Trẩy hội chốn tổ Hương Sơn - (Kỳ 1): Phật Bà chùa Hương cứu khổ cứu nạn

(PLVN) - Hàng năm khi mùa xuân đến, hoa xuân nở rộ khắp các triền núi, hàng triệu Phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội – hành hương về Hương Sơn - nơi tâm linh đất Phật, đốt nén tâm hương và thả hồn mình hòa nhập với thiên nhiên miền sơn lâm phúc địa.
Chùa Hương (ảnh tư liệu).
Chùa Hương (ảnh tư liệu).

Gửi gắm tâm nguyện vào cõi thiêng

Chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn là một quần thể di tích gồm phức hệ núi non, hang động, sông nước và hệ thống đình, đền, chùa, động nằm rải rác quanh khu vực Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, Hùng Tiến, An Tiến và An Phú (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), trong đó Hương Sơn là vùng trọng điểm, nơi hội tụ của các danh lam thắng tích.

Có thể nói trong số các danh lam miền Bắc, chùa Hương nổi tiếng vào bậc nhất. Trong “Hương Sơn phong cảnh ca”, nhà thơ Chu Mạnh Trinh đã nói lên ước muốn của bao người ước ao hành hương về Tùng Lâm Hương Tích: “Bầu trời, cảnh bụt/ Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay” hay “Hương Sơn là thú thanh tao/Những là nay ước mai ao mấy lần/ Thanh bình gặp hội du xuân/Yến oanh nô nức xa gần đua nhau” (Hương Sơn nhật trình). 

Về với Hương Sơn không chỉ là một chuyến du xuân mà từ lâu đã đi vào tâm thức của cộng đồng là cuộc hành hương về với cõi Phật, nơi gửi gắm bao ước nguyện. Từ trăm năm trước, tác giả Thượng Chi, bút danh của học giả Phạm Quỳnh trong bài du ký “Trẩy chùa Hương”, in trên tạp chí Nam Phong số 23, tháng 5/1919, khi Phạm Quỳnh mới 26 tuổi đã viết những lời thật sâu sắc về tín ngưỡng của con người như sau:

“Bể khổ mênh mông, bè từ trôi nổi; bến mê man mác, bờ giác tịt mù. Ở đời là khổ, làm người là lầm, dẫu đạo nào từ xưa đến nay cũng dạy như thế, chỉ khác nhau ở cái phương pháp đặt ra để giải lầm, để thoát khổ mà thôi. Nếu người ta từ lúc lọt lòng đến khi vùi dập được sung sướng trọn vẹn cả, không phải sự gì phiền muộn đau đớn, không gặp cảnh gì trái người thảm thương, thời chắc ở đời không có thần Phật, không có đền chùa, không có đạo giáo gì nữa.

Nhưng, than ôi! Cái hạnh phúc hoàn toàn không phải ở đời này, mà sự khổ não gian truân là thân phận của người ta. Đã sinh ra kiếp làm người, ai cũng phải khổ, kẻ khổ ít, người khổ nhiều (…) ; mỗi người đau một vẻ, mỗi người khổ một nỗi, nhưng ai ai cũng đã từng đau khổ cả, ai ai cũng còn phải đau khổ nhiều. Thật người ta không có cái gì giống nhau, mà duy có cái khổ là chung nhau cả.

Tượng Phật Bà chùa Hương.
Tượng Phật Bà chùa Hương.  

Đã khổ tất sinh lòng cầu cứu để mong cho thoát khỏi. Nhưng cầu cứu ai cho được? Chắc không thể cầu cứu ở người đời được, vì phần nhiều, vì hết thảy sự khổ não ở đời là bởi người ta làm ra cả, bởi cái lòng độc ác của người ta tương tàn tương tặc lẫn nhau mà sinh ra cả. Nay không cầu cứu ở người được, thời cầu cứu ở ai bây giờ? Tấm thân đau đớn này, vì kẻ đồng loại mà nên cơ cực, biết đem ký thác vào ai cho được an toàn, biết kêu oan với ai, biết than khóc với ai bây giờ? (…)

Tất là trên loài người phải có một Đấng cao hơn hết thảy, toàn trí, toàn năng, đại từ, đại giác, để mà chứng cho cái khổ ải vô hạn ở cõi đời. Đấng ấy là ai? Là Trời, là Phật, là Thánh, là Thần, tuy danh hiệu có khác nhau, tùy tập tục của mỗi xứ, mà tính cách đâu cũng một, tức là một Đấng Đại từ Đại bi, cứu khổ cứu nạn, để những khi chán chê cuộc thế, tê tái nỗi lòng, có chỗ mà quy y cho an ổn, có nơi mà than khóc cho hả lòng.

Đấng ấy mắt trông không thấy, tai không nghe thấy, mà trong lòng mong mỏi, trong dạ khát khao, trong trí tưởng tượng, trong bụng cầu nguyền, giữa những lúc cực chẳng đã, thế không sao, lại càng bồi hồi mà tin cậy, nóng nảy mà ước ao; Đấng ấy không thể không có được, vì người đời khổ quá không có lẽ không ai biết đến; dẫu không có thật mà lòng người khẩn nguyện như vậy, trí người yêu cầu như vậy, không có cũng phải có, có trong tâm hồn, trong tưởng tượng người ta.

Thật hay hư, hư hay thật, sắc không, không sắc, biết đâu? Chỉ biết có thời tấm lòng an ủi, không thời tất dạ băn khoăn. Bởi thế nên sinh ra các tôn giáo, bởi thế nên dựng ra các đền chùa. Lấy cái tư tưởng hẹp hòi của nhiều người thời cho là những sự mê tín vô ích, nhưng cứ cái nguyên lý sâu xa trong tâm tính thời phàm sự lễ bái là chánh đáng cả, vì có cái ý nghĩa thiết tha.

Chắc những khi sự lễ bái đã suy đồi mà thành ra một lối buôn bán, buôn thánh bán thần, hay là bại hoại mà thành ra những tục mê tín, mê xằng tin nhảm, thời người trí giả không thể sao dung được, nhưng bao giờ cái gốc sự lễ bái là tự cái lòng tín ngưỡng thâm thiết của loài người, thời những khi ấy phải lấy bụng cẩn trọng mà suy xét, không nên nhất thiết báng bổ, không nên nhất thiết hoài nghi cả…”.

Từ Quan âm Diệu Thiện tới Phật Bà Chùa Hương

Đấng linh thiêng ở chùa Hương, nơi triệu người thành tín ấy là ai? Đó là Phật, là Thánh nhưng nổi bật hơn cả có lẽ là Phật Bà chùa Hương – Người đã làm nên danh xưng của vùng thắng tích.

Theo “Truyện Phật Bà chùa Hương” thì nơi đây là nơi tu trì và trác tích của Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hóa với danh xưng là Phật Bà chùa Hương, nghĩa là: Dấu vết thơm tho.

Tương truyền, Phật Bà là con gái thứ ba của Trang Vương, ở nước Hưng Lâm. Trang Vương cầu hoàng tử không được. Nhưng bởi có lòng thành, nên chỉ cho ba công chúa giáng sinh. Khi khôn lớn lên, hai chị lấy chồng, nhưng gặp hai phò mã đều ham mê chơi bời, không lo toan việc nước, nên vua lại bắt bà Chúa Ba lấy chồng, để kén người tài giỏi nhường ngôi, nhưng chúa Ba nhất định xin đi tu để sau này độ cho gia đình và chúng sinh thoát khỏi tội khổ.

Trang Vương không nghe sai đốt chùa, giết tăng ni và giết cả Chúa Ba. Nhưng thiên đình đã sai Thần núi Hương Tích hiện ra con hổ nhảy xuống cứu Công Chúa cõng về vùng núi Hương Sơn, lúc đầu để tu ở am Phật Tích Giải Oan sau đức Phật Thích Ca lại hiện thân để thử thách, thấy công chúa lòng son dạ sắt quyết chí tu hành mới chỉ cho vào động Hương Tích tu ở đấy. Khi thành đạo biến hóa thần thông ra nghìn tay tế độ được, rồi đã hóa thân về cứu độ cho cha, trừ nghịch cho nước. Nơi đâu chúng sanh mắc nạn, Quan Âm Diệu Thiện ở chùa Hương Tích cũng nhìn thấy, vươn tay ra để cứu độ. 

Từ xưa, các vị Tổ sư chùa Hương đã tổ chức Khánh đản đức Phật chủ chùa Hương Quán Thế Âm Bồ Tát vào ngày 19/2 âm lịch. Ngày nay, cứ từ 11h đêm 18/2 đến 1h sáng 19/2 âm lịch, hàng nghìn ngọn nến được thắp lên trong động Hương Tích trong lễ “Ngũ Bách Danh” với hàng nghìn Tăng Ni và Phật tử tham dự. Tiếng niệm Phật Bồ Tát Quán Thế Âm của toàn thể đại chúng cùng hòa vào ánh sáng màu nhiệm của hàng trăm ngọn nến lung linh huyền ảo nến đã làm cho khung cảnh động Hương Tích trở nên linh thiêng và màu nhiệm…

(Đón đọc kỳ tới: Tiểu danh lam mà có đại kỳ quan) 

Ngũ Bách Danh Quán Âm là một quyển kinh nói về năm trăm đức hiệu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Nội dung kinh nhằm tán thán công hạnh lợi tha rộng sâu, bi nguyện độ sanh cùng khắp của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã được đề cập trong khắp các kinh điển nói về Ngài; ngoài ra kinh cũng nói lên uy đức của Ngài có thể sai khiển các vị Bồ Tát, thiện thần, bát bộ chúng trời người… đến ủng hộ người trì chú; diệt trừ tất cả ác nghiệp trọng tội, tăng trưởng các công đức thanh tịnh. 

Đọc thêm