Trẩy hội chốn tổ Hương Sơn- (Kỳ 2): Tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng rừng Hương lĩnh, khí xuân tràn ngập khắp núi rừng Hương Sơn, hoa gạo rực hồng như những đốm lửa “sơn đầu hỏa” trên các triền núi, chân đồi. Lòng người thiện tín cùng ấm áp tưng bừng trong những ngày trẩy hội chùa Hương.
Suối Yến - Chùa Hương (tư liệu Đại Nam phục ảnh).
Suối Yến - Chùa Hương (tư liệu Đại Nam phục ảnh).

* Kỳ 1: Trẩy hội chốn tổ Hương Sơn: Phật Bà chùa Hương cứu khổ cứu nạn

Một vùng hùng sơn tú thủy

Với cái nhìn địa lý – nhân văn, GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã vạch ra rằng, vùng núi Hương Sơn là một bộ phận hợp thành của cả một dải núi đá vôi chạy dài theo phương Tây Bắc – Đông Nam, từ Phong Thổ, Sơn La, Lai Châu kéo xuống Hòa Bình, Hà Tây, qua miền non Tản của Sơn Thánh Tản Viên, qua rặng Vân Nam (núi Vua Bà) chạy dài qua dãy “99 ngọn” của Nam Hà, xuống mãi Ninh Bình rồi vào Trung Bộ…

Dãy núi đá vôi ôm toàn bộ phía Tây xã Hương Sơn, An Tiến và An Phú kéo dài từ Tây sang Bắc tỉnh Hòa Bình, ngăn cách giữa núi rừng và đồng bằng. Bước tường thành được tạo bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp liên tiếp, nhân dân địa phương quen gọi là “Thượng chí tượng đới, hạ chí chiếu quang”.

Đấy là núi (tức sơn), còn thủy. Hương Sơn là vùng đất nằm trên bãi bồi sông Đáy. Hai phía Đông và Nam là dòng sông Đáy uốn lượn ôm trọn. Dòng sông Đáy kéo dài từ đầu làng Hà Đoạn ôm Bãi Nương (làng Tiên Mai cùng xã Hương Sơn) vòng về ấp Tân Sơn, cuối làng Phú Yên hơn 6km. Sông Đáy cũng là địa giới tự nhiên giữa Hương Sơn với các xã Hồng Quang (Ứng Hòa), Tượng Lĩnh (Kim Bảng, Hà Nam).

Suối Yến ngày nay.
Suối Yến ngày nay.  

Phía Bắc xã Hương Sơn giáp xã Hùng Tiến, An Tiến, An Phú (cùng huyện), xưa có sông Thường Vệ cắt chéo từ Tây Bắc sang Đông Nam, cửa sông đổ ra Đục Khê. Chính vì đặc điểm địa lý này đã “ban” cho Mỹ Đức đặc thù “hùng sơn tú thủy”, “tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan”, đúng như con mắt tinh mẫn của GS Từ Chi đã ví von Hương Sơn sơn thủy hữu tình như một cảnh non bộ vĩ đại của cả tạo hóa lẫn con người.

Thiên nhiên Hương Sơn phong phú, đa dạng, có núi rừng sông suối, có thung quèn và đồng bằng với biết bảo sản vật: củ mài, rau sắng, thủ ô, ổ rồng, ổ rắn, sâm nam, cua núi, ốc vặn… thậm chí cả các loại động vật có vú như câu truyền miệng: “Cọp Sao Sa, ma Đường Sáo”, “nền đất Trụ lắm hùm tinh, nền Đình lắm chó sói”, “ma giấu trâu, cọp rình người” ở Hốc Thơ, Đông Bèo…Sao Sa, Đường Sáo, đất Trụ, nền Đình, Đồng Bèo, Hốc Hợp… đều ở quanh đền Trình chùa Hương.

Đò khua mái chèo trên suối Yến

Danh thắng chùa Hương có nhiều “đặc sản”, đó là Hương Tích động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” (động đứng đầu trời Nam), là rau sắng: “Ai đi trẩy hội chùa Hương/Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm/Mớ rau sắng, quả mơ non/Mơ chua, sắng ngọt biết còn thương chăng?”. Nhưng tôi cho rằng, một trong những “đặc sản” không thể không nhắc đến của quần thể danh thắng chùa Hương chính là dòng suối Yến như nhà thơ Yến Lan viết: “Nhưng tất cả chưa phải là Hương Tích/Nếu ngoài kia không nổi một con đò”.

Suối Yến không chỉ làm nên phần “thủy” trong bức tranh non nước hữu tình của chùa Hương mà nhất là khiến cho cách thức hành hương đến chốn Tuyền lâm trở thành độc đáo, riêng có. Đó là trong khi đại đa số các chùa Việt đều có thể đến bằng đường bộ, tiện tàu tiện xe thì cho đến giờ muốn vào được “bếp trời” Thiên Trù, người ta vẫn phải đi… đò. 

Cầu Hội bắc qua dòng suối Yến ngày nay.
Cầu Hội bắc qua dòng suối Yến ngày nay.  

Chính điều đặc biệt ấy khiến cho thi sĩ Tản Đà từ đầu thế kỷ trước phải cảm thán: “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/Tiền đò ngại tốn, mà đường ngại xa…”. Nhưng có lẽ chính cái cuộc đi đò tam bản chầm chậm trên dòng suối lững lờ, nước trong leo lẻo ấy khiến cho lòng người ta chậm lại, lắng lại như một sự tĩnh tâm, sám hối trước khi đến với cửa Thiền lễ Phật. Cảnh rừng cảnh suối hòa quyện thấm đẫm trong bầu không khí thiền: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,/Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh” (Hương Sơn phong cảnh ca – Chu Mạnh Trinh).

Ghi chép của Phạm Quỳnh cho thấy bến Đục Khê ngày ấy mới chỉ có 80 chiếc đò vừa ra vừa vào, ngày ít khách thời chở đủ mà những ngày nhiều khách, nhất là mấy ngày hội, thời quyết không sao xuể được, bởi: “Nguyên chỉ có làng sở tại đó mới có quyền chở đò suối, đón khách vào Chùa cùng đưa khách ở Chùa ra, quyền ấy tức là một cái “chuyên quyền” (monopole) không ai tranh được”. 

Hiện nay, có lẽ 100% du khách thập phương đều đến chùa Hương bằng đường bộ và chỉ xuống đò bắt đầu từ bến Yến nhưng vài chục năm trước, nhiều du khách lụa chọn một con đường khác đến chùa Hương đó chính là đường thủy. Đó là con đường mà cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh cùng bạn bè đã du ngoạn chùa Hương trong bài du ký đăng trên tạp chí Nam Phong: Từ Hà Nội xuống xe lửa ở Phủ Lý (Hà Nam), lên đò ở bến Châu Cầu quãng 10 giờ đêm, trời sáng trăng suông, gió hơi hiu hắt, thuyền dương buồn chạy ngược sông Đáy đến bến Đục Khê…

Có lẽ nhiều người lầm tưởng bến Yến - nơi du khách bắt đầu xuống thuyền trẩy hội chùa Hương là bến Đục. Trên thực tế, cái tên bến Đục có nguồn gốc và là một nơi chốn khác.

Xưa kia, dòng suối nhỏ bắt nguồn từ chân núi Hương Tích, chảy qua làng Yến Vĩ, được gọi là Tiểu Khê (tức: con suối nhỏ). Có một con suối nối từ Tiểu Khê ra sông Đáy, chảy qua địa phận làng Độc Khê (vì làng này chỉ có một con suối). Sau đó do phương ngôn xứ sở nên người ta gọi chệch thành làng Đục Khê.

Động Hương Tích.
Động Hương Tích.  

Trước, du khách đến trẩy hội chùa Hương thường đi thuyền theo dòng sông Đáy đến bến Đục. Khách lên bộ, đi một thôi đường, qua mấy cái chợ, rồi mới đến bến đò suối để vào chùa. Khi gặp nhau trên suối, đôi bên thường chắp tay chào: "Nam mô a di đà phật" đúng như câu thơ của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp mô tả: 

"Đò đi qua bến Đục

Mọi người ngắm nhìn em

Thẹn thùng em khẽ nói

Nam mô a di đà."

Còn Thượng Chi Phạm Quỳnh thì kể tường tận: Đi đò ước chừng mất một giờ, phong cảnh thật là ngoạn mục. Hai bên núi đá, một dòng sông con chảy giữa, núi thâm thấp, nước quanh co, coi thật như một bức tranh sơn thủy của Tàu. (...) Ngồi trong cái đò lênh đênh ở giữa khoảng non nước này, tưởng như đứng trước một bức tranh thạch tiên cực lớn; mà lắm khi đứng ngắm lâu một bức tranh sơn thủy lại tưởng tượng như chính mình thiết thân ở giữa cái cảnh non nước này...

Núi cao quá thường làm cho người ta dợn, sông rộng quá thường làm cho người ta ghê, mà non kia nước này thật là vừa bằng cái sức người tưởng tượng, nên coi ra rất là mỹ miều khả ái. Mỗi dãy mỗi trái đều có tên riêng, tùy hình mà đặt: đây là con vâm đương đang ăn cỏ, trông cũng phảng phất như hình con voi chúc vòi xuống ruộng lúa, bên đầu lại có chỗ cong lại như hình cái tai, mới nhìn không ai nhận, mà đã có người gọi tên lên rồi thời càng nhìn càng thấy hệt như con voi, mới biết cái danh hiệu thật là có ảnh hưởng đến sự tưởng tượng nhiều lắm vậy; lại kia là núi mâm xôi con gà, trông cũng mường tượng như con gà đặt trên mâm xôi thật! (...) 

Có lẽ, cũng chính nhờ đi đò trên suối Yên mà Nhà thơ Chu Minh Khôi (Đặc san Chùa Hương, xuân 2019) đã có những vần thơ thấm đẫm mùi thiền:

“Nắng vu khoát treo ngang bến Đục

Gió trầm luân vút thủng sương giăng

Suối Yến vặn mình về bến Giác

Cỏ tâm thành vịn núi mà xanh.

Tháng Giêng vô uý hình như thể

Phát tâm hửng nắng vọng xuân thì

Con đò tịnh lạc miên trường sóng

Nhẹ tan vào bát ngát đường thi.

Mái chèo khoả vô thường xuống nước

Xin rửa trôi mê chấp vọng lầm

Ta bồng bềnh vạt rong tiềm thức

Chầm chậm trôi về bến Quan Âm”.

Đọc thêm