Trẩy hội chốn tổ Hương Sơn- (Kỳ 3): Bếp trời Thiên Trù bảng lảng khói sương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Anh trẩy chùa Hương phía xót thương/ Bến Trong bến Đục nửa chia đường/ Thiên Trù chợt lắng chuông buông tím/ Bỗng gặp em nằm đắp khói sương”, nhà thơ của những Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống Hoàng Cầm đã có những vần thơ đầy lãng mạn như thế khi trẩy chùa Hương.
Chốn tổ Hương Sơn (ảnh: Đại Nam phục ảnh).
Chốn tổ Hương Sơn (ảnh: Đại Nam phục ảnh).

Trẩy hội chốn tổ Hương Sơn- (Kỳ 2): Tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan

Càng trông phong cảnh càng yêu

Các nhà nghiên cứu khi tổng kết về lễ hội Việt Nam đã nhận xét về lễ hội Chùa Hương là “lễ hội dài nhất nước về thời gian, rộng nhất về không gian” còn người dân địa phương thì có câu “hội chùa tự mở và tự đóng”. Thường sau lễ Thượng nguyên (rằm tháng Giêng) khách thập phương đã lũ lượt về hội và cứ thế luân phiên tấp nập và vãn dần tới rằm tháng Ba.

Ngày nay, hội chùa mở sớm hơn. Người ta chọn ngày mồng 6 tháng Giêng để khai hội. Đây vốn là ngày tổ chức lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của những người kiểm lâm thổ sản và đi săn của dân làng Yến Vĩ và Phú Yên. Lễ mở cửa rừng của làng Yến Vĩ tổ chức ở đền Ngũ Nhạc – cũng chính là đền Trình, điểm di tích đầu tiên của bất cứ ai đến chùa Hương.

Ngũ Nhạc là một dãy núi gồm 5 ngọn núi liền kề nhau tạo thành một vệt hình dáng giống một con Thanh Long (rồng xanh) nằm phục gác cổng trời Nam. Theo thuyết phong thuỷ núi Ngũ Nhạc là dãy núi với hình thế rõ ràng, dáng núi uy nghiêm, minh đường tụ thuỷ, sinh khí trường tồn. Năm ngọn núi kế tiếp nhau, có cây to bóng mát, có chim thú tụ về là khu rừng cấm của cư dân làng Yến Vĩ. 

Trong bài ký Du ngoạn chùa Hương, Thượng Chi Phạm Quỳnh cũng kể: “Đến nửa đường thời có "Đền Trình", ở dưới chân núi, về bên tay phải lối đi vào; đấy là thờ các vị sơn quân canh rừng núi, giữ cửa Chùa, ai vào Chùa phải tới đấy trình diện trước, nên gọi là "đền Trình". Tức như vào cửa quan lớn phải hỏi cậu lính hầu vậy. Bọn mình cũng ghé thuyền lên đưa thiếp danh cho các cậu “ba mươi” xin vào hầu bà Công Chúa (vì đức bà Quan Âm theo tục truyền thủa bình sinh tức là con gái vua)”.

Tương truyền, đền Trình trước thờ sơn thần – ông Hổ (chúa sơn lâm), sau có sự hòa trộn tín ngưỡng vật thiêng với thờ nhân thần bằng sự tôn vinh Hùng Lang, con ông Hùng An, một vị tướng thời Hùng Vương có công dẹp giặc Ân trừ bạo cho nước. Tại đây có đôi câu đối:

"Trời Nam dựng nước tựa Vua Hùng/ Công tựa đất trời sánh biển sông/ Mười lăm bộ, thần dân cả nước/ Hùng - Gia dòng giống vốn cùng chung"

"Danh tướng thủa Hồng Bàng/ Quyết diệt giặc Ân phù Vua Hùng vận/ Phúc thần làng Yến Vỹ/ Vui ngân vần điệu lưu để cùng dân."

Chùa Thiên Trù.
Chùa Thiên Trù.  

Thiên Trù dâu bể can qua

Sau khi trình diện Sơn thần, du khách tiếp tục lên thuyền hành hương giữa một vùng non xanh, nước biếc khiến cho tao nhân mặc khách tức cảnh sinh tình xướng họa đề thơ. Tới một cửa hang có 4 chữ Hán “Sơn thủy hữu tình”, vốn là bút đề của Tĩnh Vương Trinh Sâm. Trên một chiếc cầu ván chênh vênh, một vài bóng người kĩu kịt trên vai những gánh mơ vàng hoặc những làn rau sắng và xa kia, núi non vẽ ra những hình thù kỳ lạ:

“Réo rắt suối đưa quanh,/ Ven bờ, ngọn núi xanh,/ Nhịp cầu xa nho nhỏ/ Cảnh đẹp gần như tranh./ Sau núi Oản, Gà, Xôi,/ Bao nhiêu là khỉ ngồi/ Tới núi con Voi phục,/ Có đủ cả đầu đuôi”. (Chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp)

Thuyền thuận dòng đủng đỉnh, thong thả theo mái chèo khua dòng nước tiến về phía rừng sâu: “Gần trưa tới chùa ngoài, tức chữ gọi là Thiên Trù, nghĩa là cái "bếp trời", là chỗ sửa soạn đồ lễ vật để vào dâng trong động. Tuy tên nhỏ mọn như thế mà nghiễm nhiên là một tòa dinh vũ nguy nga, ở giữa một cái cao nguyên, bốn bề toàn núi, trông rất là có thể thế. Cách kiến trúc tuy không có gì là khéo là đẹp, mà to lớn lực lưỡng, thực là xứng đáng với cái cảnh chung quanh (...)”.

Cái tên Thiên Trù từ đâu mà có? Theo các thư tịch cổ, vua Lê Thánh Tông nhân đi tuần thú qua vùng núi rừng Hương Sơn vào tháng Giêng năm Đinh Hợi, niên hiệu Quang Thuận thứ 8 (1467) đã đóng quân ở thung lũng này và cho binh lính thổi cơm ăn. Vua xem thiên văn thấy vùng núi này thuộc vào địa phận của sao Thiên Trù (một sao chủ về sự ăn uống và biến động) nên nhân đấy đặt tên cho khu vực này là Thiên Trù Tinh và thung lũng Phụ Mã.

Sau năm đó lần lượt có ba hòa thượng (Tỵ Tổ Bồ Tát) chống thuyền trượng tới đây dựng thảo am để tọa thuyền nhập định và đặt tên là “Thiên Trù Tự”. Tiếp đến năm 1687 thời Lê Trung Hưng thứ bẩy niên hiệu Chính Hòa, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang Chân nhân đã trùng hưng lại ngôi Tam Bảo, xiển lập tông môn Thiên Trù và tìm ra động Hương Tích.

Hai mươi năm sau, đời Đại sư Thông Lâm (1707) trụ trì tiếp tục dựng thảo am Thiên Trù thành 5 gian nhà lá và 6 gian tả hữu vu trúc mộc để thờ Phật và tọa thuyền. Đến đời hòa thượng Thanh Quyết kế đăng trụ trì, được sự trợ duyên lớn của gia đình ông Hoàng Trọng Phu và sự ủng hộ của thiện nam tín nữ, chính điện Thiên Trù được khởi công xây dựng vào năm Mâu Thân niên hiệu Duy Tân thứ hai. 

Cuối năm đó, Đại sư Thanh Tích kế đăng trụ trì tiếp tục xây dựng tới 10 năm sau thì công quả mới viên mãn “Tổ ấn trùng quang, đèn thuyền truyền nối cho đến đầu thế kỷ XX, Thiên Trù đã trở thành lâu đài tráng lệ “Biệt chiếm nhất Nam thiên”. Khi đó, chùa có tới trên 100 nóc với những công trình kiến trúc quy mô.

Thế rồi ngày 11/2 năm Đinh Hợi (1947) nạn can qua đã đốt phá Thiên Trù, lửa cháy suốt 15 ngày đêm. Năm 1948, chúng lại đốt phá một nữa. Đến năm 1950, chúng lại cho máy bay thả bom xóa sạch những công trình kiến trúc của Thiên Trù. Giữa tan hoang, năm 1951, hòa thượng Thanh Chân đã dựng lên trên đống gạch vụn tro tàn 6 gian nhà tranh để khêu tiếp đèn Thuyền duy trì Tổ ấn.

Sau hòa bình lập lại (1958), Hòa thượng Thanh Chân cùng hương thôn và tấm lòng hảo tâm công đức của Phật tử thiện tín bách gia đã xây dựng được 7 gian nhà khách. Cố hòa thượng Thích Viên Thành khi nhớ lại thời gian khó kể: "Tháng 4 năm 1964, tôi từ chùa Phật Ấn quẩy đẫy Kim Cương, theo gót thảo hài của Tôn sư về Chùa Hương Tích. Giữa núi rừng xanh thẫm bên cảnh chùa đổ nát hoang tàn do mấy cuộc tang thương binh hỏa của giặc giã vừa qua, thầy trò tôi khêu đèn đọc sách, tụng tập lý mầu, tiếp tục cùng nhân dân sở tại và Ban quản trị thắng cảnh Hương Sơn dọn gạch vỡ, phát lau sậy, khêu tỏ ngọn đèn Thiền.

Đến tháng giêng năm 1972, tôi hạ sơn du phương Sam học, đến cuối năm 1985 mãn khóa trở về nương đức Tôn sư giũa mài tuệ nghiệp. Vì say cảnh nước non cẩm tú, sơn thủy kỳ quan nên ngày đêm tôi tự khép mình trong cảnh Thiền quy, Mật hạnh nơi động tuyết rừng mai, lắng nghe âm thanh của cát bụi tử sinh để một ngày nào đó thấy được khuôn trăng thực hữu của mình...".

Ngày 4/3/1989, Ban xây dựng chùa Hương, đứng đầu là thượng tọa Thích Viên Thành đã vận động Phật tử thập phương, nhân dân địa phương khởi công xây dựng Tam Bảo Thiên Trù vào ngày 11/2 năm Kỷ Tỵ (1989) đến tháng Giêng năm 1991 thì khánh thành.

Từ đó đến nay, quần thể chùa Hương nói chung, chùa ngoài Thiên Trù nói riêng đã liên tục được trùng tu, tôn tạo xứng đáng là một đại danh lam.

Quần thể chùa Hương hiện nay có 3 tuyến hành hương chính:

- Tuyến điểm di tích Hương – Thiên: Bao gồm các đền chùa và chùa động: Đền trình Đục Khê, Đền Ngũ Nhạc, đình Yến Vỹ, hang Sơn thủy hữu tình, chùa Thiên Trù, động Đại Binh, động chùa Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Trấn Song (còn gọi là Đền Cửa Võng), chùa động Hương Tích và chùa động Hinh Bồng.

- Tuyến điểm di tích Long Vân – Hương Đài: gồm các chùa, động chùa: Chùa, động Hương Đài, chùa Long Vân, động Long Vân, chùa động Cây Khế và hang Sũng Sàm (động Người xưa);

- Tuyến điểm di tích Tuyết Sơn: gồm các chùa, chùa động và đền: Đền Trình Phú Yên, chùa Bảo Đài, chùa động Tuyết Sơn và am Phật Tích. 

Đọc thêm