Tòa hợp pháp hóa cho hợp đồng trái pháp luật
Như PLVN đã phản ánh trong các số báo trước về vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn Tuấn và vợ chồng cụ Khuất Thị Tính, cụ Trần Văn Cát (đã mất) có nhiều khuất tất trong việc giải quyết của các cơ quan chức năng huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vụ việc đã kéo dài gần 4 năm nhưng đến nay những sai phạm không được giải quyết mà trái lại, những sai phạm lại tiếp tục kéo dài khi bản hợp đồng trái pháp luật lại được TAND TP Hà Nội… công nhận.
Trở lại với vụ việc, ngày 7/4/2011 Văn phòng Công chứng A9 do Công chứng viên Đoàn Thị Lý đã ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Lê Văn Tuấn với vợ chồng cụ Khuất Thị Tính, cụ Trần Văn Cát. Hợp đồng có nội dung vợ chồng cụ Khuất Thị Tính chuyển nhượng cho anh Lê Văn Tuấn 420m2 đất với giá 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, trước khi công chứng viên ký công chứng hợp đồng này thì nhân viên của Văn phòng Công chứng A9 đã trực tiếp vào bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh nơi cụ Trần Văn Cát đang điều trị để lấy chữ ký và dấu vân tay của cụ Cát. Do công chứng viên không trực tiếp chứng kiến người ký hợp đồng ký tên và điểm chỉ; người ký hợp đồng không đến văn phòng công chứng để ký nhưng vẫn được ghi trong hợp đồng là “ký tại Văn phòng Công chứng A9” tại phố Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội, khi các con của cụ Khuất Thị Tính phát hiện ra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bình thường này và đã có đơn tố cáo gửi tới UBND huyện Từ Liêm, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã lập tức bị “ách” lại.
Liên tiếp sau đó, Thanh tra Sở Tư pháp, Thanh tra TP.Hà Nội đã có văn bản kết luận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng cụ Khuất Thị Tính và anh Lê Văn Tuấn là trái pháp luật do vi phạm quy định của pháp luật về công chứng. Vì lý do này, UBND huyện Từ Liêm đã không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh Lê Văn Tuấn.
Trong lúc các ông Trần Văn Toàn, Trần Quốc Quang và Trần Quốc Dân (các con trai cụ Khuất Thị Tính) liên tục khiếu nại và tố cáo, yêu cầu các cơ quan chức năng hủy bỏ hợp đồng trái pháp luật nêu trên thì anh Lê Văn Tuấn cũng khởi kiện yêu cầu cụ Khuất Thị Tính tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký và được TAND TP.Hà Nội thụ lý. Do bản thân cụ Khuất Thị Tính cũng đồng tình với việc ký kết và thực hiện hợp đồng nên việc khởi kiện bị nghi là cách “mượn tay tòa án” để hợp thức hóa bản hợp đồng bị kết luận là vô hiệu do vi phạm pháp luật về công chứng.
Và không ngoài dự đoán, ngày 28/3/2014 TAND TP.Hà Nội đã xét xử vụ án “yêu cầu công nhận hợp đồng” thay vì yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng của ông Lê Văn Tuấn và công nhận bản hợp đồng bị vô hiệu do vi phạm pháp luật về công chứng. Biện giải cho quyết định của mình, Tòa cho rằng trong thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, không có ai yêu cầu Tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu nên văn bản công chứng trái pháp luật này đã trở thành văn bản có hiệu lực.
Việc trốn thuế cũng sẽ được bỏ qua?
Theo Luật sư Trần Việt Hùng thì nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị vô hiệu về hình thức nhưng hai bên đương sự không có tranh chấp gì và việc thực hiện hợp đồng không làm thiệt hại về lợi ích của người thứ ba thì việc công nhận hợp đồng như quyết định của Tòa án Hà Nội là đúng pháp luật. Nhưng hợp đồng này bị vô hiệu về hình thức và việc thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại cho lợi ích của người thứ ba là những người thừa kế của cụ Cát. Do đó, việc Tòa án công nhận hợp đồng là không đúng. Vì, tại thời điểm giải quyết tranh chấp, một bên trong hợp đồng (người thừa kế của cụ Cát) đã không đồng ý thực hiện hợp đồng này.
Ngoài việc phản đối bản án sơ thẩm vì phán quyết của Tòa không đúng mà hiện nay, ba người con trai của cụ Khuất Thị Tính còn có đơn tố cáo gửi CQĐT và VKS quận Nam Từ Liêm yêu cầu điều tra hành vi trốn thuế trong vụ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà anh Lê Văn Tuấn đã ký với vợ chồng cụ Khuất Thị Tính.
Theo ông Trần Duy Toàn phản ánh trong đơn tố cáo thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 7/4/2011 tại Văn phòng Công chứng A9 thì giá chuyển nhượng chỉ ghi là 100 triệu đồng. Song, trong đơn khởi kiện, chính anh Lê Văn Tuấn đã khẳng định anh mua 420m2 đất của vợ chồng cụ Tính là 10,7 tỷ đồng và đã thanh toán đầy đủ số tiền này cho bên bán. Với nội dung này thì việc ghi giá chuyển nhượng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế nhiều lần sẽ làm giảm số thuế thu nhập cá nhân phải nộp. Do đó, có dấu hiệu của hành vi trốn thuế rất rõ ràng.
Theo Luật sư Lê Văn Kiên, Đoàn Luật sư Hà Nội thì việc ghi giá chuyển nhượng sai thực tế để làm giảm số thuế phải nộp là trốn thuế rõ ràng. Nhưng, để xem xét việc trốn thuế trên có phạm tội trốn thuế hay không thì phải xác minh rõ số thuế mà đương sự đã kê khai và cơ quan thuế đã ấn định thuế như thế nào. Nếu mức thuế cơ quan thuế ấn định chênh lệch với số thuế thực tế phải tính theo giá chuyển nhượng thật, với mức chênh lệch trên 100 triệu đồng thì có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân có trách nhiệm nộp thuế.
Kể từ ngày vụ việc xảy ra đến nay cũng đã gần 4 năm, nhưng những sai phạm trong vụ việc này chưa được giải quyết dứt điểm. Bản hợp đồng vô hiệu đã được Tòa án biến thành hợp pháp, liệu những sai phạm trong việc kê khai nộp thuế có được làm rõ hay cũng sẽ được biến thành đúng như số phận của bản hợp đồng nêu trên? Câu hỏi này cần được các cơ quan có trách nhiệm của quận Nam Từ Liêm trả lời trước công luận.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com