'Các anh không còn nhưng chúng con vẫn bên mẹ, mẹ ơi!'

(PLVN) - Chưa lần nào tôi thấy nhiều đồng nghiệp của mình vừa tác nghiệp vừa nước mắt rưng rưng như vậy. 300 Mẹ Việt Nam anh hùng đại diện cho 4.962 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên khắp mọi miền Tổ quốc là 300 nỗi đau, 300 niềm thương nhớ mà mẹ đã nặng mang cả đời...
Các Mẹ VNAH tại buổi gặp mặt.

Sáng 24/7, Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt 300 đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) đại diện cho 4.962 Mẹ VNAH trong cả nước.

Buổi gặp mặt nằm trong khuôn khổ chương trình Gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017) diễn ra từ ngày 23 đến 25/7 tại Hà Nội.

Nói về chương trình gặp mặt này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung từng nhấn mạnh: “Các mẹ đều đã “như chuối chín cây”, nhiều địa phương hiện đã không còn Mẹ VNAH. Sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, chúng ta chưa từng tổ chức một cuộc gặp mặt các Mẹ VNAH. Chương trình gặp mặt lần này có ý nghĩa rất sâu sắc, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với người có công nói chung và Mẹ VHAH nói riêng”. 

 

Vết thương lòng, mẹ vẫn nặng mang 

Trước buổi gặp mặt với đại diện Bộ Quốc phòng, Hội LHPNVN và Bộ LĐ-TB&XH, các Mẹ VNAH đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mẹ Lục Thị Vản 88 tuổi, ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết đây là lần thứ hai mẹ được ra Hà Nội và là lần đầu tiên được vào Lăng viếng Bác Hồ. “Cảm động lắm, thương Bác lắm!”, mẹ sụt sùi.

Mẹ Vản có chồng và con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và chiến trang biên giới phía Bắc năm 1979. Hiện nay mộ phần của con trai mẹ vẫn nằm ở nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, chưa chuyển về quê nhà. “Mẹ hay nằm mơ về nó lắm. Có lần nó về nắm lấy tay mẹ gọi: Mẹ ơi, mẹ có biết con ốm không. Con ốm lắm, con muốn về với mẹ mà chưa thể về được”, mẹ kể.

 Mẹ VNAH Lục Thị Vản

Đã 88 tuổi đời, chưa biết về với tổ tiên khi nào nhưng mẹ Vản vẫn đau đáu một mong ước mộ phần của con trai được về với quê hương để trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời mình, mẹ có thể được gần con lần nữa. 

Trong hành trình làm báo của mình, chưa có khi nào tôi không dám phỏng vấn, không dám hỏi nhiều như lúc đứng trước các Mẹ VNAH thế này. Nước mắt thương nhớ, khổ đau biết bao tháng ngày vì các anh đi mãi không về như vẫn chực chờ trên gương mặt các mẹ, cùng những vết hằn của thời gian, khiến tôi không dám gợi lại…

Mẹ VNAH Phạm Thị Thoa. 

Tôi đang đứng tần ngần, thì mẹ Phạm Thị Thoa, 91 tuổi ở xã Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, run run nắm lấy tay tôi hỏi: “Cô ơi, sao con tôi đâu mà chưa đón tôi, tôi muốn về thắp hương cho hai anh nó nhưng đi lâu thế này, chúng nó lạnh tội lắm”. Mẹ Thoa có 3 con trai thì hai con đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mẹ hiện ở với anh con trai thứ ba. 

Giống như mẹ Thoa, mẹ Tô Thị Nhim ở Thái Bình, 87 tuổi, phải nhận đến 2 tờ giấy báo tử trong cuộc đời mình và trớ trêu thay hai tờ giấy đó lại đến với mẹ trong cùng một tháng.

Mẹ VNAH Tô Thị Thim 

“Quên sao được hả cô, hai tờ giấy (giấy báo tử-PV) đến cùng một tháng. Bố trước, con sau. Chồng tôi hy sinh năm 1968, con trai hy sinh năm 1972. Con hiện đang nằm ở Quảng Trị, còn chồng tôi thì vẫn chưa tìm thấy. Tôi muốn tìm thấy ông ấy lắm nhưng đồng đội của ông ấy bảo bị bom tan nát hết rồi”, tấm Huân chương Mẹ VHAH cài trên ngực như cũng rưng rưng theo dòng thổn thức của mẹ….

Lớn lao hơn cả là sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ VNAH 

Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi về rất xa, song hậu quả của các cuộc chiến tranh để lại rất nặng nề. Cả nước hiện nay có trên 9 triệu người có công; gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật. 

Nước mắt thương nhớ, khổ đau biết bao tháng ngày vì các anh đi mãi không về như vẫn chực chờ trên gương mặt các mẹ... 

“Nhưng sự hy sinh mất mát lớn lao hơn cả, đó là sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ VNAH đã hiến dâng những người con thân yêu nhất của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sự hy sinh của các Mẹ một lần nữa đã khẳng định tinh thần, khí phách Bà Trưng, Bà Triệu trong thời đại Hồ Chí Minh – Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang và sẽ mãi mãi lưu danh cùng sử sách, được lớp, lớp thế hệ người Việt Nam trân trọng, ghi nhớ, biết ơn…”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu tại cuộc gặp mặt. 

Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, để bù đắp một phần mất mát lớn lao đó, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta luôn quan tâm, thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng nói chung, chính sách đối với các Mẹ VNAH nói riêng một cách thiết thực, hiệu quả. Nhiều chế độ, chính sách ưu đãi, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất các Bà mẹ VNAH. 

Cho đến nay, Quân đội đang nhận phụng dưỡng 2.867 Mẹ VNAH, với những việc làm thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí....

 Uống nước nhớ nguồn là đạo lý muôn đời của người Việt...

Từ năm 2010 đến nay, các đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động vận động các nguồn đóng góp Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" được trên 620 tỷ đồng; xây dựng hơn 11.000 nhà tình nghĩa; tạo việc làm cho hơn 833 trường hợp là vợ, con liệt sĩ , con thương binh; tham gia tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ với trên 11.200 ngày công, số tiền trên 18 tỷ đồng; tặng trên 8.236 sổ tiết kiệm, với số tiền 18 tỷ đồng; tặng trên 8.236 sổ tiết kiệm, với số tiền 17 tỷ đồng, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 240 nghìn đối tượng chính sách với số tiền trên 14 tỷ đồng; hỗ trợ các trung tâm thương binh gần 100 tỷ đồng… 

“Những việc làm trên của cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng nói chung, đối với các Mẹ VNAH nói riêng. Đồng thời, qua đó giáo dục cho cán bộ chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả, nhớ người trồng cây”, lòng biết ơn vô hạn đối với các Mẹ VNAH, anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, những người đã hiến dâng xương máu, người thân, ruột thịt của mình để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do như hôm nay, Thứ trưởng Lê Chiêm nhấn mạnh. 

 Đại diện Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng quà các mẹ.

Chiều nay, 24/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có buổi gặp mặt tri ân 300 đại biệu Mẹ VNAH.

Sáng mai, 25/7, Chương trình Gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017) sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình quốc gia Việt Nam.  

Mẹ VNAH giữa thời bình

Trong số 300 Mẹ VHAH tại buổi gặp mặt có một Mẹ VNAH rất trẻ, vết tích thời gian chưa kịp hằn lên khuôn mặt, nhưng chỉ cần nhìn đôi bàn tay gầy đang lặng lẽ xiết chặt chiếc vòng tràng hạt cũng đủ để hiểu xúc cảm đang trào dâng trong lòng người mẹ. 

 Mẹ VHAH Trần Thị Chinh.

“Cách đây hơn 2 năm, ngày 3/3/2018, Thủy điện An Khê Ka Nak thông báo xả lũ để sửa kênh dẫn dòng. Tuy nhiên, một tài xế xe tải chở mía đã cố tình đi qua đập tràn phía dưới thân đập thủy điện. Lúc đi qua đập, nước lũ bất ngờ dâng cao và xe bị chết máy, nằm giữa dòng nước lũ.

Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ của tỉnh Gia Lai và thị xã An Khê ra cứu tài xế xe tải. Trong lúc cứu người, Thượng sĩ Bùi Minh Quý (sinh năm 1993) đang công tác tại Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Thị xã An Khê, Công an tỉnh Gia Lai đã bị nước lũ cuốn trôi và hy sinh. Đó là đứa con trai độc nhất của tôi…”, kể lại câu chuyện về đứa con trai duy nhất đã hy sinh trong thời bình của mình, nước mắt Mẹ VHAH Trần Thị Chinh 62 tuổi, ở thôn Lác Nội, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, lại trào ra. 

Trong Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Thị xã An Khê, Thượng sĩ Bùi Minh Quý luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Còn trong cuộc sống, anh sống rất tình cảm và được anh em đồng đội, mọi người yêu quý. Hoàn cảnh gia đình của Quý rất khó khăn. Anh là con độc nhất trong gia đình nghèo, cha bị bệnh tâm thần, mẹ lại hay ốm đau. Khi hy sinh Thượng sĩ Quỹ đang hoàn tất các thủ tục để kết nạp Đảng và anh cũng có người yêu ngay tại xã An Khê với dự định sẽ cưới nhau trong năm…

Đọc thêm