Đình Quan Lạn – Ngôi đình thiêng 300 tuổi bên sóng nước Vân Đồn

(PLVN) - Đình Quan Lạn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng ở giữa làng, nhìn ra vịnh biển nơi có ba hòn đảo tạo nên bức bình phong, phía sau tựa vào năm ngọn núi... Các bậc tiền đã xây dựng ngôi đình Quan Lạn với lối kiến trúc độc đáo ghi dấu ấn văn hóa của người Việt trên vùng biển Đông Bắc. Điều đó không chỉ được thể hiện qua sự độc đáo của kiến trúc mà còn ngay trong lễ hội có một không hai của đình Quan Lạn. 
Đình Quan Lạn đã có lịch sử hơn 300 năm.
Đình Quan Lạn đã có lịch sử hơn 300 năm.

Niềm tự hào của cư dân đảo Quan Lạn

Đình Quan Lạn tọa lạc trên bến Đình - bến thuyền trung tâm xã đảo Quan Lạn thuộc huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách Cẩm Phả khoảng 35km. Ngôi đình xây dựng lần đầu tiên vào Thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) trên bến Cái Làng. Đây vốn là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn. Sau đó đình được di chuyển về thôn Nam. 

Dưới Thời Nguyễn vào năm Thành Thái thứ 12 ngôi đình một lần nữa được di chuyển về xây dựng lại tại thôn Đoài như hiện nay và được đặt tên là đình Quan Lạn 2. Vị trí tọa lạc của ngôi đình khi đó được các tiền nhân lựa chọn được cho là vô cùng đắc địa: đình có hướng Tây, xoay mặt ra biển. Phía trước đình Quan Lạn có ba ngọn núi Sao Trong, Sao Ngoài, Sao Ơn làm bức bình phong tự nhiên và phía sau lưng là năm quả núi khác làm chỗ dựa vững chắc. Đây là thế đất đẹp “Tiền Tam thai, hậu Ngũ nhạc” không mấy khi gặp trong xây dựng các công trình tín ngưỡng từ trước tới nay. 

Theo lời của người dân trên đảo, kể từ lần di chuyển cuối cùng này, dân làng làm ăn thuận buồm xuôi gió, bình an, mạnh khỏe, cuộc sống thuận hòa. Có thể thấy, đình Quan Lạn không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh cộng đồng mà nơi đây còn gắn bó mật thiết và chứng kiến những biến đổi đời sống của người dân trên đảo. 

Đình Quan Lạn là niềm tự hào của người dân trên đảo, đình có kiến trúc hình chữ công, gồm bái đường, hậu cung và ba gian ống muống. Mái đình lợp bằng ngói vẩy. Đình Quan Lạn nổi bật khi tọa lạc trên nền đất rộng 500m2, có 32 cột cái, 26 cột quân, có những cột to với chu vi lên đến 3,2m2, hai người ôm không hết. Chất liệu gỗ làm đình là gỗ mần lái. Đây là loại gỗ chỉ mọc ở núi đá ở đảo đá Ba Mùn gần đó, cứng hơn gỗ lim, chịu được nước biển. Hiện nay loại gỗ này rất ít và khai thác rất khó khăn. Cho đến nay trong cả nước duy nhất có đình Quan Lạn sử dụng gỗ mần lái.

Đường nét chạm khắc rồng kỳ công trong đình Quan Lạn
Đường nét chạm khắc rồng kỳ công trong đình Quan Lạn 

Trải qua hơn 300 năm, nằm ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng những nét chạm khắc tinh xảo ở ngôi đình vẫn còn vô cùng tinh xảo, đặc biệt là hình tượng rồng. Các hình chạm rồng có mặt khắp mọi nơi trong đình, từ mái, góc đao, xà ngang, gác mái, trên cửa võng, xà, kèo với đủ hình rồng, có những đầu đòn bẩy có đến 9 con rồng. Hình tượng rồng được thể hiện dưới đủ dạng thức: Rồng luồn trong chớp lửa, rồng cuộn trong mây, rồng trên cuốn thư, rồng chầu mặt nguyệt... 

Tuy được xây dựng từ thời hậu Lê nhưng điêu khắc hình rồng ở đình Quan Lạn lại mang nhiều dáng dấp kiến trúc của các triều đại khác nhau như Lý, Trần, Nguyễn. Điều đó được thể hiện như đuôi rồng uống mây thời Trần; rồng mang đôi mắt xếch, râu bờm thời Lê; rồng thời Nguyễn thì nhe răng, râu dài, có móng vuốt sắc nhọn. 

Vì là ngôi đình giữa làng biển, nên ở đình Quan Lạn còn khắc họa hình ảnh con ngài tằm và con bề bề vốn là một giống tôm phổ biến được khai thác, đánh bắt nhiều ở vùng biển này. Những hình ảnh hiếm hoi đó phản ánh rõ nguồn sống chủ yếu của cư dân nơi đây từng dựa vào nghề trồng dâu nuôi tằm và đánh bắt hải sản. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong số ít các ngôi đình ở miền Bắc thể hiện được nghề nghiệp của cộng đồng cư dân địa phương qua trang trí điêu khắc. 

Những người thợ tài hoa xưa đã khéo léo đan xen các hình tượng khiến người xem không có cảm giác rối mắt khó chịu. Các đường nét đều được chạm khắc hết sức tinh xảo, tỉ mỉ khiến các bức trạm khắc hiện lên đầy sống động. Với những giá trị kiến trúc, điêu khắc đó đình Quan Lạn và một số di tích khác đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 575/QĐ ngày 14/7/1990.

Mái đình làng biển duy nhất thờ vua Lý Anh Tông

Đình thờ thành hoàng làng và các vị tiền bối có công quai đê lập ấp. Đình Quan Lạn đặc biệt ở chỗ, đây là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn xưa và tướng Trần Khánh Dư, người trấn ải Vân Đồn. 

Ngược dòng lịch sử, năm 1149, thời vua Lý Anh Tông, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Xiêm La, Lộ Lạc (Indonesia, Thái Lan…) vào Hải Đông (Quảng Ninh ngày nay) xin ở lại buôn bán. Vua đã cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, với trung tâm là đảo Quan Lạn, đặt nền móng cho thương cảng sầm uất bậc nhất Việt Nam. Đến thời Trần (1225-1400), giao thương càng trở lên tấp nập.

Năm 1288, khi quân Mông Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ III, quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Khánh Dư và 3 anh em họ Phạm đã kịch chiến trong suốt 10 ngày với đoàn thuyền của Trương Văn Hổ, và tiêu diệt đoàn thuyền này. Hiện có đền thờ 3 anh em họ Phạm và đền thờ (nghè) Trần Khánh Dư. 

Phần thi đua thuyền tại lễ hội đình Quan Lạn.
 Phần thi đua thuyền tại lễ hội đình Quan Lạn.  

Đến đời Lê Sơ (1428-1527) thi hành nhiều chính sách khắt khe với ngoại thương, hoạt động giao thương trở lên sa sút. Đến thời nhà Mạc (1527-1677), rồi thời Lê Trung Hưng (1533-1789), tình hình được khôi phục phần nào, nhà Lê còn chú trọng phát triển cộng đồng dân cư.

Đến cuối thế kỷ XVII, Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) nổi lên thành các trung tâm giao thương mới, nơi đây mất dần sự sầm uất. Sang thời Nguyễn, thương cảng đã đi vào giai đoạn lụi tàn không còn hoạt động.

Ngày nay, đình Quan Lạn là một địa điểm phát triển về ngành du lịch, vào trung tuần tháng 6 (Âm lịch) mỗi năm sẽ có lễ hội, được mọi người ưa thích, du khách các nơi đều về dự. Lễ hội Quan Lạn được tổ chức từ ngày 10 tới 20 tháng 6 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội mang sắc thái địa phương độc đáo, in đậm vào đời sống sinh hoạt của người dân cảng Vân Đồn Quan Lạn. 

Theo những người dân ở đây, lễ hội được tổ chức nhằm kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 của Trần Khánh Dư. Ngoài ra, đây cũng là ngày hội cầu mùa của cư dân vùng biển cầu mong mưa thuận gió hoà. 

Theo phong tục của người dân tại mảnh đất này, thì ngày 10/6 được gọi là ngày khoá làng, tức là vào ngày nay không ai được phép ra khỏi đảo chỉ trừ những người đi làm ăn xa về thăm đảo hoặc du khách đi du lịch biển Quan Lạn về tham dự lễ hội. 

Trong lễ hội đình Quan Lạn sẽ diễn ra tục đua thuyền. Dân làng chia làm hai phe Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ lập doanh trại riêng từ ngày 13 để luyện quân, chuẩn bị thuyền đua. Thuyền đua thường là thuyền đi biển trọng tải 5 đến 6 tấn, rộng và sâu lòng, được hạ buồm, trang trí đầu rồng ở mũi thuyền.

Ngày 16 làm lễ nghinh thần. Dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè (cách đình 1,5 km) về đình. Dưới bến, đôi thuyền đua tập luyện tạo một không khí tưng bừng náo nhiệt.

Ngày 18/6 (Âm lịch) vào 15h giờ, thường lúc này nước triều lên tới sát bến của đình, hai bên bắt đầu xuất phát. Lính bên văn áo trắng quần xanh, chân quấn xà cạp xanh, lính bên võ quần áo xám hoặc đen. Tiếng chiêng trống, tiếng hô vang, cờ bay phần phật đầy khí thế. Mỗi khi hai đàn giáp nhau ở sân đình, quân lính cùng dân chúng hét lớn vang dậy cả một vùng. Hai tướng múa những đường đao đẹp mắt, hai đoàn quân gặp nhau ba lần, tượng trưng cho ba lần đánh thắng quân Nguyên thời Trần. Tới lần thứ ba hai đoàn quân tập hợp trước miếu, hai vị tướng vào tế, khi quay trở ra thì cuộc đua thuyền mới chính thức bắt đầu.

Hội đình Quan Lạn là sự tổng hòa của ngày hội kỷ niệm chiến thắng giặc ngoại xâm và ngày hội cầu mùa của cư dân ngư nghiệp vùng biển đảo Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội này đã thể hiện được tinh thần thượng võ, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc ta. 

Đọc thêm