Theo Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trong năm 2020 các loại hình thiên tai đã khiến hàng trăm nghìn ngôi nhà đã bị hư hỏng, sập đổ. Cụ thể, có 3.427 ngôi nhà bị sập; 288.297 nhà bị hư hỏng và 511.228 nhà bị ngập.
Đáng chú ý, hiện nay có tới 223.008 nhà không an toàn trước bão và 152.820 nhà không an toàn trước lũ. Đây là một con số rất đáng lưu tâm vì liên quan đến sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, theo báo cáo của các địa phương, các cơn bão, lũ từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11/2020 đã làm 1.531 ngôi nhà bị sập đổ; 239.341 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái.
Ông Hiệp thẳng thắn: “Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng. Đây là thiệt hại rất lớn đối với khu vực miền Trung còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Giả sử bây giờ chúng ta có 30.000 tỷ để khắc phục thì hiện trạng, sự yên ổn ban đầu của bà con miền Trung cũng đã không còn nữa”.
Cho đến nay, các địa phương và người dân đã sửa chữa xong số nhà bị hư hỏng, tốc mái. Tuy nhiên, hiện có hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và khoảng 150.000 ngôi nhà nằm trong diện “cứ có cảnh báo thiên tai là di dời” đang đặt ra vấn đề đảm bảo nhà ở an toàn cho người dân, nhất là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề.
Theo Thứ trưởng Hiệp, trong tổng số 1.500 ngôi nhà bị sập đổ, vẫn còn gần một nửa chưa được xây dựng lại vì 2 lý do: Một là ở những vùng sạt lở ở xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), địa phương chưa quy hoạch được đất để làm nhà; Hai là người dân đang tính toán, vận động thêm kinh phí để cùng với khoản hỗ trợ của Nhà nước sẽ làm nhà tốt hơn.
Về mô hình nhà chống bão hiện nay, ông Hiệp băn khoăn: “Qua khảo sát, có 2 mô hình nhà chống bão: một là nhà nổi, hai là nhà cố định có thêm một số bộ phận để đảm bảo an toàn trong bão lũ. Nhà nổi với những vùng ngập lụt sâu thì rất phù hợp, nhưng vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào mà công năng sử dụng thường xuyên và trong trường hợp nào cũng phải an toàn.
Còn nhà cố định, chúng ta sử dụng thường xuyên nhưng trong điều kiện các cột mốc lũ lịch sử càng ngày càng thay đổi và càng ngày càng cao lên thì làm thế nào cho phù hợp với điều kiện này. Thực ra, chúng ta không có mô hình nào hoàn hảo bởi mỗi mô hình đều có thể thích ứng với điều kiện cụ thể của từng địa phương và điều kiện kinh tế của hộ gia đình cũng như phù hợp với văn hóa”.
Hỗ trợ tối đa người dân khắc phục thiệt hại
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện đang có rất nhiều cơ chế để hỗ trợ người dân, như Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2014, mỗi hộ gia đình ở 14 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được hỗ trợ từ 12 - 16 triệu đồng/hộ để xây nhà chống bão lũ, đồng thời được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm.
Nhờ chính sách hỗ trợ này, đến tháng 10/2020 đã xây dựng được hơn 15.000 nhà. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này còn thấp và Bộ NN&PTNT đang đề nghị là Thủ tướng Chính phủ xem xét tính toán nâng mức hỗ trợ lên 40 triệu đồng/hộ.
Cùng với đó, từ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế khoảng 1.700 USD, đối ứng theo mức hỗ trợ của Quyết định 48 và kinh phí của người dân, đã có hơn 3.440 nhà được xây dựng và các tổ chức xã hội xây dựng được gần 800 nhà.