Cả làng thay đổi nhờ nghề may

Xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội, với nghề may trải qua hàng trăm năm, gặp nhiều khó khăn, có lúc nghề may ở đây tưởng như mất hẳn. Nhưng tiếng máy móc lại rộn ràng khắp thôn xóm, hiện đem lại thu nhập 300 - 350.000 đồng một ngày cho nhiều người dân.

Xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội, với nghề may trải qua hàng trăm năm, gặp nhiều khó khăn, có lúc nghề may ở đây tưởng như mất hẳn. Nhưng tiếng máy móc lại rộn ràng khắp thôn xóm, hiện đem lại thu nhập 300 - 350.000 đồng một ngày cho nhiều người dân.

Làng nghề thăng trầm

Cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km, men theo đường quốc lộ 1A, là có thể đến với xã Vân Từ, Phú Xuyên, nơi từ xưa đã nổi tiếng với nghề may comple, veston.

Một số người dân ở đây cho biết, vào khoảng những năm 1920 nhiều thanh niên trong làng đã tìm lên Hà Nội để học nghề may, rồi sau đó về làng tiếp tục phát triển nghề mình học được. Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo mà từ đó, những con người ở mảnh đất này đã cho ra những bộ comple, veston nức tiếng chốn kinh kỳ.

Năm 1992, được chính quyền quan tâm cùng các bậc cao niên trong làng - lớp thợ có bàn tay vàng trong xã đã hợp sức mở hai lớp dạy may comple cho thế hệ trẻ. Từ hai lớp học ban đầu với gần 70 học viên, nhiều thợ trẻ tài hoa của Vân Từ "ra đời", và cứ thế truyền nghề cho tới nay.

Một xưởng may lớn ở làng Từ Thuận, Vân Từ, Phú Xuyên.

Năm 2000 là giai đoạn nghề may ở Vân Từ khủng hoảng, người dân tràn lên trung tâm Hà Nội kiếm sống. Bởi comple, veston từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam với giá rẻ hơn rất nhiều lần so với người dân Vân Từ làm ra. Giai đoạn đấy, khách hàng tìm đến Vân Từ thưa thớt rồi không thấy bóng khách nữa.

Nhưng vì lòng yêu nghề, với sự khéo léo trong cách tân mẫu mã, đảm bảo chất lượng, comple, veston ở Vân Từ dần chiếm lại sự tin tưởng từ phía khách hàng trong những năm gần đây. Hiện nay, cả 10 thôn ở xã Vân Từ đều làm nghề may. Trong đó, thôn Từ Thuận và thôn Chung có tới 90% số hộ làm nghề này. Đời sống của nhiều hộ dân ở đây ngày càng được nâng cao, bê tông hóa đường làng ngõ xóm, và nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, chủ yếu nhờ nghề may.

Chính vì vậy, từ một xã chiêm trũng quanh năm bám vào đồng ruộng, nay Vân Từ đã có những ông chủ nhỏ, thương gia buôn bán comple, veston khắp cả nước.

Hai thôn trong xã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận làng nghề là thôn Từ Thuận và thôn Chung. Cả thôn Từ Thuận có ba cơ sở sản xuất lớn với số vốn xấp xỉ 1 tỷ đồng trên một cơ sở, trong đó 2 cơ sở chuyên may comple, veston nam và một cơ sở may đồ nữ. Các cơ sở ở đây, bình quân một cơ sở có 20 - 40 công nhân, phân bổ khắp làng.

Một người thợ chuyên may tay áo, thu nhập 300 - 350 nghìn đồng/1 ngày.

Một người thợ ở đây nếu có tay nghề cao, trung bình một ngày họ có thể làm được hai cái áo vest và thu về 300 – 350 nghìn đồng. Một thợ bình thường thu nhập 6 - 7 triệu đồng/1 tháng.

Veston ở đây có điểm đặc biệt so với nơi khác là gồm có 4 lớp: vải, mùng, lót, bông, giúp Veston trở nên dày và bền hơn, không bị nhàu.

Ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng thôn Từ Thuận giãi bày: "Nghề may của làng hiện rất phát triển, chỉ có điều, vốn hoạt động của các cơ sở ít nên họ chưa phát huy được hết tiềm lực. Trong thời gian tới, một số cơ sở ở làng đang có ý định "xoay vốn" để mở công ty, lúc đó quy mô rộng thì sẽ có nhiều việc làm hơn cho người dân trong làng, phát triển nghề may của làng và giữ gìn được nghề".

Thời điểm vàng son trong năm

Thời điểm chớm đông, khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 trong năm được người dân ở đây coi là thời điểm vàng son của nghề may. Thời điểm này nhu cầu may veston và veston của người dân lớn, để mặc ấm và phục vụ ngày lễ tết. Vì vậy mà nhiều đơn đặt hàng liên tiếp từ trung tâm Hà Nội và các tỉnh thành trong nước dồn dập đổ về.

Anh Đức - một trong những chủ cơ sở lớn nhất ở làng Từ Thuận chia sẻ: "Thời điểm này, đôi khi không dám nhận nhiều đơn hàng vì sợ không xuất hàng kịp. Vì thiết bị máy móc có hạn cho nên một ngày cố gắng xuất khoảng 50 bộ để kịp thời hạn giao cho khách hàng".

Anh Đức, một ông chủ của một xưởng may lớn nhất nhì làng Từ Thuận, xã Vân Từ đang ép vải.

Những đơn đặt hàng này là do mối quan hệ giữa chủ sản xuất với các cơ sở được xây dựng từ hàng chục năm nay. Còn một số cơ sở của các tỉnh trong nước thì thường nhờ tiếng vang của làng để tìm đến.

Vũ Minh

Đọc thêm