Học ăn, học nói, học may áo dài
75 tuổi nhưng mắt bà Quyến vẫn tinh, chân vẫn nhanh, tay vẫn thoăn thoắt. Hỏi bà may áo dài được bao nhiều năm rồi, bà cười hiền từ, nói rằng không nhớ rõ. Chỉ biết rằng bà biết đến tấm vải, cái máy may, đường kim mũi chỉ từ thuở còn học ăn, học nói…
Sinh thời, cha mẹ bà là một thợ phó có tiếng của làng. Những năm Pháp thuộc, cuộc đời đưa đẩy ông cụ cùng gia đình ra Hà Nội kiếm sống. Hiệu may số 44 ngõ Phất Lộc ngày nay chính là khởi thủy của thương hiệu “4 đời may áo dài” của gia đình bà Quyến.
Bà Quyến vẫn nhớ ngày đầu tiên được bố đưa ra Hà Nội để phụ việc, khi đó bà chỉ khoảng 12 tuổi. Đó cũng là thời điểm bà bắt đầu nghề may áo dài của mình. Đầu những năm 50, giai đoạn thành Hà Nội nằm trong tay người Pháp, là thời điểm nhu cầu ăn mặc của tầng lớp tư sản rất cao nên nghề may áo dài có đất sống.
Sau này, khi hòa bình lập lại, nghề may áo dài được bà Quyến mang theo về Hợp tác xã may đo Dân Chủ. Nhờ nghề may áo dài, bà đã nên duyên với người bạn đời là ông Lê Thành Vinh - một thợ may áo dài có tiếng của làng Trạch Xá. Đến những năm 90, khi đất nước xóa bỏ bao cấp thì hiệu áo dài Vinh Trạch của bà là một trong những hiệu đầu tiên được mở trên phố Lương Văn Can.
Tình yêu sâu đậm với quốc phục Việt
Đối với bà Quyến, may áo dài từ thuở ấy đến giờ không đơn giản chỉ là để mưu sinh mà còn là tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với áo dài. Áo dài từ lâu đã trở thành một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và nét đẹp của thiếu nữ Hà thành nên với bà, việc cắt may để tạo ra những chiếc áo dài là niềm hạnh phúc.
Tình yêu đó cũng được lan truyền sang những người con của bà, khi mà 7 người con thì cả 7 đều biết may áo dài, tấtả đều xem đó là một nghề đáng trân trọng và phải giữ gìn, dù hàng ngày vẫn phải làm những công việc khác.
Bà Quyến tâm sự: “Tôi dường như quên đi tất cả mọi thứ mỗi khi bắt đầu may một sản phẩm áo dài và thật hạnh phúc, sung sướng khi thấy khách mặc lên đẹp, hài lòng, có lời khen”. Vì niềm vui nghề nghiệp đó mà đã hơn 60 năm trong nghề nhưng bà chưa hề cho mình cái quyền được nghỉ ngơi. Bà thấy mình vẫn chưa theo kịp nhịp sống hiện đại, nên thường xuyên đọc báo, xem tivi, nghe đài để tìm kiếm ý tưởng mới, trau dồi thêm khả năng đồng thời bắt kịp với xu thế.
Những năm gần đây, khách hàng của bà ngoài những phụ nữ trong nước còn có cả khách nước ngoài. Bà Quyến rất thích mayáo dài cho những du khách nước ngoài bởi đối với bà: “Đó là cơ hội để quảng bá áo dài truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Họ đem về nước, giới thiệu với bạn bè, và sẽ có nhiều người biết đến văn hóa Việt Nam”. Chính vì lẽ đó, bà luôn tự nhắc mình phải may bằng cả cái “tâm” của mình.
Bà Quyến cũng bày tỏ, dù cuộc sống có thay đổi như thế nào, các con bà có mải mê theo công việc khác ra sao thì bà vẫn mong sau này các con sẽ giữ lấy cái nghề của cha ông để lại. Bởi cái nghề may áo dài, may “hình tượng” người phụ nữ Việt Nam cũng thiêng liêng lắm. Càng ý nghĩa hơn khi áo dài của bà sẽ cùng góp phần nhỏ và đồng hành trong quá trình quảng bá văn hóa phục trang Việt đến với bạn bè du khách quốc tế.