Cả gia đình người có công mắc bệnh hiểm nghèo 'cầu cứu' tại Hà Nam

(PLVN) - Gia đình chị Lê Thị Thường có bố đẻ mắc bệnh suy tim, lao phổi và con trai bị bệnh rò động mạch vành (bệnh lý về tim), còn bản thân chị là trụ cột gia đình cũng bị bệnh suy tim, phình động mạch não, hạch vùng cổ, tăng uyết áp, u buồng trứng...
Chị Thường chăm sóc bố tại nhà.

Gia đình chị Thường sống tại căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, hư hỏng tại xóm 9, thôn Đông, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nhắc đến hoàn cảnh chị, ai cũng cảm thấy xót xa.

Chị Thường là con út trong gia đình. Năm 2008 chị kết hôn, năm 2009 chị sinh con trai là cháu Trần Nhật Đăng Duy, sau đó chị ly thân, đưa con về sống với bố đẻ là ông Lê Phương Nam (sinh năm 1934).

Cách đây khoảng 5 năm bố chị có biểu hiện khó thở, tức ngực ho ra máu, được bác sĩ chẩn đoán bệnh là suy tim, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, lao phổi, cần được nhập viện để điều trị kịp thời. Tuy nhiên, do không có tiền chữa bệnh nên chị đành đưa bố về dùng thuốc cấp phát Bảo hiểm Y tế để cầm cự với bệnh tật.

Trước đây mọi khoản chi tiêu, sinh hoạt cá nhân đều trông vào đồng lương làm công nhân thời vụ ít ỏi của chị, lương hưu của bố chị để điều trị cũng không đủ.

Không được chữa kịp thời, tình trạng bệnh của ông Nam ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngày 31/3, chị Thường phải đưa bố nhập Viện phổi Trung ương để cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nhờ điều trị tích cực, ông Nam giữ được mạng sống. Đến ngày 25/4, chị xin cho bố xuất viện dù ông vẫn phải thở bằng bình oxy, dù ông được hưởng bảo hiểm 100%, do không còn chi phí sinh hoạt khi ông nằm viện. Không có tiền để mua máy tạo oxy và máy thải CO2 ra ngoài, chị Thường phải mua bình oxy dung tích 1500ml với giá 350 nghìn đồng, mỗi bình oxy này bố chị duy trì được 2 ngày.

Chị Thường và con trai chia sẻ tập hồ sơ khám bệnh trong nhiều năm.

Bản thân chị Thường cũng phải chống chọi với nhiều bệnh hiểm nghèo: Bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn, phình động mạch não, hạch vùng cổ, suy tim, bệnh hẹp hở van hai lá, tăng uyết áp vô căn, u buồng trứng. Không có tiền chữa bệnh nên ngày ngày chị Thường cố chịu những cơn đau hành hạ...

Éo le hơn, con trai duy nhất là chỗ dựa tinh thần, niềm hy của gia đình cũng bị bệnh động mạch vành vào động mạch phổi (một trong những bệnh lý về tim mạch). “Cháu được bác sỹ chỉ định phải phẫu thuật để nút lỗ rò động mạch, chi phí cho ca phẫu thuật này lên đến khoảng 120 triệu, nếu không tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn”, chị Thường chia sẻ.

Cháu Trần Nhật Đăng Duy hiện là học sinh lớp 7A, thành viên xuất sắc trong Câu lạc bộ Tiếng Anh của trường Trung học cơ sở Khả Phong. Cho chúng tôi xem loạt giấy khen về thành tích học tập của con mình, chị Thường ngậm ngùi: “Nhiều lúc muốn xin cho con ra khỏi câu lạc bộ Tiếng Anh của trường, vì lo cho sức khoẻ của con không đảm bảo, nhưng các thầy, các cô tại trường động viên cho con tiếp tục theo vì con có năng khiếu ngoại ngữ, nên em đành cho con tiếp tục học”.

Chứng kiến những vất vả, những cơn đau hành hạ ông ngoại, hành hạ mẹ và hành hạ chính mình, Đăng Duy trở nên già dặn trước tuổi: “Con đau, nhưng con không dám nói với mẹ nhiều vì mẹ con cũng đau và mệt, lớn lên con muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người”, bé trai 13 tuổi chia sẻ.

Gia đình chị Thường là gia đình có công với cách mạng. Em trai ông Lê Phương Nam là Liệt sĩ Lê Văn Đức, Binh nhất Quân đội nhân dân Việt Nam, hy sinh ngày 06/04/1978 vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ông Lê Văn Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ ngày 18/05/2012.

Các Huân chương cao quý được Nhà nước trao tặng ông Nam (bố chị Thường).

Ông Lê Phương Nam (bố chị Thường) là lái xe vận chuyển khí tài, nhu yếu phẩm quân đội chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua Đường mòn Hồ Chí Minh, nơi mà Mỹ đã dùng Dioxin (Chất độc màu Da cam) rải khắp núi rừng Trường Sơn.

Ông Nam từng lập nhiều chiến công trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ và được tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Hạng ba và Huân chương Kháng chiến Hạng ba.

Nhiều người dân đặt câu hỏi, cả nhà ông Nam bị bệnh tim có phải do di chứng của dioxin?. Người trong gia đình ông có phải là nạn nhân của chiến tranh hoá học? Chị Thường và người dân địa phương mong muốn các cơ quan chức năng và các ban, ngành, đoàn thể xem xét và có phương án quan tâm hơn với gia đình ông Nam.

Đại diện cán bộ phụ trách lĩnh vực Lao động và Thương binh xã hội xã Khả Phong cho biết trường hợp gia đình nhà ông Lê Phương Nam được xét tiêu chuẩn hộ cận nghèo. Vị cán bộ này đề nghị thông tin về hoàn cảnh cơ cực của gia đình chị Thường để cộng đồng, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ, giúp gia đình chị có tiền để chữa bệnh.

Đọc thêm