Ngôi đền mê hoặc lòng người bởi một vẻ đẹp hàihòa của núi non, biển trời hùng vĩ. Lễ hội đền Chiêu Trưng được xem là lễ hội lớn bậc nhất ở Hà Tĩnh, mang đậm dấu ấn lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc của ngư dân vùng cửa biển.
Danh tướng Lê Khôi
Chiêu Trưng là một trong những ngôi đền thuộc “tứ linh” mà người dân vùng Nghệ Tĩnh thường nhắc đến. Ngôi đền nằm ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), trên núi Long Ngâm của dãy Nam Giới. Đến nay, đền thờ Lê Khôi - Chiêu Trưng Đại vương đã tồn tại hơn 500 năm. Trải qua bao thế sự trầm luân, ngôi đền vẫn vững vàng sừng sững, uy nghi nhìn ra biển Đông. Dù được trùng tu nhiều lần nhưng ngôi đền vẫn giữ được cốt cách, dáng vẻ ban đầu.
Lê Khôi là một danh nhân lịch sử, dũng tướng thời Hậu Lê. Tục truyền, Lê Khôi con ông Lê Trừ, là anh thứ hai của Lê Lợi. Cha mẹ mất sớm, Lê Khôi ở với chú ruột là Lê Lợi, tham gia nghĩa quân, có tên trong Hội thề Lũng Nhai gồm 35 công thần tụ nghĩa.
Trước cổng đền có 2 con voi đá án ngữ tạo vẻ uy nghiêm. |
Lê Khôi cũng luôn chú trọng huấn luyện quân sỹ, giữ yên bờ cõi. Năm 1446, phụng mệnh vua ông cầm quân đi đánh Chiêm Thành ở châu Thuận Hóa. Trên đường trở về khi đến núi Long Ngâm của dãy Nam Giới, ông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Thương tiếc vị tướng tài - đức song toàn vua quan nghỉ triều chính làm quốc tang. Thi hài ông được an táng tại chóp núi Long Ngâm.
Cảm kích trước công lao to lớn của tướng Lê Khôi, vua cho lập đền thờ và nhân dân hàng năm cúng tế, sau này gọi là Lễ hội Chiêu Trung hay lễ hội đền Lê Khôi. Hằng năm, triều đình giao cho quan trấn thủ Nghệ An phải về đây tế lễ nghiêm trang. Do đó, đền Chiêu Trưng được gọi là đền quốc tế - tức quốc gia làm lễ tế thần.
Năm Quang Thuận thứ 4 (1463) Vua Lê Thánh Tông ngự giá thăm Đền, viếng mộ, ngự chế bài thơ quốc âm đề vịnh, sắc cho Đô úy Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ soạn bia dựng tại Đền. Năm Hồng Đức thứ 18 (1487) lại phong tặng “Chiêu Trưng Đại Vương”.
Đền Chiêu Trưng được xây dựng xong năm Đinh Mão (1447) một năm sau khi Lê Khôi mất, gồm 3 tòa, sau lưng là lăng mộ (tiền miếu hậu lăng). Nếu đi đường thủy, sau khi rời bến thuyền ngoặt vào núi Long Ngâm, du khách leo qua 23 bậc đá để lên thềm trong bóng râm rợp mát của um trùm cây cối cổ thụ. Trước cổng đền có câu đối ghi rõ năm đặt phần mộ, dựng đền và năm xây cổng. Qua cổng và vọng lâu vào đền Hạ là nơi đón tiếp quan khách về tế lễ. Phía Đông là nhà đặt bia khắc bài thơ nôm của Lê Thánh Tông đề tặng năm 1447.
Trước những đóng góp to lớn của ông, người đời đã ca ngợi Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi bằng những câu thơ: “Đức dày tiếng thơm ghi sử sách/ Phúc yên lưu dấu thấm nhân dân”.
Độc đáo lễ hội vùng cửa biển
Đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi là một công trình kiến trúc cổ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, di tích đền Lê Khôi đến nay còn được lưu giữ hầu như nguyên vẹn các đại tự, câu đối, sắc phong, tượng thờ, thần vị, chỉ vị…Ngoài đền chính, nhân dân các làng xung quanh đều có đền thờ vọng.
Theo Ban quản lý đền Lê Khôi, lễ hội Đền Chiêu Trưng đã tồn tại hàng trăm năm và đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trước khi diễn ra phần chính lễ ở đền Lê Khôi thì tại đền Vọng (xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà) và đền Vọng Mai Lâm (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà) đều có lễ tế kéo dài nhiều giờ. Lễ hội đền Lê Khôi đã tồn tại hơn 500 năm, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Trong lễ hội, lễ rước kiệu được chuẩn bị công phu, mỗi đoàn rước có hơn 100 người, đi bằng 5 - 7 thuyền mỗi đoàn.Trong đoàn rước, nữ mặc áo dài, đầu đội khăn xếp, nam mặc quần áo binh lính màu vàng có chỉ nẹp dải đỏ, đội nón gõ sơn, mang kiếm, đao, chùy, giáo đi đầu đoàn rước. Đoàn rước kiệu còn có phường bát âm nhạc lễ, tàn, lọng, cờ, đồ tế khí…
Lễ hội Đền Chiêu Trưng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (ảnh tư liệu). |
Đối với ngư dân vùng biển Hà Tĩnh, việc cúng giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi không chỉ là một nét văn hóa tâm linh mà còn thể hiện lòng thành kính, tri ân của hậu thế đối với vị tướng tài ba, lỗi lạc đã trở thành vị thần trấn giữ cửa biển, bảo vệ bình an cho cuộc sống của bà con.Do đó, ngư dân các địa phương trong Hà Tĩnh luôn ý thức Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi chính là vị Thành hoàng làng, thần hộ mệnh trên biển. Lễ hội đền Lê Khôi hàng năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa dân gian đặc trưng, gắn bó mật thiết, truyền từ đời này qua đời khác của ngư dân Hà Tĩnh. Thông qua lễ hội, bà con cầu mong một năm đi biển mưa thuận gió hòa, bình an, hải sản đầy thuyền...
Lễ tế giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi do nhân dân một số xã phối hợp tổ chức nên đã thoát khỏi hình thức một nghi lễ đơn thuần, trở thành tín ngưỡng dân gian độc đáo của vùng cửa biển. Song song với lễ tế còn có các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao đặc sắc như: thi bơi thuyền, bóng chuyền, đi cà kheo, cầu Kiều, đánh cờ thẻ, cờ người...
Hàng năm, lễ hội này thu hút du khách thập phương từ nhiều tỉnh thành trong nước, đặc biệt là một số tỉnh có thờ vọng Đức Thánh Lê Khôi như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội. Ngọn Nam Giới vào các ngày đêm từ mồng 1 đến mồng 3 tháng 5 (âm lịch) rực rỡ đèn, nến trên bộ dưới thuyền. Cả một không gian tràn ngập âm thanh lễ hội văn hóa đầy huyền ảo, thơ mộng.
Lễ hội Đền Chiêu Trưng được đánh giá là có quy mô, khai thác được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống mang đậm phong tục, đặc điểm của cư dân vùng biển. Lễ hội cũng là dịp để Hà Tĩnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch trên địa bàn, góp phần thu hút du khách đến với dải đất Lam Hồng giàu truyền thống văn hóa.
Để ghi nhận công đức của Lê Khôi và gìn giữ những giá trị kiến trúc nghệ thuật thời Lê tại đền, năm 1990, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) quyết định công nhận đền thờ và lăng mộ Lê Khôi là Di tích cấp quốc gia. Đến năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định công bố Lễ hội Đền Chiêu Trưng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.