Các sự kiện đón Tết Tân Sửu trên cả nước

(PLVN) - Từ đầu tháng 1/2021, nhiều chương trình Tết được tổ chức trên cả nước như Đón xuân vùng cao, Hội chữ xuân hay Đường hoa Nguyễn Huệ.

Tại Hà Nội, từ đầu tháng 1/2021, tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức chương trình Đón xuân vùng cao, với hàng loạt trải nghiệm đón tết cổ truyền theo phong tục đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động tái hiện tết Gơ rơ của đồng bào Khơ Mú, thưởng thức điệu xòe ngày xuân và các trò chơi dân gian xuân vùng cao phía bắc... mang đến sắc màu đa dạng cho khách tham quan.

Du khách liên hệ đặt phòng và các dịch vụ tại đây trước khi đến. Giá thuê nhà sàn ggười lớn: 100.000 đồng/ người/đêm. Học sinh (6-18) tuổi nửa giá vé. Nười già trên 60 tuổi, sinh viên: 70.000 đồng/ người/đêm.

Tái hiện Lễ Khù sự chà của dân tộc Hà Nhì. Ảnh: Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tái hiện Lễ Khù sự chà của dân tộc Hà Nhì. Ảnh: Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Từ 4/2 đến 1/3, tại Hoàng thành Thăng Long, chương trình Tân Sửu nghênh xuân được tổ chức. Du khách hình dung rõ hơn về tết cổ truyền trong cung đình xưa qua nghi lễ Tiến xuân ngưu, thông qua mô hình thần câu mang tế Xuân, Xuân ngưu vua ban trong nghi lễ ngày lập Xuân thời Lê Trung Hưng. Bên cạnh là hoạt động trải nghiệm, tương tác Phẩm vật nghênh xuân, xin chữ đầu xuân, tô tranh dân gian, nặn tò he, làm hoa đào, hoa mai... cùng nghệ nhân.

Giá vé tham quan ở đây là 30.000 đồng/ người lớn. Học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên và người từ 60 tuổi trở lên, giá vé là 15.000 đồng. Trẻ dưới 15 tuổi miễn phí.

Hội chữ Xuân Tân Sửu diễn ra từ 5/2 đến 21/2 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang chủ đề "Đạt Tài". Đã thành thông lệ, sự kiện là không gian trưng bày thư pháp, nơi du khách tham quan, xin chữ ông đồ, bên cạnh trải nghiệm nghệ thuật diễn xướng và các trò chơi dân gian tết.

Giá vé tham quan Văn Miếu là 30.000 đồng với người lớn, trẻ em là 10.000 đồng. Giá giấy cho mỗi bức thư pháp từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, tuỳ độ phức tạp.

Chương trình "Tết Việt – Tết phố 2021" diễn ra từ ngày 6/2 trong không gian đi bộ Hà Nội, do Ban Quản lý Phố cổ kết hợp với câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức. Ở đây diễn ra các hoạt động như rước lễ ra đình, nghi lễ cúng Thành Hoàng, lễ dựng cây nêu, diễu hành trên trang phục áo dài, dọc các tuyến phố như Phùng Hưng, Đào Duy Từ, Mã Mây...

Tại TP Đà Nẵng, Toom Sara Fest - Chợ Tình tổ chức trong 3 ngày 14 – 16/2 tại ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, Hòa Vang. Sự kiện nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa Cơ Tu, tạo sinh kế cho người dân. Du khách tới đây hòa mình vào các hoạt động trải nghiệm như: lễ dạm ngõ, trò chơi cổ truyền, lễ mừng lúa mới truyền thống, trò chơi dân gian...

Tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Lễ hội ẩm thực và du lịch - Xuân Tân Sửu 2021 được tổ chức từ ngày 29 đến 31/1. Sự kiện giới thiệu tinh hoa ẩm thực, sản vật đặc sắc của tỉnh cùng các gói tour du lịch kích cầu ưu đãi, dự kiến thu hút 50.000 du khách tham quan, mua sắm.

Hàng nghìn du khách tham quan đường hoa Nguyễn Huệ tết Canh Tý. Ảnh: Hữu Khoa.

Hàng nghìn du khách tham quan đường hoa Nguyễn Huệ tết Canh Tý. Ảnh: Hữu Khoa.

Tại TP HCM, Đường hoa Nguyễn Huệ mở cửa từ 9/2 đến 15/2 phục vụ nhu cầu du xuân, chụp ảnh của người dân, du khách. Năm nay, đường hoa trang trí linh vật con trâu, đại cảnh hoa tươi mang đặc trưng văn hóa vùng đồng bằng châu thổ Nam bộ.

Lễ hội Tết Việt diễn ra từ 21/1 đến 24/1 tại Công viên Lê Văn Tám. Trong 4 ngày sự kiện, du khách có cơ hội tìm hiểu về truyền thống ăn, chơi, sắm Tết 3 miền. Ngoài ra là thưởng thức tinh hoa ẩm thực, phong tục tập quán và tham gia trò chơi dân gian...

Tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Từ 22/1 đến 27/1 diễn ra Tuần lễ văn hóa du lịch 2021 với chủ đề "Sa Đéc – Phố và Hoa", tại trung tâm hoa kiểng Sa Đéc. Trung tâm đã bắt đầu trang trí đón khách theo 5 nội dung lớn: trên bến dưới thuyền, gạo trắng - bánh ngon, xứ sở hoa hồng, lãng mạn người tình, xứ sở hạnh phúc. Nhiều loại hoa chủ lực ở đây là cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger,... dự kiến sẽ nở rộ đúng dịp Tết Nguyên đán.

Ngọc Diệp

Đọc thêm