Cả nước sẵn sàng cho mùa tuyển quân 2021

(PLVN) - Đến thời điểm này, tất cả thanh niên tiếp nhận lệnh gọi nhập ngũ trên toàn quốc đều sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS). Ngày càng nhiều thanh niên tình nguyện nhập ngũ dù biết rằng hàng chục cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh trong lũ lụt ở miền Trung; nhiều cán bộ, chiến sĩ chấp nhận xa nhà trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19… Họ muốn vào quân đội, góp một phần nhỏ bé để bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Các thanh niên nhập ngũ đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay bằng nước sát khuẩn.
 Các thanh niên nhập ngũ đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay bằng nước sát khuẩn.

Công tác tuyển quân chặt chẽ, đúng quy trình, đạt chất lượng 

Ngay sau khi tổng kết công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp của các tỉnh, thành trong toàn quốc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng NVQS tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm công tác tuyển quân năm 2021 đúng theo Luật NVQS và các văn bản, hướng dẫn có liên quan. 

Cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyển quân chặt chẽ, đúng quy trình, đạt chất lượng; phối hợp với công an và các ngành liên quan phúc tra, nắm chắc nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ; quan tâm tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có ngành nghề chuyên môn phù hợp với nhu cầu sử dụng của quân đội...

Lệnh gọi nhập ngũ đã được phát đến tay các công dân xong trước ngày 23/1/2020. Đến nay tất cả các địa phương đã hoàn tất kế hoạch tổ chức lễ giao, nhận quân và đã tham mưu chặt chẽ cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo cơ sở tổ chức gặp mặt, giao lưu, động viên công dân lên đường nhập ngũ đảm bảo chặt chẽ, vui tươi, phấn khởi và làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tại Bắc Kạn, thanh niên nhập ngũ có sức khỏe loại 1 và loại 2 đạt hơn 50%; con em đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chí… chiếm hơn 94%; có 22 thanh niên tốt nghiệp cao đẳng và đại học; trình độ văn hóa từ lớp 10 đến 12 đạt trên 68%. Tất cả các huyện, thành phố đều mở lớp bồi dưỡng cảm tình đảng cho 450 đoàn viên ưu tú, có 34 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ…

Do tình hình dịch Covid-19, năm nay các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không tổ chức Hội trại tòng quân nhưng thực hiện giao, nhận quân đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối. Huyện Châu Thành (Sóc Trăng) có 100% thanh niên viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 2021.

Để thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ, các địa phương vùng ĐBSCL đều huy động cả hệ thống chính trị, tranh thủ mọi nguồn lực chăm lo cho thanh niên nhập ngũ và thực hiện chính sách hậu phương quân đội đối với gia đình có thanh niên nhập ngũ. 

Các địa phương đều tổ chức trao quà, sổ tiết kiệm tặng thanh niên, giúp đỡ gia đình thanh niên ổn định cuộc sống; tổ chức các chương trình tư vấn, định hướng việc làm sau khi hoàn thành NVQS... Qua đó, khích lệ, động viên thanh niên tiếp nối truyền thống cha ông đi trước, rèn đức, luyện tài, phấn đấu xứng danh bộ đội Cụ Hồ. 

Hai anh em sinh đôi Quốc Bảo, Quốc Hưng hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Hai anh em sinh đôi Quốc Bảo, Quốc Hưng hăng hái  tình nguyện lên đường nhập ngũ. 

Các cặp sinh đôi hăng hái lên đường nhập ngũ

Ngày càng có nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những cặp sinh đôi ở các địa phương tình nguyện đăng ký nhập ngũ, hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Xác định Quân đội là trường học lớn - môi trường kỷ luật, tự giác, nghiêm minh và chứa chan tình đồng chí, đồng đội, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, hai anh em sinh đôi Trần Duy Trí và Trần Duy Tuệ (tổ 5, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 2021. 

Những năm qua, hai anh em sinh đôi luôn nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động, sinh hoạt của trường học và địa phương. Từ năm học lớp 9, Trần Duy Tuệ đã đoạt giải nhất môn điền kinh nội dung chạy 200m cấp quận Sơn Trà. Tháng 12/2020, 2 anh em tham gia đội tuyển thi đấu Cuộc thi Lân - Sư - Rồng toàn quốc tại Huế, giành giải Ba.

Xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, Thái Bình vốn là địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Nhiều nam thanh niên trong độ tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự trong xã đều theo gia đình đi làm xa, số còn lại chỉ muốn ở nhà làm kinh tế, vì thế, rất hiếm có trường hợp tình nguyện đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự.

Thế nhưng 2 anh em sinh đôi là Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Phương (ở thôn Quyết Thắng, xã Chi Lăng) mới 17 tuổi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Cùng trúng tuyển, xuân này, hai anh em náo nức ngày lên đường tòng quân, xác định môi trường quân đội sẽ là nơi họ rèn luyện bản lĩnh, rèn luyện ý chí và khát vọng vươn lên để vững bước trên con đường phía trước. 

Tại làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, Bình Định, 2 anh em sinh đôi người dân tộc Banar là Đinh Thành và Đinh Canh đã cùng tự nguyện viết đơn xung phong nhập ngũ năm 2021.

Năm 2020, trong toàn quốc cũng có nhiều cặp anh em sinh đôi tình nguyện nhập ngũ. Học xong lớp 12, hai anh em U Hải và U Hai (dân tộc Xơ Đăng ở thôn 4, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã cùng viết đơn xung phong tình nguyện nhập ngũ năm 2020.

Cha của U Hải và U Hai mất sớm nên hai anh em được ông Nguyễn Văn Đông ở cùng thôn nhận làm con nuôi. Dù cả hai con nhập ngũ, nhà neo người làm, kỷ luật quân đội lại rất chặt chẽ nhưng ông Đông vẫn động viên hai con lên đường. 

Khi trúng tuyển, hai anh em đã đăng ký vào hai đơn vị quân đội khác nhau để thử sức mình ở môi trường khác nhau và thi đua xem ai rèn luyện giỏi hơn ai. U Hải đăng ký nguyện vọng nhập ngũ vào Trung đoàn 990, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum còn U Hai thì đăng ký nhập ngũ vào Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Dù đang là sinh viên năm thứ nhất ngành ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Văn Lang, TP HCM nhưng trong đợt nhập ngũ năm 2020, hai anh em song sinh là Vũ Hoàng Việt và Vũ Hoàng Nam (sinh năm 1999, ngụ Phường 5, quận Bình Thạnh) đã viết đơn tình nguyện tòng quân. 

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hai anh em Nguyễn Quốc Bảo và Nguyễn Quốc Hưng (ở khu vực 4, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) đều phải nghỉ học giữa chừng để tìm việc phụ giúp ba mẹ. Nhưng với mong muốn được khoác trên mình màu áo lính để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Bảo và Hưng đã quyết định lên đường nhập ngũ. 

Như các thanh niên khác, cả hai xác định vào bộ đội là để được cống hiến, trưởng thành, phát huy những tố chất, năng lực của mình và trưởng thành chính từ sự rèn luyện trong môi trường tập thể kỷ luật ấy.

Vùng không có dịch: Tổ chức khai báo y tế cho 100% chiến sĩ mới

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần cho biết, để công tác tuyển quân đảm bảo an toàn, các đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, chỉ lệnh của cấp trên về phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức tuyển quân năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh cũng như các hướng dẫn của Tổng cục Hậu cần về triển khai công tác hậu cần trong đón nhận, huấn luyện chiến sĩ mới.

Các địa phương không có dịch tổ chức lễ giao, nhận quân theo kế hoạch; trước lễ giao, nhận quân 2 ngày, cơ quan quân sự phối hợp với y tế địa phương tổ chức khai báo y tế cho 100% chiến sĩ mới. Đối với các địa phương đang có dịch phải phong tỏa toàn huyện hoặc toàn tỉnh, sẽ lùi thời điểm giao nhận quân theo huyện hoặc tỉnh sau khi được Bộ Tổng Tham mưu cho phép; trước khi giao nhận quân 2 ngày, cơ quan quân sự phối hợp với y tế và chính quyền địa phương tổ chức khai báo y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 100% chiến sĩ mới.

Hiện nay, các cục: Quân y, Quân nhu, Doanh trại, Vận tải của Tổng cục Hậu cần đã triển khai chỉ đạo công tác bảo đảm ngành cho đón nhận, huấn luyện chiến sĩ mới năm 2021, gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn tuyệt đối; đồng thời giải đáp kiến nghị của các đơn vị.

Quy định nhập ngũ đối với anh em sinh đôi 

Khoản 1, Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

- Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;

- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

- Con một của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

- Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

- Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;

- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

- Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Theo đó, nếu công dân có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân thì sẽ được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, đối với các trường hợp sinh đôi, nếu 1 trong 2 anh em thực hiện nghĩa vụ quân sự  thì 1 người sẽ được tạm hoãn đến năm hết 27 tuổi. 

Tuy  nhiên, Khoản 3, Điều 41 quy định: Công dân thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ hoặc được miễn gọi nhập ngũ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn và gọi nhập ngũ.

Đọc thêm