Các trạm thu phí quá dày đặc
Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc thực hiện các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT đã giúp diện mạo hệ thống giao thông có chuyển biến rõ rệt, giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, việc tham vấn ý kiến khi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thu phí trên đường hiện hữu chưa được quy định cụ thể đã làm hạn chế quyền của người dân. Mặt khác, việc chưa có quy định để người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cấp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước đã làm hạn chế chất lượng cung ứng dịch vụ và khó khăn trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ đối với doanh nghiệp dự án BOT.
Liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí và khoảng cách giữa các trạm, ông Thanh cho biết, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trên các tuyến quốc lộ có 88 trạm thu phí, Bộ GTVT quản lý 74 trạm , UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Theo quy định của Thông tư 159, trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và khoảng cách giữa các trạm bảo đảm tối thiểu 70km, trường hợp nhỏ hơn 70km Bộ GTVT phải thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra 2 tình trạng như: Trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án hay cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án; Khoảng cách giữa các trạm thu phí dưới 70 km…
Lấy dẫn chứng đường từ Hà Nội về Thái Bình khoảng 100 km mà có 4 trạm thu phí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, các trạm thu phí quá dày đặc. Ngoài ra còn có trường hợp thu đường chính xong lại thu ở đường nhánh nên người dân vô cùng bức xúc. Chưa kể có những dự án lúc đầu là BT, lại chuyển sang BOT. “Vậy 13 tồn tại trách nhiệm thuộc về đâu? Giám sát thì phải chỉ rõ địa chỉ chứ không thể “bắn chỉ thiên”- ông Phúc đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói: “Hà Nội-Thái Bình mà có đến 4 trạm thu phí, riêng huyện Kiến Xương chỉ cách nhau 200m mà có đến 2 trạm thu phí vừa BT, vừa BOT. Chưa kể có trường hợp người dân không tham gia giao thông nhưng vẫn phải đóng phí, như việc dân đi từ cầu này sang cầu kia nhưng phải “cõng” phí cho 25km.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, vấn đề chính của vướng mắc trên là do chủ quan muốn làm nhanh, không quan tâm đến quy hoạch BOT. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, những mặt thiếu sót có khách quan nhưng phần lớn do chủ quan là chủ yếu. Thời gian hoàn vốn ghi không rõ, thu cũng được mà chưa thu được cũng không sao.
Thiếu sự công khai, minh bạch
Về vấn đề thu phí, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều đoạn giao cắt đồng mức. Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi). Hình thức thu phí hở không bảo đảm kiểm soát được lưu lượng xe thực tế và gây khó khăn cho người dân địa phương nơi gần trạm thu phí khi thường xuyên phải di chuyển qua trạm. Một số dự án xuất hiện tình trạng xe đi vào các tuyến đường của địa phương để tránh trạm thu phí gây mất an toàn giao thông và hư hỏng các tuyến đường của địa phương quản lý.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, công tác thu phí, cũng như khoảng cách đặt trạm thu phí và mức thu phí bị dân phản ánh đều liên quan chủ yếu đến công tác quản lý của cơ quan nhà nước thiếu sự công khai, minh bạch. “Như ở Cai Lậy, lái xe phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ nộp tiền phí dẫn đến tắc đường. Vì vậy cần phải làm rõ thêm nguyên nhân tại đâu? Kiểm tra, kiểm toán như thế nào? Ở đây cần vai trò của các cơ quan trong thanh kiểm tra của Nhà nước để xử lý nghiêm vi phạm”- Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được hoàn thiện đồng bộ, chưa có cuộc đánh giá tổng kết nào về việc thực hiện BOT dẫn đến chưa tổng kết mà đầu tư ồ ạt như phong trào. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các trạm thu phí phải cách nhau 70 km theo quy định, còn nơi nào nhỏ hơn thì Bộ Tài chính phải trao đổi với địa phương. Cần phải rà soát để xử lý tổng thể tránh trường hợp như trạm Cai Lậy; đồng thời cần nâng cao hơn nữa trong việc giám sát và việc thực thi. phạm diệu.
Giải trình về dự án Cai Lậy (Tiền Giang), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết: Khi triển khai dự án, Bộ và địa phương đã thẩm định, lấy ý kiến với quy trình đầy đủ từ HĐND, đoàn ĐBQH, lãnh đạo địa phương và Hiệp hội vận tải. Những ngày vừa qua người dân nơi đây và chính quyền không ai có ý kiến gì cả, duy nhất chỉ có 7 doanh nghiệp tại địa phương khác phản ứng. Chiều 15/8, Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ sẽ làm việc với nhà đầu tư và đề xuất của địa phương và người dân sẽ được giải quyết. Xe máy sẽ được miễn phí, còn 1 số người có ô tô thì xem xét theo khu vực. Chúng tôi sẽ giải quyết đồng bộ. Hiện Bộ đã có phương án giải quyết và sẽ báo cáo Chính phủ.