[links()]Hoạt động dạy nghề đang gặp nhiều bất cập. Theo Bộ trưởng bộ LĐ- TB&XH, tới đây sẽ có nhiều giải pháp tháo gỡ vấn đề này. Bộ trưởng đã chia sẻ:
Để đạt được các mục tiêu tổng quát cũng như những mục tiêu cụ thể của hoạt động dạy nghề, tới đây Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề. Bên cạnh việc Sửa Luật Dạy nghề và các quy định liên quan đến dạy nghề trong các Bộ luật, Luật thì việc Đổi mới chính sách tài chính về dạy nghề cần theo hướng: có chính sách thu học phí phân biệt theo nghề và trình độ đào tạo; thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo cho các cơ sở dạy nghề, không phân biệt hình thức sở hữu.
Ngân sách nhà nước tập trung cho những cơ sở dạy nghề trọng điểm,nghề trọng điểm, (đầu tư đồng bộ), các vùng khó khăn, vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.. phát triển chương trình; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, nhóm yếu thế trong xã hội và phổ cập nghề cho người lao động. Có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển dạy nghề.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền |
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn lực, cần đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển dạy nghề bao gồm, nhà nước, doanh nghiệp, người học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó nguồn ngân sách nhà nước là quan trọng; nâng tỷ lệ chi cho dạy nghề trong tổng chi từ Ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo lên 12% - 13%. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập.
Những bất cập trong chất lượng dạy nghề cũng sẽ được khắc phục bằng tăng cường kiểm định chất lượng dạy nghề theo hướng Nhà nước quản lý chất lượng dạy nghề chung toàn quốc; các Bộ, ngành, UBND các cấp, các đơn vị chủ quản, cơ sở dạy nghề có trách nhiệm đảm bảo chất lượng dạy nghề trong phạm vi quản lý. Cùng đó, là thực hiện kiểm định cơ sở dạy nghề và kiểm định chương trình.
Các cơ sở dạy nghề chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng dạy nghề; đảm bảo chuẩn hoá “đầu vào”, “đầu ra”; tự kiểm định chất lượng dạy nghề và chịu sự đánh giá định kỳ của các cơ quan kiểm định chất lượng dạy nghề. Tới đây, sẽ thành lập Cục kiểm định chất lượng dạy nghề thực hiện chức năng quản lý đảm bảo chất lượng dạy nghề; xây dựng 03 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề vùng ở 3 vùng; phát triển một số trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề do tổ chức, cá nhân thành lập.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp được chú trọng là gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của DN. Phải xác định DN có trách nhiệm chính trong việc đào tạo nghề cho DN của mình (tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động của DN; phối hợp với cơ sở dạy nghề để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo); có trách nhiệm đóng góp vào quỹ hỗ trợ học nghề; đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề (xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề…).
P.V (ghi)