Biến bất hạnh thành sẻ chia
Bà Lành kể, từ khi biết cảm nhận cuộc sống, bà đã lặn lộn ngoài đường với đủ công việc, ăn ngủ nhờ luôn tại nơi thuê mướn. Mãi đến năm 30 tuổi, bà mới lấy chồng, một người làm phu bốc vác, cũng cảnh không người thân như mình. Cuộc sống nghèo nhưng họ vẫn có với nhau tới 5 người con.
Năm 1996, vợ chồng rời quê hương Nam Định dắt ba đứa con nhỏ (2 đứa lớn gửi lại ông bà) đi lang bạt trên khắp vỉa hè Đà Nẵng làm nghề bán vé số. Cũng trong năm này, bất hạnh đã xảy ra. Chồng bà bị tử nạn trên đường đi làm.
Không tiền đưa xác về quê, may được nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, chồng bà Lành cũng có chỗ yên nghỉ nơi đất khách, di ảnh thờ mang gửi chùa. Thấy cảnh 4 mẹ con bơ vơ xin ăn, năm 1997, chính quyền Đà Nẵng đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng chăm sóc.
Bà Lành tâm sự, thời điểm trên, có một nơi trú chân, một mái trường cho các con ăn học, với bà, như thế đã đủ hạnh phúc. Cũng chính vì suy nghĩ đó, bà Lành không chỉ ở lại trung tâm với vị trí của một đối tượng xã hội, mà ngược lại, còn trở thành nữ hộ lý tận tâm, làm công việc chăm sóc cho những người già neo đơn, bệnh tật như một cách tri ân.
Chị Hồ Thị Phương, nữ hộ lý phụ trách trong “khu nhà bất động” cho biết, dù bà không đòi hỏi nhưng trung tâm vẫn ưu ái dành cho một một căn phòng nhỏ, đủ kê chiếc giường, bày một ít quần áo… giúp bà tạo riêng một tổ ấm cùng các con mỗi khi xong việc, quay quần bên nhau.
Vào Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng, cả 3 đứa con của bà Lành cũng được trung tâm nuôi dưỡng, cho học hành. Từ khoản thu nhập ít ỏi 200 đồng/tháng, bà Lành dành tất cả để lo cho 3 đứa con.
“Cuộc đời tôi nghèo quá, chỉ cho chúng nó có vậy. Hi vọng sau này chúng có người thương, khi lập gia đình còn mang theo chút gì gọi là…”, bà Lành ngậm ngùi nói.
Bà Lành cho biết, trong 5 người con, chỉ có 2 đứa lớn ở quê đã lập gia đình nhưng cuộc sống cũng nghèo khó. Bà luôn cầu mong chúng hạnh phúc chứ không nhất thiết phải vào thăm. 3 người còn lại theo vợ chồng bà vào Đà Nẵng, hiện cũng đã lớn và đi làm. Thi thoảng, cô con gái út vẫn hay về phụ giúp mẹ chăm sóc cho các cụ.
Chị Phượng chia sẻ, đến nay, cuộc sống bà Lành có thể gọi đã ổn định, bà cũng đủ khả năng để trở lại quê hương tìm gốc gác tổ tiên, người thân. Thế nhưng, khi cán bộ trung tâm đề đạc hỗ trợ, bà vội từ chối. Được hỏi, bà Lành thẳng thừng, với bà công việc hộ lý đang gắn bó không chỉ đơn giản như nghiệp phải theo, mà bản thân bà không nỡ dứt bỏ những mảnh đời ở đây. Nghe thấy vậy, không ai nhắc đến chuyện này lần nào nữa và mặc nhiên coi bà như thành viên suốt đời của Trung tâm.
Chị Lành cho các cụ ăn trưa. |
Công việc thầm lặng
Cũng lời chị Phượng, đối với công việc chăm sóc người già yếu ở trung tâm này rất gian nan, không chỉ đòi hỏi sự chịu khó mà cả sức khỏe và lòng yêu thương, tôn kính. Chăm sóc từng ấy người già với đủ thành phần xuất thân, bệnh tật, bà Lành phải đối diện với hàng núi công việc từng ngày, từng giờ.
Qua giới thiệu từ trung tâm, hiện tại, có 8 nữ hộ lý chăm sóc cho cả trăm cụ ông, cụ bà tại “Khu nhà bất động”. Sở dĩ đặt tên như vậy vì ở đây, nhiều cụ có tuổi thọ trung bình từ 80 trở lên và đa phần phải nằm yên một chỗ, mọi sinh hoạt cần có người giúp đỡ, làm thay. Với công việc này, một số chị em có thể luân phiên đổi giờ cho nhau để được nghỉ ngơi, nhưng duy nhất chỉ mình bà Lành không có thay “ca trực”.
Bà bắt đầu công việc khi các cụ nơi đây chưa thức giấc, kết thúc một ngày khi mọi người đã đi ngủ. Trong số hơn nửa cụ ông, cụ bà nằm bất động trong khu nhà, cũng có nhiều cụ chỉ còn đợi cái chết. Bệnh viện đã trả về, thân thể họ đang dần hủy hoại, mùi bốc lên rất khó chịu. Biết nhiều người ngại tiếp xúc, bà Lành nhận phụ trách luôn và lúc nào cũng túc trực, mang nước vào lau rửa sạch sẽ, không cho ruồi nhặng kịp bâu bám.
Nghe nhắc đến công việc mình, bà Lành trải lòng: “Trong gần 20 năm chứng kiến những cảnh đời bất hạnh trên, tôi như bắt gặp lại cuộc sống mình từng trải qua. Bản thân tôi cũng từng không được sống trong vòng tay người thân, nên khi nhìn thấy những thân thể già nua gầy gò, đã cô đơn lại thêm bất động trước cuộc sống này, tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm giúp các cụ được vui lúc tuổi về chiều.
Cũng có nhiều cụ khi đến tay tôi, đã thập tử nhất sinh nhưng may mắn vượt qua. Lúc tỉnh dậy, họ hồi tưởng chuyện bị bỏ rơi như thế nào, dầm mưa dãi nắng, đói khát ra sao... khiến tôi càng yêu thương, gắn bó hơn”.
Chị Lành giới thiệu từng người, đọc vanh vách cuộc sống, nỗi đau họ trải qua và cả thói quen hiện tại. Như cụ Nguyễn Thanh Thi (ngụ Thanh Hóa, 80 tuổi), trước đây từng có một gia đình êm ấm. Từ khi chồng mất, sau đó 2 con trai cũng mất vì bệnh hiểm nghèo, nhà cửa bán hết để lo tiền thuốc thang cho chồng và con, cụ không còn nơi ở mới phải lang thang vào Đà Nẵng xin ăn. Cụ được đưa tới Trung tâm Bảo trợ xã hội ở cho đến nay đã gần 10 năm.
Cụ Thi vốn mắc bệnh thấp khớp do đi lại nhiều, cộng tuổi già sức yếu nên vào Trung tâm thì bệnh đã trở nặng, còn di chứng tim. Mấy ngày đầu, nhìn cụ nằm trên chiếc giường nhỏ, chân tay khẳng khiu, gầy gò, mắt cứ nhìn lên trần nhà một cách vô hồn, khiến người đối diện không khỏi thương cảm.
Bà Lành tìm đến tâm sự, lấy cuộc đời mình, của những số phận khác ngay tại Trung tâm để xoa dịu nỗi đau của cụ. Dần dần, cụ vui hơn, tinh thần phấn chấn nên ăn uống cũng khỏe, nay còn có thể tự đi lại, tự chăm sóc bản thân.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp con cái vì tranh giành đất đai, bán hết tài sản đuổi cha, mẹ ra đường như cụ Hồ Thị Lan (83 tuổi, quê Quảng Ngãi), cụ Lê Văn Công (85 tuổi, quê Thái Bình).... Hàng chục năm về trước, trong cơn đau đớn, các cụ bỏ xứ đi rồi có mặt tại Đà Nẵng sống trôi dạt nơi bến xe, vỉa hè. Được người dân địa phương phát hiện, sau đó chính quyền làm thủ tục đưa vào Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng.
Từng khiếm khuyết tiếng gọi cha, kêu mẹ, bà Lành đứng ra nhận họ làm người thân. Các cụ cũng thấy được vỗ về an ủi lúc cuối đời. Đáng nói, theo bà Lành, càng về già càng, các cụ càng gần với tuổi thơ, cũng nũng nịu, vòi vĩnh đòi chiều chuộng như trẻ con.
Chứng kiến các cụ lớn tiếng với nhau chỉ vì giành được bón cho ăn trước, giành được bà Lành vuốt ve, chải tóc, hay đơn giản được chị nắm bàn tay, nhiều người mới hiểu bà gần gũi, có ý nghĩa với các cụ như thế nào. Nhiều khi, bà không chỉ vào vai con, cháu mà còn làm những “người bạn lớn” để đứng ra hòa giải những xích mích giữa các cụ với nhau nữa.
Bà Lành bộc bạch, ở cái tuổi “về chiều” bà hiểu rõ những người không có mái ấm, không có một người thân như các cụ sẽ cảm thấy chua cay lắm. Hơn nữa, mấy chị em hộ lý đã từng sống với họ trong những tháng ngày còn mạnh khỏe, tình cảm sâu nặng, nên cũng tủi thân thay cho những mảnh đời như vậy.
Do đó, có một điều thiêng liêng mà trong thâm tâm bà muốn làm và đang làm: được cầm nắm đôi bàn tay lạnh dần để các cụ có thể ấm lòng lúc ra đi, biết được lúc nào họ trút hơi thở cuối như một chút an ủi ở vị trí “một người thân”.
Nói như lời chị Phượng, dù bà Lành khiêm nhường với những gì đã và đang làm, nhưng những người nơi đây vẫn cảm nhận rất rõ hơi ấm của tình thân mà bà đem lại.