Bỏ làng ra đi vì sợ… ma ám
Ở một số địa phương, một số đồng bào dân tộc thiểu số nếu cảm thấy bế tắc trong cuộc sống là tìm đến cái chết như sự giải thoát đời mình. Họ chết đi để lại gánh nặng cho gia đình, cha mẹ không ai phụng dưỡng, con thơ không ai chăm sóc, hệ lụy đói nghèo.
Năm 2015, hai xã Trà Cang, Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có gần 20 người tự tử. Riêng xã Trà Nam có 12 vụ tự tử, chủ yếu là treo cổ và ăn lá ngón. Đặc biệt, vào tháng 8/2015, nóc Măng Dí 4, thuộc thôn 1 xã Trà Nam có tới 3 vụ treo cổ xảy ra. Một số vùng quan niệm tự tử là cái chết “xấu”, do “con ma rừng” bắt đi. Theo đó, nếu trong vòng 1 tháng mà làng có 3 vụ tự tử xảy ra thì dân làng phải chuyển nhà đi nơi khác, để nhà cũ cho ma ở. Nếu ở lại “con ma rừng” sẽ tiếp tục bắt đi. Vì vậy, vào tháng 8/2015, 17 hộ của nóc Măng Dí 4 đã di dời khẩn cấp đi nơi khác. Cán bộ huyện, xã về họp với dân, đêm ngày vận động nhưng dân lắc đầu vì “ở lại ma bắt thì ai chịu trách nhiệm”.
Nóc Măng Dí 4 thuộc thôn 1 nằm ngay trước trụ sở UBND xã Trà Nam. Những năm qua, nhà nước đã đầu tư nhiều tỷ đồng kéo điện về tận làng, làm đường bê tông, hệ thống nước sạch nên đời sống người dân có nhiều thay đổi. Nhưng nay ngôi làng trở nên hoang tàng. Vì sợ “ma bắt, ma ám” nên cả nóc đã chuyển nhà đến một vùng đồi heo hút, xung quanh toàn cỏ tranh, lau sậy, không điện, không nước, không đường đi, nhà cửa được dựng lụp xụp, tạm bợ bằng tre nứa.
Măng Dí 4 định cư ở đó trong bao lâu không ai biết được bởi hiện nay nóc có 17 hộ thì có tới 8 hộ đơn thân vì có chồng hay vợ tự tử. Nếu có người tự tử nữa thì dân làng lại phải chuyển sang vùng đất khác. Hai nóc khác của thôn 1 là Măng Dí 1 và Măng Dí 3 cũng có 39 hộ dân chuyển đến chỗ ở mới vì trong làng liên tiếp có người “chết xấu”.
Bốn đứa trẻ người Ca Dong con của vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Sơn (43 tuổi) và chị Hồ Thị Xoa (36 tuổi, ở nóc Lấp Loa 1, xã Trà Tập, Nam Trà My) bị mất nhà cửa vì cái “chết xấu” của cha mẹ. Đầu năm 2014, anh Sơn đi rẫy bắt được một con khỉ về làm mồi nhậu. Đến nửa đêm, tàn cuộc, chị Xoa cãi nhau với chồng vì nghi anh Sơn có “bồ”.
Rượu vào, lời ra, anh Sơn sát hại vợ rồi bỏ trốn vào rừng. Sáng hôm sau, người dân đi rẫy thấy anh treo cổ tự sát. Cho rằng 2 cái chết liên tiếp của Sơn và Xoa là cái chết “xấu”, để con ma khỏi ám trong làng, ngay sau khi mai táng cho cả 2 vợ chồng, người dân Lấp Loa 1 đã kéo đến đập phá đồ đạc rồi đốt luôn căn nhà của họ để đuổi “con ma” đi. Bốn đứa trẻ mồ côi mất luôn nhà cửa. Một số người thậm chí bỏ nóc đi nơi khác sinh sống vì sợ “con ma rừng” “ám”.
Phá nhà vì mê tín
Cuối tháng 5/2014, chị Hồ Thị Thôi (29 tuổi, ở nóc Măng Lâng, thôn 3, xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) túng quẫn vì lâm bệnh nặng không có tiền thuốc thang, nên đã lên rừng hái lá ngón mang về ăn và chết. 10 ngày sau, trong cơn say và chán nản vì nhớ vợ, anh Hồ Văn Thiên (30 tuổi) chồng chị Thôi cũng vào rừng bứt lá ngón ăn để tự vẫn.
Hai vợ chồng tự tử đẩy 4 đứa con nhỏ dại gồm Hồ Thị Vong (11 tuổi), Hồ Văn Võ (9 tuổi), Hồ Văn Vương (7 tuổi) và Hồ Thị Vân (4 tuổi) vào cảnh mồ côi. Bốn đứa trẻ bơ vơ chưa biết những ngày sau sẽ sống bằng gì thì dân làng Măng Lâng đã kéo đến phá nhà của cặp vợ chồng đoản mệnh. Sau đó, họ đem đuốc tới đốt luôn căn nhà, đẩy 4 đứa trẻ mồ côi ra đường.
Ông Hồ Văn Suốt (84 tuổi) - ông nội 4 đứa trẻ thương cháu nên đem tất cả về nhà cưu mang nhưng ông đã quá già, không nuôi nổi 4 miệng ăn. Trước tình cảnh của 4 đứa trẻ đáng thương, thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS nội trú Trà Cang đã vận động, quyên góp tiền mua cho 4 em một mảnh đất gần trường Tiểu học Trà Cang, dựng cho các em một căn nhà, giúp các em có đủ cơm ăn, được tiếp tục đến trường.
Tại bản ông Đại ở thôn 2, xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam, trưởng thôn Xuân Ngọc Lanh (31 tuổi) đã treo cổ chết vì con lợn nhà nuôi sinh ra toàn lợn đực. Tập tục của người Ca Dong, mỗi khi nhà nào có lợn nái đẻ ra toàn con đực hoặc toàn con cái thì gia chủ phải giết ngay lập tức, nếu không sẽ gặp rủi ro, “con ma rừng” sẽ không tha cho họ. Hay nhà nào có lợn đến kỳ sinh nở không về nhà mà qua hàng xóm lót ổ đẻ cũng bị xem là điều cấm kỵ.
Hai năm trước, con lợn nái, tài sản lớn nhất và duy nhất của gia đình anh Lanh sinh con. Con lợn nái lại đẻ ra cả 4 con đực. Dân làng nghe tin đến khuyên gia đình phải giết cả đàn ngay rồi làm lễ cúng bái, nếu không “con ma rừng sẽ theo ám mãi”. Nhưng tiếc của, gia cảnh khó khăn nên vợ chồng anh Lanh quyết định để đàn lợn được sống, bỏ qua lời dị nghị của dân làng. Sau đó, vợ và con anh Lanh liên tục đau ốm khiến anh Lanh nghĩ rằng vợ con mình bị bệnh là do “con ma rừng” làm. Đã 3 lần anh tìm đến cái chết coi như gánh thay gia đình nhưng được mọi người phát hiện can ngăn.
Khi con lợn nái tiếp tục đẻ lứa tiếp theo, nó không về nhà mà lại qua nhà hàng xóm lót ổ. Gia đình anh Lanh khiêng lợn về chuồng nhưng 5 ngày sau vẫn không thấy đẻ. Anh Lanh càng tin rằng điều này là do “ma làm” nên đã tháo thắt lưng ra trước hiên nhà treo cổ chết để gánh hậu quả. Sau cái “chết xấu” của anh Lanh, người vợ phải phá nhà để đuổi “con ma”.
Lý do của sự mê muội, tin vào “ma quỷ” nhảm nhí của người dân là do đói nghèo và nhận thức còn thấp. Vì vậy, trước tiên phải thoát nghèo thì mới mong xóa bỏ được hủ tục. Theo chủ trương của huyện Nam Trà My, cứ 3 công chức trên địa bàn huyện phải có trách nhiệm kèm cặp một hộ gia đình thoát nghèo trong vòng một năm. Trong thời gian này, 3 công chức sẽ phải liên tục bám lấy hộ được giao để tuyên truyền kiến thức, văn hóa đồng thời dạy họ từ cách thức làm ăn, canh tác hiệu quả cho đến cách chi tiêu hợp lý. Đó là một trong những cách làm hiệu quả để dần đẩy lùi hủ tục, quan niệm mê tín dị đoan.