Các trò chơi dân gian không thể nào quên dịp Tết Trung thu

(PLO) -Tết Trung thu được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Tết Trung thu là dịp để con trẻ thỏa sức chơi đùa dưới ánh trăng rằm, do vậy Tết Trung thu còn được gọi là Tết trông trăng hay Tết thiếu nhi. Trong ngày này rất nhiều các trò chơi dân gian được tổ chức rộng khắp trên cả nước.
Các trò chơi dân gian không thể nào quên dịp Tết Trung thu

Múa Lân

Múa Lân Tết Trung Thu là một tục lệ xuất xứ từ Trung Hoa có từ hàng ngàn năm trước. Theo dân gian, Kỳ Lân là con vật thần thoại huyền bí, mình hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng trên trán, lông trên lưng màu ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng.

Đó là con vật rất hiền (còn gọi là nhân thú), không đạp lên cỏ cây, không làm hại vật sống. Kỳ Lân chỉ xuất hiện khi có Thánh nhân ra đời hoặc dưới thời thái bình thịnh trị.

Như vậy trò múa Lân trong đêm Trung Thu tượng trưng cho sự xuất hiện của Kỳ Lân, cũng là sự cầu mong đất nước thái bình, thịnh trị, nhà nhà gặp nhiều may mắn.

Rước đèn ông sao

Tại nông thôn người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm Trung thu. Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm.

Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn. Cùng đèn ông sao, ngày nay, đèn được làm đa dạng với các hình thù khác nhau: đèn ông sư, đầu sư tử, đèn hình con cá, hình con thỏ…

Cùng với rước đèn, mỗi em thiếu nhi cầm trên tay một đồ chơi tinh nghịch cho riêng mình: mặt nạ các nhân vật hoạt hình khác nhau.Những chiếc mặt nạ này thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh.

Đèn kéo quân

Cây đèn kéo quân có mục đích ban đầu là để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước. nên hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận ( nguồn gốc của tên gọi "kéo quân").

Về sau người ta mở rộng nhiều đề tài khác như thêm ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu,… và đến nay là các yếu tố hiện đại hoặc giải trí như Tôn Ngộ Không, mèo máy Đôrêmon, thủy thủ Mặt Trăng…

Phá cỗ

Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến.

Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai...và bưởi là thứ quả không thể thiếu được.

Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình.

Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Làm đồ chơi Trung Thu

Mặt nạ, đèn ông sư, đèn ông sao và đầu sư tử là các loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Tại miền Nam, hai thành phố Hội An và Sài Gòn nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu. 

Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 - 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng... cho trẻ em trong gia đình. 

Ngoài ra còn có các mô hình tàu thủy đồ chơi. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh... 

Ngày nay, khi đất nước mở hội nhập, cùng theo đó là sự giao thoa giữa các nền văn hóa với nhau, điều đó đã làm mai một dần những trò chơi dân gian trong dịp tết Trung Thu. Thay vào đó là những hoạt động vui chơi khác. Đồ chơi Trung Thu cũng vì thế mà trở nên dạng, phong phú hơn trước.

Đọc thêm