Nhân thân tốt, bị lôi kéo…
Chị Nguyễn Thị Vinh (TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) gửi cho chuyên mục “Giải đáp pháp luật” của PLVN một tình huống như sau: “Một người có nhân thân tốt, chưa từng bị kết án, ngoài đời có công ăn việc làm và nơi ở ổn định. Tuy nhiên, trong một ngày nghỉ phép, do bị bạn bè lôi kéo, người này đã tham gia cá độ đua ngựa 3 lần, có lần dưới 2 triệu đồng, có lần trên 2 triệu đồng. Hành vi này có phải đã phạm tội đánh bạc nhiều lần hay không? Nếu đưa ra xét xử thì có được hưởng án treo?”.
Xung quanh vấn đề này, Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao có quy định: “Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được, thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp”.
Về mức độ để truy cứu trách nhiệm, Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết nói trên cũng đã chỉ rõ: “Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó…”. Về câu hỏi “cá độ nhiều lần trong một cuộc đua ngựa có bị coi là “phạm tội nhiều lần” hay không?”, chúng tôi xin trích dẫn Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP để chị rõ: “Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó”.
Có thể lấy một ví dụ như sau: Tại kỳ đua ngựa thứ 39 tổ chức vào ngày 15/7/2010, trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ, anh A đã cá độ ba đợt, cụ thể: đợt một 500.000 đồng, đợt hai 1.000.000 đồng, đợt ba 2.000.000 đồng thì trong trường hợp này chỉ coi anh A đã đánh bạc một lần trong kỳ đua ngựa đó với tổng số tiền là 3.500.000 đồng.
Trong các trường hợp nêu tại ví dụ trên đây, nếu số tiền cá độ đua ngựa của mỗi đợt từ 2.000.000 đồng trở lên thì cũng không được áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự.
Đối chiếu các quy định của pháp luật, nếu không có những tình tiết khác thì có thể khẳng định rằng, người cá độ trong tình huống này đã phạm tội đánh bạc do số tiền dùng để chơi cá độ trên 2 triệu đồng. Tuy nhiên, do cả 3 đợt cá độ diễn ra trong một ngày nên được coi là đánh bạc một lần với tổng số tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự là số tiền của 3 lần cá độ cộng lại. Người đánh bạc trong trường hợp này không bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” theo quy định của luật hình.
Án treo hay tù giam?
Ở đây có thể “chốt” lại hành vi cá độ đua ngựa nói trên là phạm pháp. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để ra bản án khách quan, toàn diện đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự về “Án treo” có quy định: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”.
Cụ thể hơn, Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự, việc xem xét cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây: “a) Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Bộ luật Hình sự; b) Có nhân thân tốt, được chứng minh là ngoài lần phạm tội này, họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật; c) Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; (…)”.
Tình huống chị đưa ra là người đánh bạc dưới hình thức cá độ đua ngựa có nhân thân tốt, có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng là những điểm sẽ được Tòa cân nhắc khi kết án đối với bị cáo.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com