Cá suối chết hàng loạt vì bị đầu độc để làm... mồi nhậu

(PLO) - Để có mồi nhậu nên nhóm thanh niên đã rãi hạt thàn mát xuống suối Tân Trung – huyện Hướng Hóa  - tỉnh Quảng Trị. Ban đầu chỉ có ít cá nổi lên, sau đó mọi chuyện vượt tầm kiểm soát khi số lượng cá chết mỗi ngày một nhiều.
Suối Tân Trung, nơi xảy ra vụ việc
Suối Tân Trung, nơi xảy ra vụ việc

Cá chết trắng suối, người dân vùng cao hoang mang

Ngày 15/5, người dân xã Tân Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) khi ra con suối La La (suối Tân Trung) đã tá hỏa khi phát hiện cá chết trắng cả con suối, sau đó người dân xã này đã báo với Công an. Đến trưa cùng ngày Công an huyện Hướng Hóa và Công an xã Tân Lập có mặt ở hiện trường khám nghiệm, lấy mẫu cá để tìm hiểu nguyên nhân.

Đến ngày 18/5 người dân cho biết vẫn thấy cá chết rải rác vài con dưới suối, trên mặt nước vẫn còn xác cá đang trong kỳ phân hủy.

Người dân vớt cá ở suối về cho gia súc ăn
Người dân vớt cá ở suối về cho gia súc ăn

Nhà bà Phạm Thị kính (SN 1948, trú tại thôn Tân Trung) nằm sát với con suối bị “đầu độc”, bà Kính cho biết, suối vốn rất nhiều cá, nhưng vài ngày lại đây cá “bỗng dưng biến mất”. Sáng 15/5, trong lúc ra suối lấy nước gia đình bà Kính mới tá hỏa khi chứng kiến rất nhiều cá chết chết nổi lên, có con lên đến 1kg nên đã vớt vào cho gia súc ăn. "Không ai dám ăn vì sợ cá bị trúng độc" - bà Kính nói.

Tại khu vực con suối, PV ghi nhận, cá chết đã được người dân, chính quyền địa phương thu dọn nhưng vẫn còn phảng phất mùi tanh.

Đi đầu độc cá vì ...thiếu mồi nhậu

Sau khi có mặt tại hiện trường để khám nghiệm và phân tích số cá chết, Cơ quan chức năng cho biết số cá chết trắng suối La La do bị đầu độc. Sau đó Cơ quan điều tra Công an huyện Hướng Hóa đã xác minh và triệu tập 9 đối tượng có liên quan đến việc cá chết tại suối La La. Bao gồm: Nguyễn Thành Lập (SN 1981, trú tại Tân Trung, Tân Lập, huyện Hướng Hóa); Lê Giã (SN 1967), Lê Việt Thắng (SN 2000) cùng trú tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị; Lê Văn Thành (SN 1982), Ngô Thị Dung (SN 1983), Lê Văn Việt (SN 1986), Lê Văn Vũ (SN 1984) cùng trú tại xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa; Nguyễn Thị Trang (SN 1987), Nguyễn Văn Sáng (SN 1986), cùng trú tại Lao Bảo

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này khai nhận, ngày 13/5, sau khi ngồi nhậu tại nhà của Lập, các đối tượng trên đã bàn bạc đến suối ở thôn Tân Trung, rồi lấy khoảng 5kg hạt thàn mát (mua ở quê nhà vợ của Lập tại Hương Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, chứa 30-40% dầu và chất gây độc đối với cá) xay nhỏ pha với nước, đổ trực tiếp xuống khoảng 30m dọc bờ suối.

30 phút sau, các loại cá bắt đầu nổi lên mặt nước lờ đờ. Các đối tượng này đã bắt được 20kg cá, một phần dùng để làm mồi nhậu tiếp và một phần ăn không hết thì mang đi bán được 1,1 triệu đồng. Sau đó, cá ở khu vực này tiếp tục nổi lên, chết phơi bụng nên người dân cạnh đó nhặt về cho gia súc ăn và báo với chính quyền.

Đại diện của công an huyện Hướng Hóa cho hay: “Người dân tộc thiểu số sống trên địa bàn đã phát hiện ra loại hạt này từ khá lâu. Người ta xay loại hạt này nhuyễn ra rồi thả xuống đoạn đá mà cá hay bơi qua. Khi tiếp xúc với loại hạt này, mắt cá sẽ bị mờ đi và cá không thể bơi được, lúc này bà con mới vớt cá lên và đem về nhà ăn.

Cần phải nói rõ là người dân ở đây vẫn bắt cá bằng hình thức này để ăn là bình thường. Ngay cả trường hợp đối tượng Lập cùng nhóm bạn sau khi làm chết cá cũng mang lên để ngồi ăn cá tiếp.

Tuy nhiên, hành vi gây nên cái chết cho một lượng cá như vậy là hành vi phá hoại môi trường tự nhiên nghiêm trọng, cần phải kiểm điểm trước quần chúng”.

Công an huyện Hướng Hóa cho biết, sẽ gửi đi giám định loại hạt làm cá chết cùng các tang vật thu được, để có biện pháp xử lý, răn đe các đối tượng trên. Mặc dù chỉ là sử phạt hành chính nhưng cũng cần phải công khai và nghiêm khắc để làm gương cho người dân tránh những tình trạng phá hoại môi trường tương tự xảy ra.

Đọc thêm