Các trường ngoài công lập có thể tuyển sinh riêng?

Hiệp hội các trường ĐH NCL mới có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận để “kêu cứu” về nguy cơ đóng cửa hàng loạt trường thuộc khối này. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường NCL có thể đề xuất phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển hay thi tuyển ngay trong mùa tuyển sinh năm nay…

Hiệp hội các trường ĐH NCL mới có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận để “kêu cứu” về nguy cơ đóng cửa hàng loạt trường thuộc khối này. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường NCL có thể đề xuất phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển hay thi tuyển ngay trong mùa tuyển sinh năm nay…

- Ý kiến của Bộ thế nào về đề xuất được thực hiện phương án tuyển sinh riêng theo Luật Giáo dục Đại học?

- Bộ GD- ĐT và Hiệp hội đã trao đổi về hai vấn đề lớn: Hỗ trợ như thế nào để các trường ngoài công lập tuyển sinh được đủ chỉ tiêu; và cơ chế chính sách giúp các trường phát triển, tháo khỡ khó khăn vướng mắc cơ chế đất đai, thuế, đầu tư, cơ sở hạ tầng.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bùi Văn Ga

Có hai khả năng hỗ trợ các trường NCL tuyển sinh trong năm nay. Thứ nhất là các trường NCL phải gấp rút xây dựng phương án tuyển sinh riêng để bộ xem xét. Nếu đề án tốt, bộ sẽ phê duyệt ngay trong năm nay. Theo đúng Luật Giáo dục Đại học, các trường có thể đưa ra phương án tuyển sinh riêng. Bộ ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng: thi, xét tuyển hoặc kết hợp, làm như thế nào thuyết phục, đảm bảo công bằng, không xảy ra học thêm dạy thêm, để xã hội có thể yên tâm về chất lượng.

- Khi thực hiện phương án tuyển sinh riêng, liệu có khả năng sẽ xảy ra tình trạng phân biệt bằng cấp?

- Chính vì vậy Bộ khuyến cáo các trường hết sức cân nhắc. Nếu đưa ra phương án tuyển sinh dễ dãi thì có thể lợi được một vài năm nhưng hậu quả lâu dài ảnh hưởng uy tín của các trường nếu xã hội không chấp nhận nhà trường và người học, khó khăn sẽ trầm trọng hơn và có thể bế tắc. Áp dụng cơ chế riêng thậm chí có thể ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng các trường NCL.

Như vậy việc xử lí sẽ càng khó khăn hơn. Ví dụ xét tuyển và không thi tuyển, xã hội sẽ đánh giá chất lượng đầu vào thấp và đầu ra sẽ không được như thi “3 chung”. Tuy nhiên, luật không cấm, nếu các trường có phương án cụ thể, Bộ thấy hợp lí sẽ cho triển khai. Hiện các trường năng khiếu đã cho phép tuyển sinh theo phương thức đặc thù.

- Vậy phương án Hiệp hội đề xuất nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học vì sao không thực hiện được?

- Không ghép 2 kỳ thi làm một vì tính chất khác nhau. Nếu dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển CĐ, ĐH thì yêu cầu khác đi, đề phân loại chọn được thí sinh ở ngành nghề khác nhau, tính nghiêm túc, công tác chấm thanh tra thi sẽ khác nhiều hiện nay. Cần có bước chuẩn bị nghiên cứu thận trọng chưa thể áp dụng ngay trong năm 2013.

Có thể sau năm 2015, chất lượng giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp cải thiện, SGK đã đổi mới thì một số trường sẽ có thể xét đến phương án này. Với các trường tốp trên, các trường có thể thi nhiều môn. Việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét có thể tính đến.

- Nếu các trường chọn phương án xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm nay?

- Hiện nay Bộ cho phép các trường khối nghệ thuật xét tuyển 3 năm phổ thông môn Văn hoặc căn cứ ở điểm thi tốt nghiệp nhưng đã có nhiều ý kiến không thi mà xét tuyển sẽ dẫn tới chất lượng không tốt.

Nếu các trường ngoài công lập xét tuyển đầu vào ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp hay kết quả học tập THPT thì cần lường trước dư luận đánh giá chất lượng của học sinh vào theo diện này. Nếu xã hội không chấp nhận đầu ra như vậy sẽ ảnh hưởng uy tín các trường.

- Vậy phương án tuyển sinh riêng như thế nào thì sẽ được Bộ chấp nhận?

- Yêu cầu cụ thể khi giao cho các trường tuyển sinh riêng là phải đảm bảo công bằng, không phát sinh thêm căng thẳng mới cho xã hội. Có thể thi 1 trong 3 đợt, không tổ chức thêm đợt thi. Không để tái diễn luyện thi và phải có cơ chế kiểm tra, giám sát của xã hội. Xét tuyển phải chứng minh tốt hơn thi tuyển.

ĐH RMIT, Việt Đức hiện cũng chỉ xét tuyển mà không thi nhưng điều kiện ngoại ngữ phải đảm bảo học bằng tiếng nước ngoài. Chất lượng ngoại ngữ cao hơn các trường khác Bộ mới yên tâm. Mục đích cuối cùng là phải đảm bảo quyền lợi người học, đừng để sau này có ý kiến không nhận sinh viên trường này trường kia.

- Nếu vì một số lý do vẫn có những trường không tuyển sinh được dẫn đến nguy cơ giải tán, thì khi đó bộ có cứu trường bằng mọi cách?

- Thay đổi cách tính điểm, phương án tuyển sinh mới…để giúp các trường có thêm nguồn tuyển chỉ là biện pháp trước mắt. Để có thể thu hút sinh viên, về lâu dài các trường NCL chỉ còn cách nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo. Chất lượng là ưu tiên số một. Không thể để một vài trường không tuyển sinh được mà ảnh hưởng tới điều này. Thời gian vừa qua, dư luận xã hội cũng như Chính phủ đã nhận thấy quy mô GD ĐH phát triển quá nóng.

Với mức độ phát triển như hiện nay thì mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam đạt 450SV/ vạn dân cần phải tính toán lại. Chính vì vậy, mục tiêu này không được ghi trong chiến lược phát triển GD từ 2011- 2020. Nghị quyết TƯ 2 nhấn mạnh chuyển mô hình phát triển các ĐH theo quy mô sang chiều sâu, chất lượng. Do đó, từ nay tới 2020 sẽ có rất ít trường được mở thêm. Có thể một số trường sẽ phải sáp nhập để đủ lớn, tránh manh mún để cùng phát triển- nhất là các địa phương có nhiều trường ĐH, CĐ.  

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Hà My ( ghi)

Đọc thêm