Các bước cấp cứu khi bị ngộ độc thuốc

(PLO) - Ở Việt Nam hiện chưa quy định nghiêm về việc mua thuốc phải có đơn của bác sĩ. Do đó, mỗi khi có bệnh, nhiều người thường không đi khám bác sĩ mà tự ý đi mua và sử dụng thuốc một cách “vô tội vạ”, dẫn đến tình trạng hôn mê hay ngộ độc thuốc. 
Người bị ngộ độc thuốc thường có những dấu hiệu sau: Hơi thở ra có thể có mùi thuốc; nạn nhân khó thở, ngứa họng, ngứa mũi, có khi thở chậm hoặc gấp hơn bình thường; nhịp tim đập nhanh, không đều, ngắt quãng. 
Trường hợp nhẹ, nạn nhân nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí nôn ra máu, Ngoài ra, nạn nhân có thể bí tiểu, nước tiểu màu đỏ hồng (ra máu) hoặc đen, xanh, vàng tùy loại thuốc. 
Trường hợp nặng, nạn nhân có thể bị co giật, mê sảng hay hôn mê.  Nạn nhân có thể không tiểu được, mờ mắt, ù tai, đồng tử ở mắt có thể giãn to hoặc co lại nhỏ hơn bình thường, da khô, xanh tím, sốt cao hay hạ thân nhiệt, chân tay lạnh, vã mồ hôi… 
Nếu nạn nhân còn tỉnh, cần giúp nạn nhân nôn ra để loại bỏ chất độc. Hãy móc họng, đè gốc lưỡi để kích thích gây nôn; cho nạn nhân uống nước muối pha thật đậm để gây phản xạ nôn hoặc cho nạn nhân uống 30ml siro Ipeca rồi uống khoảng 300 ml nước (nếu là trẻ em thì cho dùng một nửa liều này). Nếu nạn nhân hôn mê, cần đặt ở tư thế nằm đầu thấp và nghiêng một bên để tránh tình trạng hít sặc các chất nôn.
Không được gây nôn trong trường hợp có co giật, uống phải dầu hỏa, axit, người suy tim nặng, phụ nữ mang thai quá to. Không tự cho uống các thuốc “kháng độc” khi chưa biết rõ loại thuốc gây độc.
Nếu nạn nhân ngừng tim, ngừng thở, trước tiên phải phục hồi lại chức năng hô hấp, tuần hoàn cho nạn nhân bằng cách hô hấp nhân tạo. Sau khi xử lý tạm thời, hãy chuyển nạn nhân đến bệnh viện ngay lập tức. Khi đi nhớ mang theo mẫu dịch nôn của nạn nhân để bệnh việc xác định chất gây ngộ độc.

Đọc thêm