Hạ về, sen nở mừng ngày Phật đản sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày mùng 8 tháng 4 là ngày Bụt ra đời. Gần 3000 năm trước, từ bước chân của con người vĩ đại ấy, nhân loại được biết đến một sự thật lớn: “Tất cả chúng sinh đều có tính Bụt”.
Hạ về, sen nở mừng ngày Phật đản sinh

1. Sáng mai mùa Hạ, tôi nhớ những năm nào cảnh chùa tôi yên bình. Bao quanh chùa, những ruộng lúa mênh mông sắc vàng mùa gặt, lúa trĩu hạt với tiếng chim vui hót reo mừng nhặt hạt.

Sau cổng chùa trầm mặc là hai hàng cau già trang nghiêm thẳng tắp dẫn lối. Chùa tôi cũng như những ngôi chùa điển hình của một làng quê Bắc bộ. Khác chăng là mái lá đơn sơ. Chùa có ao sen thơm ngát khi Hạ về và những bông mẫu đơn đỏ thắm.

Ất Dậu, /Long Phù/ năm thứ 5 [1105], (Tống Sùng Ninh năm thứ 4)

Mùa thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp.

Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường. (Trích ĐVSKTT)  

Tôi muốn chia sẻ đôi điều về chùa tôi, về tháng tư, tháng Phật Đản.

Ngày mùng 8 tháng 4 là ngày Bụt ra đời. Gần 3000 năm trước, từ bước chân của con người vĩ đại ấy, nhân loại được biết đến một sự thật lớn: “Tất cả chúng sinh đều có tính Bụt”.

Nhận thức đó đã đưa nhân loại đi rất xa trên con đường khám phá chính mình. 

Cứ mỗi mùa sen nở, mùa Đại lễ Phật đản về, ở những thời điểm khác nhau, cách tổ chức cũng khác nhau, nhưng ấn tượng, đầy niềm tự hào, không thể nào quên: Đó là Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc, Vesak 2008, PL.2552 tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia Mỹ Đình, Hà Nội, từ ngày 14/5 đến ngày 16/5/2008.

Đại lễ Vesak Tam Hợp Liên Hợp quốc là một sinh hoạt văn hóa do Liên Hợp quốc khai sinh, chủ xướng, duy trì và triển khai. Vào năm 2000, đại lễ Vesak đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên hiệp quốc, New York với sự tham gia của các Đoàn đại diện môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.

Năm 2008, đại lễ Vesak lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam gồm hơn 100 quốc gia với 600 đoàn Phật giáo và hơn 50.000 người tham dự. Tại đây, các quốc gia bạn đã được gặp gỡ những người phật tử Việt Nam giàu lòng vị tha, yêu đạo, yêu đời cùng với một kho tàng di sản Phật giáo đồ sộ từ chùa chiền cho đến kinh sách, văn bia mà Phật giáo Việt Nam đã xây dựng và vun bồi qua hàng ngàn năm lịch sử.

Thành kính, trang nghiêm nghi lễ tắm Phật kinshn mừng Ngày Phật đản.
 Thành kính, trang nghiêm nghi lễ tắm Phật kinshn mừng Ngày Phật đản. 

2. Năm 2008 cũng là năm, lần đầu tiên chùa tôi – một ngôi chùa nơi làng quê tổ chức lễ Vesak.

Từ công tác chuẩn bị, rồi lễ tắm Bụt, tất cả đều trở thành niềm tự hào và xúc động trong trái tim mỗi người con Phật.

Mùa Phật Đản, mỗi người Phật tử trong niềm vui chung lại nhớ tự nhắc mình hướng tâm tu tập. Nhắc nhớ lời thầy về sự đản sanh của vị Phật trong mỗi người. Mỗi chúng sinh đều có Phật tính, vậy thì mình đã sẵn sàng để chào đón sự đản sinh của vị Phật trong mình hay chưa?

Mỗi khi thực tập nói những lời ái ngữ từ hòa, nuôi dưỡng và đắp bồi cho tâm từ bi thêm sâu rộng, mỗi lúc khởi lên một ý niệm lành, mong điều tốt cho quê hương, cho người, cho cuộc đời và chính mình, ấy là khi Phật tính trong ta được biểu hiện.

Trong ta có một đức Phật.

Sống là làm cho đức Phật ấy trong tâm được phát lộ. Giọt nước trong nghi lễ của người tham dự Tắm Bụt nhắc cho họ về sinh mệnh đức Phật ở lòng mình.

Phật đản chùa tôi, nơi miền quê thanh bình ấy, chúng tôi không có gì nhiều nhặn, chỉ là một lễ đón mừng đơn sơ nhưng trang nghiêm; chỉ là ngôi chùa nho nhỏ bên những ruộng lúa xanh trải dài bao quanh và những người Phật tử thuần hậu, mộc mạc nhưng sớm hôm không quên lời thầy, không quên kinh kệ và nhắc nhau làm lành, lánh dữ.

Các em nhỏ nhớ nhắc nhau ra chùa, học hát thiền ca, cùng ngồi bên nhau để sẻ chia, tu tập và học hỏi.

Kể từ 2008 đến nay đã 10 năm trôi qua. Mỗi năm là mỗi đổi thay. Ngôi chùa từ mái lá đơn sơ có thêm lầu chuông, nay lại đang khoác lên mình màu áo mới. Diện mạo có đổi thay, nhưng tình thầy trò, tình người và niềm tin sâu với Đạo vẫn bền bỉ như mạch nguồn bất tận.

Tôi nghĩ đến những ngày nào, các em nhỏ cùng ra chùa, ngồi trong lòng thầy học từng bài thiền ca, giờ có em đã trưởng thành, trở thành và có người sắp thành sư cô, sư chú. Có những em nhỏ ngày ấy giờ đã lớn khôn và cũng người muốn tiếp nối việc lành, gắng công xây dựng tủ vàng sách quý tại chùa, tại làng quê mình.

Mỗi tháng, các em tự giác tổ chức những buổi gặp gỡ để được ngồi lại bên nhau và bên thầy. Tất cả những điều ấy là sự cố gắng để có mặt trọn vẹn cho nhau trong tình thầy trò. Có mặt để mà nâng đỡ, sẻ chia.

Đàn nguyện cầu hòa bình, quốc thái dân an tại Đại lễ Phật Đản Vesak 2019.
Đàn nguyện cầu hòa bình, quốc thái dân an tại Đại lễ Phật Đản Vesak 2019.  

3. Chúng ta ngày nay đang có rất nhiều nhưng lại thiếu những khoảnh khắc để có mặt trọn vẹn cho nhau. Cho người mình yêu thương, trân quý.

Một tâm niệm mong muốn làm việc lành, tuy là một hạt giống ban đầu bé nhỏ nhưng hạt giống ấy sẽ lớn lên trong trái tim của các em và mỗi người dân. Hạt giống của Phật tính được nuôi dưỡng và tưới tắm mỗi ngày sẽ đến khi kết trái đơm hoa. Mỗi người đều biết trong từng khoảnh khắc cuộc đời luôn nghĩ việc tốt, làm việc lành.

Chúng ta yêu thương và trân quý từng khoảnh khắc để có mặt cho nhau và bên nhau. Mỗi người đều có ý thức nuôi dưỡng nếp sống đạo đức và từ bi. Đó chính là Đạo. Đạo ấy cũng chính là nếp sống đã thấm sâu vào mạch nguồn dòng chảy tinh hoa văn hóa Việt. Bởi lẽ đó, lòng tôi luôn tự hào và hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy các em.

Phật đản đang về, chùa tôi, các em và bà con đang hòa chung niềm vui đón mừng ngày hội lớn. Hôm nay, sau gần 3000 năm, sau bao nhiêu đắng cay và thất bại thảm hại từ chết chóc bởi tham tàn và chiến tranh, sau bao nhiêu phát minh kỳ vĩ của khoa học đẩy con người về phía vật chất hưởng thụ, con người càng cần tìm về với lời dạy của Bụt hơn để mong sống có hạnh phúc hơn.

Để sống có hạnh phúc hơn, lẽ đơn giản ấy mà loài người tưởng như là thứ có sẵn ở vật chất và danh lợi để mải miết đi tìm kiếm, nắm bắt không biết mệt mỏi. Chúng ta lại tìm thấy trong những lời dạy đơn sơ của Bụt.

"Chánh niệm" là thứ "đơn sơ" ấy mà nhân loại nhận ra: "không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường". Hạnh phúc chỉ thực sự được chế tác ngay bây giờ và ở đây.

Năm 2000 Tổ chức Liên Hợp quốc đã chọn ngày Bụt sinh làm ngày lễ trọng đại mà tổ chức này đứng ra tổ chức hàng năm. Và Đạo Bụt được chọn là Tôn giáo của Hòa Bình.

Quan trọng hơn, thế giới Phương Tây, cái nôi của văn minh khoa học, đã buộc phải tìm về với nền văn minh tâm linh để cân bằng cho bước tiến của nhân loại. Mục đích ấy, không ngoài làm cho con người sống có Hạnh Phúc.

"Mừng ngày Bụt sinh" tôi nghĩ, không ai là người có lương tri và yêu chuộng một cuộc sống lành và đẹp mà không quan tâm và tham dự vào sự kiện trọng đại này của thế giới loài người.

Hạnh phúc và đau khổ, cái xấu ác và sự tốt đẹp phụ thuộc vào thái độ của bạn có tâm chí hướng về hướng nào?

Bụt sinh ra, Người đã đem vào đời hiểu biết về Nhân và Qủa. Tin vào Nhân duyên và Quả báo luân hồi ta biết hướng tâm đến một cuộc sống thánh thiện và tốt lành hơn.

Đón mừng Khánh Đản, tôi muốn viết đôi dòng gửi tới quý vị. Mong mọi người dành thời gian ý nghĩa nhất của mình, đó là thời khắc được làm người của kiếp sống này mà vun trồng gốc thiện cho mình và cho muôn đời sau.

Đọc thêm