Lo ngại khách nước ngoài lôi kéo trẻ em
Những năm gần đây, lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam tăng cao. Ngoài những đóng góp tích cực, điều này cũng đi kèm mặt trái. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 6-7 triệu khách nước ngoài đến du lịch, đây cũng là cơ hội để các đối tượng tội phạm nhập cảnh vào Việt Nam rồi dùng các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo trẻ em để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục.
Một cuộc khảo sát trực tuyến với 300 khách lữ hành quốc tế từng du lịch đến Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam của Dự án Tuổi thơ (Chương trình Phòng ngừa xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia) cho thấy, việc xâm hại tình dục trẻ em thông qua con đường du lịch ở Việt Nam có dấu hiệu gia tăng. Cả trẻ em gái và trai đều có thể trở thành nạn nhân của các hình thức xâm hại, bóc lột tại các điểm du lịch. Nạn nhân phổ biến là trẻ nghèo, ít học, nhiều nhất là trẻ bán hàng lưu niệm, ăn xin, nhặt rác, phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, trẻ lang thang hoặc kiếm sống trên đường phố…
Do nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam ngoài tham quan, khám phá các điểm đến, còn tham gia các hoạt động cộng đồng như: dạy tiếng nước ngoài, làm tình nguyện viên, quyên góp cho các tổ chức từ thiện… Đây là những hoạt động có khả năng tiếp cận với nhóm trẻ em yếu thế, có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao. Đối tượng thường lợi dụng sự chênh lệch về kinh tế giữa mình và trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cùng những kẽ hở trong quản lý hoạt động du lịch để xâm hại tình dục trẻ em. Đối tượng lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi để xâm hại tình dục với trẻ em, với suy nghĩ không ai biết nhân thân của mình và cũng không bị trừng phạt.
Khi các nước Đông Nam Á ngày càng phát triển và liên kết với nhau hơn, chi phí viễn thông và du lịch hàng không trở nên hợp lý hơn thì tội phạm bóc lột tình dục càng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các nạn nhân là trẻ em.
Xâm hại tình dục trẻ em nói chung, trong hoạt động du lịch nói riêng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho trẻ em cả về thể chất lẫn tâm lý. Là những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.; gây ra những hệ lụy về kinh tế cho nạn nhân và gia đình do bị xa lánh, kỳ thị của cộng đồng; phá hoại hình ảnh tích cực của quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững.
Cùng bắt tay đấu tranh với tội phạm
Ngày 27/10/2016, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp Việt Nam và Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) kết hợp tổ chức kỳ họp thứ hai Nhóm nghiên cứu pháp luật khu vực về bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành. Cuộc họp có sự tham dự của các đại diện cấp cao từ bốn quốc gia trong khu vực: Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam cũng như các đại diện của Liên Hiệp Quốc, Đại sứ quán Anh, JICA và các đối tác phát triển.
Ông Christopher Batt - Phụ trách Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc UNODC Việt Nam cho biết, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường lợi dụng khả năng sống kín đáo trong cộng đồng. Chúng thường khai thác những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật và các biện pháp thực thi pháp luật. Chúng thường trốn tránh được việc bị phát hiện. Và trong quá nhiều trường hợp, chúng không bị đưa ra công lý.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính, Bộ Tư pháp cho hay: “Nếu không có sự hợp tác, chúng ta không thể phòng chống hiệu quả loại tội phạm có tính chất nguy hiểm này. Cuộc họp này là một cơ hội tốt để cho các đại diện đến từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế nhìn nhận lại tình hình thực tiễn và pháp luật quốc gia và trong khu vực về vấn đề này, xác định những khoảng trống đồng thời định ra cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và thực thi pháp luật liên quan đến xâm hại, bóc lột tình dục trẻ em trong lữ hành và du lịch thời gian tới, nhằm giải quyết tốt vấn nạn này mà con trẻ của 4 nước đang phải đối mặt”.
“Trọng tâm các nỗ lực phòng chống du lịch tình dục trẻ em của Chính phủ Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan, và Việt Nam là cải cách pháp luật và tư pháp. Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và một số luật khác có liên quan của Việt Nam hiện nay nhằm tăng cường cơ sở pháp lý để đấu tranh với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em.”- ông Christopher Batt bày tỏ.
Cụ thể, các nước cần xây dựng khuôn khổ pháp luật toàn diện, rõ ràng, và hài hòa, tập trung xử lý nguồn cầu trong cung cầu về bóc lột tình dục trẻ em; Đảm bảo việc truy tố và kết án tất cả các đối tượng trung gian; Đảm bảo tất cả lợi nhuận và tài sản có được từ việc bóc lột tình dục trẻ em bị thu giữ và tịch thu một cách hiệu quả để đầu tư vào các chương trình chăm sóc, chữa trị phục hồi, và tái hòa nhập cho nạn nhân, trong đó có bao gồm các biện pháp bồi thường bắt buộc cho nạn nhân; Đảm bảo luật pháp quốc gia không hình sự hóa nạn nhân trẻ em bị xâm hại và bóc lột tình dục, và đảm bảo không đưa tên trẻ em vào các danh sách liệt kê đối tượng tội phạm tình dục; Đảm bảo những trẻ em phải tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự sẽ được hỗ trợ và tham vấn phù hợp nhằm giúp các em trong tất cả các giai đoạn của quy trình tố tụng, và đảm bảo rằng các em được tiếp cận với một hệ thống pháp lý nhạy cảm với trẻ em để tránh bị tổn thương thêm; Tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực quan trọng thông qua chia sẻ và cập nhật thông tin về nạn nhân trẻ em và thủ phạm, giúp điều tra và truy tối hiệu quả các đối tượng và đường dây tội phạm bóc lột tình dục trẻ em.
Các đại biểu của 4 nước mong rằng, các thảo luận trong hội nghị này sẽ đóng góp hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống nạn du lịch tình dục ở Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan, Việt Nam, và trên toàn khu vực.