Các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An cấp tập chống bão số 7

(PLVN) -Các tỉnh Nam Định đến Nghệ An đã triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bão số 7.
Tàu thuyền về neo đậu an toàn trú tránh bão. Ảnh Báo Nghệ An.
Tàu thuyền về neo đậu an toàn trú tránh bão. Ảnh Báo Nghệ An.

Ngày 14/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình có Công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành của tỉnh ứng phó với bão số 7.

Theo đó, các đơn vị phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban PCTT&TKCN tỉnh. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 5h ngày 14/10; khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. 

UBND huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện…; di rời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm, vùng bãi thấp ven cửa sông; kiểm tra nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học, kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, cửa sông. Các việc này phải hoàn thành trước 10h ngày 14/10.

Ngoài ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu khẩn trương nhanh gọn lúa, hoa màu có thể thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại xảy ra. Ngoài ra, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Tại Nam Định, UBND tỉnh cũng ra Công điện khẩn gửi UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Theo đó, Công điện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú đảm bảo an toàn. Thực hiện cấm biển từ 19h ngày 13/10; cấm các hoạt động vui chơi giải trí tại các khu du lịch ven biển và yêu cầu người dân di dời khỏi chòi canh vây vạng vào bờ trước 7h ngày 14/10…

Tính đến 15h ngày 13/10, khoảng 70% tàu, thuyền đã cập bến an toàn. Các địa phương ven biển đang tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn.

Hiện toàn tỉnh Nam Định có 2.173 tàu thuyền khai thác thủy sản. Trong đó huyện Giao Thuỷ có 964 chiếc, huyện Hải Hậu 638 chiếc, huyện Xuân Trường 1 chiếc, huyện Nghĩa Hưng 517 chiếc, Trực Ninh 53 chiếc.

Trong khi đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam yêu cầu ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại, tránh để lúa bị ngập đổ hư hỏng do mưa úng.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam, Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Nam chủ động tiêu rút nước đệm, sẵn sàng tiêu úng hiệu quả cho diện tích trồng cây vụ đông, đồng thời xây dựng kế hoạch bơm tiêu úng cụ thể, chi tiết cho các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghiệp Đồng Văn, vùng trũng, vùng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài.

Ngoài ra, công ty Điện lực Hà Nam bảo đảm nguồn điện phục vụ bơm tiêu úng và thông tin liên lạc. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam bố trí thời lượng đưa tin về bão số 7 để nhân dân trong tỉnh biết, chủ động ứng phó.

Việc ứng phó với bão số 7 cũng được tỉnh Thanh Hóa triển khai cấp tập. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cập nhật thường xuyên thông tin, thông báo cho thuyền bè để chủ động phòng tránh. Ngoài những phương án như rà soát, sơ tán dân đang sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, kiểm tra đê điều, cắt tỉa cành cây, gia cố nhà cửa thì UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức cấm biển từ 19h ngày 13/10 đến khi bão suy yếu và tan dần.

Kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa, lũ gây chia cắt dài ngày. Ngành Điện lực ưu tiên cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu, cống tiêu; đồng thời, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải điện.

Rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai; đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Những biện pháp phòng, chống trên cũng được tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân trong công điện số 36/CĐ-UBND sáng 14/10.

Đọc thêm