Các loại hành vi bạo lực gia đình: Cần quy định cụ thể, đầy đủ hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái” - đó là khái niệm có thực và đang diễn ra khá nhiều trong xã hội nhân danh một kinh nghiệm lâu đời “thương cho roi cho vọt”. Những đứa trẻ - nạn nhân của “bạo lực lời nói” thường bị tác động rất rõ rệt trong việc hình thành nhân cách của các em sau này.
Một tiểu phẩm do học sinh TP HCM tuyên truyền về quyền trẻ em.
Một tiểu phẩm do học sinh TP HCM tuyên truyền về quyền trẻ em.

Tác hại của ngôn từ miệt thị

Ở chuyên mục Sức khỏe vị thành niên của trang thông tin Bệnh viện Từ Dũ đề cập đến một trường hợp bé gái 12 tuổi đến khám trầm cảm. Câu chuyện giữa bé và bác sĩ tâm lý đã mở ra một sự thật rằng ở nhà bé thường xuyên bị cha mẹ dùng ngôn từ miệt thị. “Hễ thấy con làm sai cái gì, ba mẹ cũng mắng là “đồ ăn hại, ngu như bò” nên lúc nào con cũng nghĩ mình ngu đần, không dám chơi với các bạn học giỏi” - bé cho biết.

Vốn học giỏi, tính tình hoạt bát, song dạo gần đây bé trở nên ít nói và ngại giao tiếp hẳn. Ngoài những giờ học trên lớp, về đến nhà cô bé chỉ nhốt mình trong phòng không chịu nói chuyện với ai. Đến khi thấy con gái có dấu hiệu bị trầm cảm, mẹ bé mới hoảng hốt đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ.

Hiện nay, nhiều cha mẹ vẫn nhầm lẫn hành vi bạo lực có thể chấp nhận để giáo dục, dạy bảo con, trong đó có việc mắng chửi, chì chiết con, thậm chí là hạ thấp nhân cách của con trước đám đông. Những bậc cha mẹ này đều nhân danh một kinh nghiệm lâu đời được truyền lại là “thương cho roi cho vọt”.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự ảnh hưởng từ phát ngôn của người lớn đến tâm trí trẻ là có thật. Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh - chuyên viên tư vấn Trung tâm Nhịp cầu Hạnh phúc nhìn nhận, trẻ em dưới 18 tuổi là giai đoạn đang tiếp nhận các yếu tố xã hội để hình thành nên nhân cách.

Bởi các em như một tờ giấy trắng với một tâm hồn non nớt và dễ bị tổn thương, nên những lời nói của người lớn có tác động rất rõ rệt trong việc hình thành nhân cách của các em sau này. Thế nên, phải chăng vấn đề trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em cần được nhìn nhận như một kiểu bạo lực gia đình và chịu chế tài của pháp luật?

“Trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em” là bạo lực gia đình

Vấn đề này đã được đưa ra trong buổi hội thảo tham vấn sự tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các tổ chức xã hội trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) sửa đổi do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức có sự tham gia của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan soạn thảo luật và đại diện gần 40 tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ quyền của người khuyết tật.

Theo bà Nguyễn Thu Hà, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì ở nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, trẻ em là nạn nhân của các hành vi BLGĐ. Tuy nhiên, Luật PCBLGĐ năm 2007 chỉ đề cập tới vấn đề bảo vệ nạn nhân của BLGĐ nói chung chứ chưa tập trung cụ thể vào trẻ em.

Đại diện Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em, bà Nguyễn Hải Anh – Quản lý dự án MSD cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của BLGĐ là sự thiếu hụt về kỹ năng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Do đó, cần có các biện pháp để thay đổi những quan niệm mang tính “chấp nhận”, “cổ vũ” cho BLGĐ với trẻ em và mang tính định kiến giới như: “thương cho roi cho vọt”...

Theo các chuyên gia, dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi cần giải thích thêm khái niệm “trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em” là BLGĐ do có nhiều cha mẹ vẫn nhầm lẫn đây là hành vi có thể chấp nhận để giáo dục, dạy bảo con trong gia đình.

Dự thảo Luật cần quy định cụ thể và đầy đủ hơn các loại hành vi BLGĐ, bao gồm cả các hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em; các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Dự thảo Luật cần chú trọng các biện pháp phòng ngừa BLGĐ (bao gồm cả phòng ngừa hành vi BLGĐ xảy ra và phòng ngừa tái diễn hành vi BLGĐ) như tuyên truyền, giáo dục, trang bị cho người có hành vi BLGĐ các kỹ năng để thay đổi hành vi ứng xử, sử dụng các biện pháp phi bạo lực để giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong gia đình; áp dụng phương pháp giáo dục tích cực thay vì các biện pháp giáo dục “dựa trên nỗi sợ”, kỷ luật theo kiểu “trừng phạt” trẻ em…

Theo bà Hoàng Thị Tây Ninh, đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) thì các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần vẫn chưa được xác định đúng là bạo lực trẻ em. Trong khi nhiều nước đã bao gồm vấn đề này trong luật thì Việt Nam chưa quy định rõ, chính vì thế đưa việc cấm, chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần với trẻ em vào dự thảo Luật PCBLGĐ sẽ là một bước tiến cụ thể của Việt Nam trong bảo vệ và hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện.

Để thu thập thêm ý kiến của trẻ em về dự thảo Luật PCBLGĐ, MSD đã thực hiện khảo sát với gần 5.500 trẻ em và thực hiện thảo luận sâu với các nhóm trẻ em tại các tỉnh, thành phố. Ông Mai Đức Vũ – chuyên gia thực hiện khảo sát này đã chia sẻ một số phát hiện chính từ khảo sát này: “Dưới góc nhìn của trẻ, các hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần chính là bạo lực; những “ông bà, bố mẹ hay áp dụng các biện pháp phạt khiến trẻ cảm thấy đau đớn, sợ hãi, tổn thương” được trẻ lựa chọn là nhóm đối tượng có nguy cơ gây ra BLGĐ cao thứ hai (có tới 66,9% số trẻ lựa chọn).

Và “trở ngại lớn nhất mà trẻ cho rằng mình có thể gặp phải khi báo tin hoặc tìm kiếm sự trợ giúp là “Em không biết là mọi người có tin những điều mình nói hay không và có giúp mình không?” (59%). Trở ngại lớn thứ hai đối với trẻ là trẻ “Không biết ai, cơ quan nào có thể giúp đỡ những người bị bạo lực để liên hệ” (52%)”.

Đọc thêm