ Gia Định còn chưa được thành lập. Đó là lúc mà nhóm người gốc vùng Nghệ An, Hà Tĩnh vừa định cư trên vùng đất Gò Vấp ngày nay. Việc lập đình trên vùng đất mới lúc bấy giờ như là một tập quán về sinh hoạt văn hóa của của tiền nhân, một sự nhắc nhớ nguồn cội, vọng cố hương.
Ban đầu, ngôi đình đầu tiên của làng được dựng bằng tre, vách lá và nằm cách ngôi đình hiện tại 800m về phía Nam. Ngôi đình thứ hai được làm bằng gỗ lợp ngói, nhỏ và đơn giản, nằm tại vị trí ngôi đình hiện tại. Chỗ ấy xưa kia được cho là một vùng đồi gò khá cao, diện tích rộng, cây cối um tùm, thú rừng rình rập. Bù lại đất đai màu mỡ, thuận lợi để hình thành nên những thôn, làng…, vị trí nằm bên hữu ngạn sông Sài Gòn, tiện cho giao thông đường thủy.
Đến năm 1883, trải qua nhiều lần dân làng góp công góp sức xây dựng, tu bổ, đình Thông Tây Hội mới có được kiến trúc hoàn chỉnh như hiện nay. Nguồn gốc tên gọi của đình, trước năm 1944 có tên là đình làng Hạnh Thông Tây. Làng Hạnh Thông Tây vốn được tách ra từ làng Hạnh Thông - một trong những làng ra đời từ rất sớm - 1698, thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Cái tên đình Thông Tây Hội ra đời năm 1944, khi hai làng Hạnh Thông Tây và An Hội nhập làm một.
Các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật còn giữ được đường nét, màu sắc cổ xưa. |
Xa xưa khu đất đình rộng hơn 5.000m2, theo năm tháng diện tích thu hẹp dần, bây giờ khuôn viên đình còn khoảng 1.500m2. Đình quay về hướng Đông, có 3 công trình chính là chính điện, nhà võ ca và nhà hội sở. Từ cổng chính với đôi rồng được làm theo đề tài lưỡng long triều nguyệt màu xanh ngọc bằng sứ trên mái ngói âm dương đi vào là bia Bạch Hổ, sau đó là bàn thờ Thần Nông, tiếp đến nhà võ ca rồi đi vào chính điện.
Bên phải chính điện là nhà hội sở, bên trái của chính điện có miếu bà chúa xứ. Phía góc phải khuôn viên đình - phía trước nhà hội sở có miếu Ngũ hành và miếu thờ ông Hổ, một hình tượng thường thấy trong các kiến trúc đình ở Nam Bộ. Các công trình được bố trí hài hòa với không gian xung quanh gồm có 4 sân: sân trước, sân sau, sân phải, sân trái, với những cây cổ thụ mấy trăm năm tuổi, bốn mùa rợp bóng.
Trong các công trình, chánh điện là nơi quan trọng nhất, tập trung những trang trí đặc sắc nhất của ngôi đình. Các đầu kèo, trính đều được chạm khắc đầu rồng và cành mai. Chính điện có 3 bao lam được phân bố ở giữa và hai bên có từ lúc khởi thủy của ngôi đình đến bây giờ. Bao lam giữa được chạm trổ theo đề tài lân - li - qui - phụng. Hai bao lam bên trái và bên phải được chạm trổ theo đề tài mẫu đơn - trĩ.
Cho đến ngày nay, đình vẫn còn giữ được 37 hiện vật quý. Các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ đều giữ được đường nét, màu sắc sơn son thiếp vàng của hiện vật cổ. Các cao niên trong ban quản lý di tích cho biết, có thời gian nhiều hiện vật bị thất thoát, sau này được sắm sửa lại. Để đình vững chãi đến bây giờ, mấy chục năm qua, những người trông coi đình cùng bà con chung sức, thay từng viên ngói âm dương, từng thanh xà nhà…
Hai thần Thành Hoàng chở che thôn làng
Tuổi đời hơn 340 năm, ngôi đình cổ nhất phương Nam ghi dấu bao nhiêu thăng trầm, biến cố lịch sử của vùng đất này, từ những ngày đầu mở đất đến những cuộc chiến giữa các triều đại, rồi 2 lần kháng chiến chống Pháp, Mỹ để giành được độc lập, thống nhất. Rêu phong theo năm tháng, đình Thông Tây Hội cũng lưu giữ những giá trị nghệ thuật kiến trúc truyền thống độc đáo cũng như các giá trị văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc.
Theo các cao niên trong Ban Quản lý di tích đình Thông Tây Hội, các hoạt động thờ cúng, tín ngưỡng của đình vẫn được duy trì mấy trăm năm qua, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, mặc dù có những quãng thời gian vì biến động lịch sử mà việc hương khói bị gián đoạn. Đình thờ các vị như Bà Chúa Xứ, Thần Nông, Thần Hổ, Ngũ Hành Nương Nương, Quan Công, các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiền và các liệt sĩ. Tùy theo đó mà có nhiều hoạt động lễ, cúng diễn ra trong năm.
Hai vị thần được thờ chính ở đình là hai thần Thành Hoàng, lần lượt là Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, đều là hoàng thất nhà Lý. Theo các tài liệu lịch sử, Đông Chinh Vương tên là Lý Lực – hoàng tử thứ ba của vua Lý Thái Tổ. Anh cả của Lý Lực là Lý Phật Mã tức vua Lý Thái Tông và anh kề là Khai Quốc Vương Lý Long Bồ. Tháng 10 năm 1018, ông được nhà vua phong là Đông Chinh Vương và phụng lệnh đi dẹp giặc ở Châu Văn (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn). Ông lập nhiều chiến công hiển hách khi cầm quân dẹp loạn biên giới phía Bắc.
Nhà hội sở dưới bóng cổ thụ bốn mùa xanh mát. |
Dực Thánh Vương, theo Đại Việt sử lược, là một tông thất và tướng lĩnh thời đầu nhà Lý. Ông là em trai của Lý Mỗ và Lý Công Uẩn. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên làm vua, tức Lý Thái Tổ, đã phong tước Vũ Uy Vương cho anh trai ruột là Lý Mỗ, phong tước Dực Thánh Vương cho em trai. Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng Dực Thánh Vương là con trai thứ 5 của vua Lý Thái Tổ, tức anh em với Đông Chinh Vương.
Dù xuất thân của Dực Thánh Vương còn có ý kiến khác nhau nhưng có điểm thống nhất, ông là vị tướng có đóng góp cho việc bảo vệ biên cương nước Đại Cồ Việt khi nhà Lý mới thành lập, được nhân dân tôn kính. Ông lập được đại công khi đánh bại quân Đại Lý xâm lấn nước ta năm 1014, đánh dẹp các châu Đô Kim, Vị Long, Thường Tân, Bình Nguyên năm 1015 và nhiều công trạng khác.
Năm 1028, khi Lý Thái Tổ vừa băng hà thì triều đình xảy ra sự kiện loạn tam vương, trong đó thành phần tham gia có Dực Thánh Vương, Đông Chinh Vương. Thái tử Khai Thiên Vương Lý Phật Mã dẹp loạn tam vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương phải chạy trốn. Về sau hai người xin về chịu tội, Thái Tông bỏ qua chuyện cũ, phục chức cho cả hai người. Hai vị vương không được ở lại kinh thành mà phải đi khai hoang ở biên cương phía Nam, nơi ngày nay là Nghệ An – Hà Tĩnh.
Sau này, Dực Thánh Vương cùng với Đông Chinh Vương được thờ phụng tại nhiều nơi, đặc biệt là khu vực Hải Phòng. Ở miền Nam, hai ông cùng được thờ tại Đình Thông Tây Hội. Theo lý giải của các cao niên, những cư dân đầu tiên từ vùng Bắc Trung Bộ vào khai khẩn mảnh đất này, họ mang theo bài vị hai vương và dựng nên ngôi đình để thờ tự, xem như thần Thành Hoàng trên miền đất mới. Với niềm tin rằng, sự che chở, phù hộ của hai vị mà trên vùng đất lạ dân làng được an yên, mùa màng tươi tốt, con cháu được hưởng phước lành.
Gìn giữ cho mai sau
Năm 1998, đình Thông Tây Hội chính thức được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật, văn hóa lịch sử Quốc gia. Tiếp nối truyền thống cha ông, thời gian qua Ban Quản lý đình Thông Tây Hội mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì việc gìn giữ, bảo vệ di tích và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng. Trong đó, việc thờ cúng diễn ra quanh năm, lễ vật đơn giản là sản vật địa phương, mùa nào thức ấy nhưng ăm ắp lòng thành, chất phác người Nam Bộ. Còn lễ hội quan trọng nhất là lễ vía Bà Chúa Xứ vào tháng tư âm lịch và lễ Kỳ Yên diễn ra vào rằm tháng tám âm lịch hàng năm.
Ngoài người dân địa phương đến cúng kính, vẻ đẹp cổ xưa của ngôi đình còn thu hút du khách xa gần đến tham quan, nghiên cứu. Đây cũng là nơi thường diễn ra các hoạt động giáo dục, tìm hiểu lịch sử vùng đất cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh trong thành phố. “Niềm mong mỏi của chúng tôi là chính quyền địa phương, các ban ngành quan tâm hơn nữa, hỗ trợ chúng tôi giữ gìn di tích, cho con cháu sau này dưới mái đình còn biết về lịch sử, nguồn cội, tổ tiên…”, đại diện ban quản lý di tích chia sẻ.