101 trò…“Thánh, Thần hiển linh”!
Trưa 21/2/2018, ông Nguyễn Bá Dược (50 tuổi, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã quăng lưới ở đoạn kênh gần cầu Lim thuộc địa bàn xóm Hòa Thành (xã Hiến Sơn), bắt được con cá chép bị nhiều người dân địa phương đồn là “cá thần” lúc nổi lúc chìm. Con cá chép có vảy phía trên lưng màu đen, bụng màu trắng được thả trong một hố nước quây bạt nilon rộng hơn một mét vuông; nó khá yếu và liên tục ngáp hoặc nằm nổi ngang mặt nước.
Biết tin ông Dược bắt được con cá, hàng trăm người dân địa phương đã kéo đến xem, nhiều người xô đẩy nhau để sờ vào con cá “lấy may”. Một số người còn mang cả hương, hoa quả tới bờ kênh khấn vái, ném tiền xuống kênh.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch xã Hiến Sơn cho biết: “Đây chỉ là một con cá chép bình thường ở dưới kênh nước. Để chấm dứt việc thêu dệt “cá thần” của người dân, xã đã đưa ra phương án cho ông Nguyễn Bá Dược (50 tuổi), trú tại xóm Hòa Thiện, xã Hiến Sơn bắt vào hôm nay. Con cá sau khi bắt được, việc làm thịt hay bán cho người khác sau là do ông Dược tự quyết định”. Và cuối cùng, “cá thần” được đem đi… om dưa!
Vào khoảng ngày 13.2 (28 tháng Chạp), tại ngôi mộ của người ăn xin nằm bên cạnh đường ở thôn La Hà Tây (xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) xuất hiện 2 con rắn một to, một nhỏ. Người dân chụp ảnh cặp rắn và đăng trên mạng xã hội với nội dung “ngày thứ 13 (cặp rắn) xuất hiện đều đặn đúng giờ” nên thu hút sự mê tín, hiếu kỳ của nhiều người.
Một số người dân đã đến thắp hương, đặt hoa lên mộ và khấn vái. Dọc đường về thôn La Hà Tây, người dân đã bày bán hương hoa, vàng mã để phục vụ dòng người đến xem thắp hương, cầu khấn, xin lộc đầu năm. Nhiều người còn bất chấp nguy hiểm, sờ tay lên mình rắn để lấy hên. Lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân đang tụ tập tại đó, đồng thời tiến hành tổ chức đưa con rắn rời hiện trường. Tối ngày 1/3/2018, lực lượng UBND xã tổ chức tháo bóng đèn điện, tháo dỡ rạp che trên ngôi mộ. Tuy nhiên, một số người dân vẫn thắp nến, xì xụp khấn vái.
Chưa hết, chiều 13/1/2018, người dân ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước (tỉnh Long An) phát hiện một vật thể lạ có hình dáng giống như một khối đá, khối lượng khoảng 0,5 m3, nổi trên mặt nước Kinh Nước Mặn. Nhiều người dân thấy đá nổi thì rất hiếu kỳ, đã kéo đến khấn vái và “suy tôn” là “đá thần” “hiển linh” gây mất an ninh trật tự khu vực.
Để dẹp tan trò mê tín, dị đoan, ngành chức năng khẳng định khối đá dạng đá bọt biển - loại đá hình thành từ dung nham núi lửa, có chứa nhiều bọt khí bên trong. Loại đá bọt biển này lâu ngày tích tụ thành đá, phía trong có dạng hạt như bong bóng thổi, ở Việt Nam có rất nhiều. Đá này khi khô càng nhẹ, xuống nước sẽ nổi trên mặt nước. Vậy nên không có chuyện “đá thần” “hiển linh” trên mặt nước.
“Mù màu” thời công nghệ 4.0?
Có thể thấy, chỉ mới đầu năm, người dân ở ba địa phương khác nhau “đại náo” về “cá thần”, “đá thần”, “rắn thần”… hiển linh. Trong thời đại @, thời công nghệ 4.0 mà người dân vẫn mê muộn về những “thánh, thần” hão xảy ra nhiều chuyện bi hài. Tại sao vậy? Trả lời báo chí GS Trần Lâm Biền lý giải, đó là thể hiện sự mê muộn, cuồng tín. Một sự hẫng hụt về tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng quan điểm, GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho rằng, người dân hoang mang vào cuộc sống, họ quan niệm “có bệnh vái tứ phương”, đi nhờ cậy vào thờ cúng, thánh thần. Cộng thêm tâm lý đám đông, tâm lý tò mò khiến họ dễ dàng bị kích động, hùa vào những điều đang xảy ra dù họ có thể biết đó là… trò nhảm nhí.
Càng năm mới, những trò mê tín, dị đoan lại càng dễ bùng nổ. Thế mới có chuyện, người người đi chùa, nhà nhà đi phủ, đền, miếu. Những chốn tâm linh thanh tịnh bị phá vỡ, thay vào đó là sự “trình diễn” lễ vật, sự lộn xộn, tranh cướp, chửi bới nhau, thi nhau đốt vàng mã hòng mong Phật, Thánh, Thần chú ý tới mình.
Nhiều người vẫn mê muội tin vào cầu cúng, bói toán, giải hạn, cầu an, xin quẻ, dâng sao, cầu hồn… Chán đi nơi tâm linh, họ lại đổ xô vào những động vật, thực vật, đồ vật “biến hóa” thành “Thánh, Thần” hiển linh rồi gắn mác tâm linh, tín ngưỡng văn hóa làm bức bình phong cho trò mê tín, dị đoan.
Một số kẻ đã “đục nước béo cò” tung đồn thổi “một đồn mười, mười đồn trăm”, đưa lên mạng xã hội biến lời đồn trở nên “nổi tiếng” gấp bội. Không ít người dân sẵn có tâm lý mê tín dị đoan, thiếu tư duy khoa học, dễ dàng tin vào những chuyện ma quỷ nhảm nhí. Hơn nữa, mặt trái của cơ chế thị trường cũng dẫn đến sự lầm tưởng về giá trị của chức quyền, của tiền tài và khiến nhiều người chạy theo những giá trị ảo. Ðáng lo ngại là hiện tượng này ngày càng có chiều hướng gia tăng, không chỉ tập trung ở các địa bàn dân cư kém phát triển, người dân còn nhiều hạn chế về học vấn và mức sống, mà còn cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hay tầng lớp dân cư có trình độ cao, mức sống khá giả.
Theo các nhà nghiên cứu, gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát của con người trong khi họ luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong hoàn cảnh bị coi là bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, không giải thích được, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi, và làm con người cảm thấy an tâm hơn. Hệ lụy của tâm lý mê tín, dị đoan này rất nặng nề, gây lãng phí thời gian, tiền của, dẫn con người biến mình kẻ lạc hậu với những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, đi ngược lại với tiến bộ. Họ bị mê muội, vô cảm thậm chí phạm pháp.
Ðã có một số kẻ “tà đạo”, “thầy bói”, tự nhận mình là “cứu nhân, độ thế”, “pháp sư” tùy tiện “phán” lung tung hòng kiếm tiền gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí gây nên những cái chết đau lòng cho “con nhan, đệ tử” và người thân của họ.
Qua những sự việc trên, nên chăng, các cơ quan chức năng địa phương cần điều tra, có những chế tài nghiêm khắc để xử lý những kẻ “núp bóng” thần linh, ma quỷ để lừa đảo người dân, dùng nhiều chiêu trò “buôn thần bán thánh”, lợi dụng tâm lý mê muội của người dân để lừa đảo, trục lợi, gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về hệ lụy nguy hiểm của mê tín dị đoan, người dân hiểu rõ để từ đó xa lánh, dần loại bỏ mê tín, dị đoan ra khỏi đời sống xã hội.