Cá Chốt sông Ba sẽ biến mất

Đang là mùa cá Chốt  ở độ thơm ngon nhất. Nhưng có dừng chân bên một ngôi quán nhỏ thơm nức mùi cá nướng, mới giật mình về nguy cơ tuyệt chủng của một loại đặc sản miền sơn cước. 

Đang là mùa cá Chốt  ở độ thơm ngon nhất. Nhưng có dừng chân bên một ngôi quán nhỏ thơm nức mùi cá nướng, mới giật mình về nguy cơ tuyệt chủng của một loại đặc sản miền sơn cước. 

Cá Chốt là món khoái khẩu của nhiều thực khách khi đến với đèo Tô Na.

 Đặc sản miền sơn cước

Cũng như một số loài cá quý hiếm khác như cá Anh Vũ, cá Lăng, cá Chiêng , Cá Chốt cá ưa sống ở những nơi có nguồn nước chảy xiết. Loài cá da trơn này có màu vàng, màu trắng và do đặc tính thích bơi ngược dòng nước nên thịt chắc, dai và thơm. Người sành cá Chốt  bảo chỉ có thể kiếm loại cá này trên sông Ba,  đặc biệt là khu vực cuối hồ A Yun Hạ cho đến chân đèo Tô Na, huyện A Jun Pa, tỉnh Gia Lai. Đây là khu vực có mực nước sâu và chảy xiết, hai bên bờ sông có các ghềnh đá, cá Chốt tận dụng làm nơi trú ẩn. Một số dòng sông khác cũng có loại cá này nhưng rất thưa và đặc biệt là không ngon bằng ở khu vực đèo Tô Na.
Cá Chốt không to lớn như các loài cá khác, con lớn nhất chỉ độ 1 kg. Vào khoảng tháng 9 – 10,  lúc này thịt cá Chốt là ngon nhất vì mùa lũ, nước chảy xiết, theo đặc tính thì cá thường bơi ngược dòng nước nên thịt rất chắc, dai và thơm ngon. Ăn kèm với cá Chốt nướng là một loại muối gồm ớt quả, muối hạt và hạt é.
“Tôi nghe một người bạn ở Gia Lai giới thiệu về đặc sản cá Chốt ở chân đèo Tô Na nên tôi quyết định vào tận nơi để tìm hiểu. Quả thật cá vừa ngon lại vừa rẻ. Nếu ở Quảng Trị ăn 1 kg cá Chình, tôi phải trả đến gần 500 ngàn đồng nhưng cũng chẳng ngon hơn món cá Chốt này”- anh Phạm Duy, một khách du lịch tâm sự. Chiều đến, từng đoàn xe du lịch lại dừng lại chân đèo Tô Na để vào quán thưởng thức món cá Chốt nướng đặc biệt của vùng sơn cước, cái cảm giác thơm ngon, ngầy ngậy luôn hấp dẫn du khách. 
Với chất lượng của cá Chốt như vậy nên người dân ở đây và khách du lịch xem đây là loài cá đặc sản của vùng Tây nguyên. Dưới bếp lửa hồng là món cá Chốt nướng thơm lừng, anh Trọng – chủ một quán cá Chốt nướng - nhớ lại: “Thời gian đầu mở quán, trung bình mỗi ngày quán cũng tiêu thụ hết trên 20 kg. Ngày ấy, quán bán ra cho khách chỉ 100 ngàn/ kg, hiện tại bây giờ thì cá được bán đến 150 ngàn/ kg, vậy mà không có để bán vì giờ mỗi ngày thợ câu chỉ bắt được khoảng 2 đến 3 kg thôi. Nếu dùng xung điện thì cũng kiếm được 5 – 6 kg nhưng cá hiện nay rất nhỏ và ngày càng hiếm”.
Nguy cơ tuyệt chủng
Thực khách ngày càng đông, nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, trước đây người ta chỉ biết dùng câu hay giăng lưới để đánh bắt, thế nhưng hiện nay để cho tiện việc đánh bắt cả ngày lẫn đêm nhiều người làm hẳn chòi bên bờ sông và dùng xung điện để đánh bắt. Một người đánh cá trên sông cho biết: Trước đây mỗi ngày anh dùng điện có thể  bắt được vài chục kg cá. Thấy lợi nhuận cao, giờ có nhiều người cùng làm nên mỗi ngày cũng chỉ bắt được 5 - 6 kg. Đặc biệt cá Chốt chỉ sinh sống trong một khoảng chừng 10 km trên sông Ba, nhiều người tập trung đánh bắt thì sản lượng sẽ giảm đi , nếu cứ đà này thì có ngày nó biến mất là điều dĩ nhiên”. Đến mùa sinh sản, cá Chốt thường nổi lên tầng nước nông, các đối tượng dùng điện lại càng đi đánh bắt nhiều hơn. Nhiều đối tượng đánh bắt cả ngày lẫn đêm.
Một thợ câu cá chốt trên sông
Vợ chồng anh Cư, chị Hương, phường Sông Bờ, thị xã A Yun Pa, một điểm thu mua cho biết: Trước đây mỗi ngày tôi thua mua khoảng 20 kg cá Chốt mang về Tuy Hòa để nhập cho các nhà hàng. Hầu hết, cá Chốt này đều bị xung điện nên khi mua đã chết, khi vận chuyển phải ướp đá lạnh. Chỉ có một số mua của người đồng bào thả câu là còn sống giá thành sẽ cao hơn”. 
Một lý do nữa dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của cá Chốt là các công trình thủy điện đã được chặn dòng trên dòng sông Ba, nước thải công nghiệp xử lý chưa sạch cũng thải ra ngoài sông Ba nên môi trường sống của cá Chốt cũng thay đổi.
Người dân dùng điện để đánh bắt cá Chốt, thủy điện và nước thải công nghiệp đang dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng loài cá đặc sản vùng cao nguyên này. Nhất là khi vào mùa sinh sản chính trong năm của loài cá này thì cũng là lúc người dân tham gia đánh bắt rầm rộ nhất.  Không riêng gì cá Chốt mà cá Lăng, cá Chình hay loài cá Chiêng to lớn và các loài sinh vật khác khi bị điện giật sẽ không thể sống sót. Sự sống còn của cá Chốt và một số loài cá quý hiếm khác có nguy cơ tuyệt chủng là việc mà các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai nên quan tâm.
Ngọc Anh

Đọc thêm