Cách để có thân người đẹp hơn theo giáo lý nhà Phật

(PLO) -Phật dạy khi bỏ thân này, muốn có thân khác đẹp hơn thì phải tạo duyên tốt, như giữ được năm giới trọn vẹn thì đời sau trở lại làm người đủ năm điều kiện tốt: Không sát sinh thì tuổi thọ dài; không trộm cướp thì có nhiều của; không tà dâm thì đẹp đẽ, trang nghiêm; không nói dối thì ngôn ngữ được lưu loát; không uống rượu, xì ke ma túy thì trí tuệ thông minh. Ai muốn đời sau được thân tốt đẹp hơn thân người thì tu Thập thiện.
Không điều gì có thể ngăn được sự chết.
Không điều gì có thể ngăn được sự chết.

Phật dạy xả đừng chấp thân của mình nữa. Điều này dễ hay khó? Xả mấy điểm kia thì còn khả dĩ, xả chấp thân mình thì hơi khó. Mọi người thử ngẫm xem, trong tất cả cái sợ của mình hiện giờ, cái sợ nào là số một? 

Sợ chết là số một. Tại sao mình sợ chết? Vì cố giữ thân, cố chấp thân, nên nghe nói mất đi thì hoảng sợ, do đó khi cái chết đến mình khổ vô cùng.

Ham sống “thiên niên vạn đại”

Chúng ta hãy xét kỹ thân mình hẳn thấy, ai cũng muốn cho nó được tròn một trăm năm. Thời phong kiến còn tham hơn nữa, hàng quần thần chúc vua chúa đến “vạn tuế”, tức là muôn năm.  Chúc “muôn năm” nhưng có ông vua nào sống được muôn năm đâu, có ông còn chết sớm hơn ai hết. Như vậy để thấy, lòng tham sống của con người quá lớn, bởi tham sống cho  nên thấy cái chết là khổ nhất.

Nếu người không tham sống thì chết có khổ không? Đâu có khổ vì họ đâu có sợ. Nên ai cố chấp thân, muốn giữ cho thân lâu dài mà lỡ nó bại hoại thì đau khổ vô cùng. Thân mình đâu có nguyên vẹn từ đầu đến cuối mà nó đổi thay từng tháng, từng ngày, muốn nó còn hoài chẳng khác nào mình nắm một cục nước đá trong tay mà muốn nó đừng tan.

Thân người luôn biến chuyển từng phút giây, đó là nói bình thường; còn nói theo khoa học là nó sinh diệt từng tế bào, lúc nào, phút nào cũng sinh sinh diệt diệt không dừng. Sinh diệt luôn luôn mà bảo nó còn hoài làm sao được. Chấp như vậy có phải là ảo tưởng không?. Ảo tưởng sai lầm mà chúng ta cứ chấp giữ, cho nên khổ vô cùng.

Vậy mà trăm người như một, ai cũng muốn giữ thân lâu dài. Nhiều khi bảy, tám mươi tuổi vẫn muốn sống hoài, không ai muốn chết. Muốn giữ mãi mà có giữ được đâu, giữ không được thì  khổ hay vui? Người lớn tuổi nào cũng thở dài than vắn “khổ quá!  Già yếu bệnh hoạn, khổ quá!” Thật ra già yếu, bệnh hoạn có khổ không?

Có gì đâu mà khổ, nó là như vậy. Hết thời ấu niên đến thời tráng niên, hết thời tráng niên đến  thời trung  niên, hết thời trung niên đến thời lão niên, cứ thế mà đổi dời. Nên khi trẻ mình vui với tuổi trẻ, lúc già mình vui với tuổi già, mai mốt chết thì cười với cái chết, chứ ngồi đó mà than thì ai cứu mình được.

Không ai cứu được thì than hoài làm chi cho khổ vậy? Cứ cười vui, “Ờ! Già tốt”. Nếu đi hai chân không vững thì thêm chân thứ ba nữa. Cứ như vậy mà chống gậy, có gì đâu phải buồn. Xả được cố chấp thì vui, còn nếu giữ thì khổ. Lẽ thực là như  vậy.

Không sợ chết, không khổ

Con người sợ chết nhưng có giữ cho khỏi chết được không? Nếu giữ được thì  cũng nên sợ, giữ không được thì cứ cười vui cho rồi. Mọi người nghĩ nếu lát nữa chết, chúng ta sẽ có cái gì vui? Hiện tại mình biết hết các việc trên thế gian rồi, biết sự sống này rồi.

Người ta nói đi du lịch vui chơi đó đây là tới những chỗ mình chưa biết, còn những chỗ nào biết rồi, đi chán lắm. Chúng ta đã ở trên thế gian mấy chục năm, chán quá rồi, bây giờ đi tới chỗ khác chơi cho vui thì sợ gì.

Khi sắp chết, mình tự nghĩ ta sẽ biết thêm một chỗ mới nữa, vậy là vui chớ không sợ. Chúng ta sống vui với cái sống, chết cũng vui với cái chết, như vậy là an vui, tự tại.

Người không sợ chết thì chết không phải là khổ, sở dĩ khổ là vì cố chấp phải sống, sống chừng nào cũng được, sống hoài. Chấp đến vậy cho nên lỡ ai coi tuổi  hoặc bắt mạch nói bệnh sắp chết liền quên ăn, quên ngủ.

Nếu hiểu được lẽ thật thì chết là vui thôi. “Ờ, tôi ở đây mấy chục năm chán rồi, đi chỗ khác chơi cho vui”. Đó, nghĩ vậy thì  cứ cười mà đi, có tự tại không? Rõ ràng nếu buông xả cố chấp thì chúng ta an vui, còn bám chặt giữ mãi thì chúng ta đau khổ.

Biết tu thì đời hiện tại được an vui, đời sau được tốt đẹp hơn .
Biết tu thì đời hiện tại được an vui, đời sau được tốt đẹp hơn .
 

Cuộc đời là một dòng biến chuyển từ ngoại vật cho tới con người, nó biến chuyển mà mình cố giữ thì có phải là si mê không? Cho nên Phật nói người trí biết được vô thường biến chuyển nên không khổ; còn người ngu, đối với vô thường biến chuyển mà muốn còn nguyên vẹn nên khổ. Bản thân mình phải biến hoại, phải mất, biết  rõ như thế rồi cười với nó, rồi không sợ, là chúng ta khéo tu.

Tu là như vậy, chứ không phải vừa mới bệnh liền chạy tới cầu Phật “cho con sống được năm năm, mười năm”. Phật tử có bệnh tới chùa nhờ quý thầy cầu an, quý thầy cầu cho Phật tử an, còn quý thầy không an thì cầu ai ? Nếu tất cả người bệnh cầu đều được an thì không ai chết hết, nhưng thật ra đâu có chuyện đó.

Kỳ này cầu an là tại họ chưa chết, kỳ sau tới lúc chết thì cầu gì cũng chết thôi, cầu an cũng không khỏi. Như vậy để thấy chúng ta tu là phải nhận ra lẽ thật của cuộc đời, thấy rõ được lẽ thật của bản thân mình, đừng lầm lẫn mới an vui, khỏi phải nhờ ai cầu gì hết, cũng khỏi cần coi tướng coi số làm chi. Cuộc đời là như vậy, không có gì phải lo.

Năm mươi tuổi chết cũng tốt, bảy mươi tuổi chết cũng tốt, tám mươi tuổi chết cũng tốt, không sao hết. Ai rồi cũng chết một lần, chớ có ai chết hoài đâu? Thì thôi lúc nào tới thì đi một lần, chớ đâu có đi hoài mà sợ.

Khéo đón quả phúc

Phật dạy khi bỏ thân này, muốn có thân khác đẹp hơn thì phải tạo duyên tốt, như giữ được năm giới trọn vẹn thì đời sau trở lại làm người đủ năm điều kiện tốt: Không sát sanh thì tuổi thọ dài; không trộm cướp thì có nhiều của; không tà dâm thì đẹp đẽ, trang nghiêm; không nói dối thì ngôn ngữ được lưu loát; không uống rượu, xì ke ma túy thì trí tuệ thông minh.

Nếu thiếu một trong năm giới thì đời sau bất hạnh một phần. Ai muốn đời sau được thân tốt đẹp hơn thân người thì tu Thập thiện.

Như vậy chết không đáng sợ mà chỉ sợ mình không chuẩn bị được khi mất thân này, đến lúc ngã ra chết không làm điều lành, không tạo phước đức thì chừng đó khổ hơn nữa. Cho nên biết tu thì trong cuộc sống hiện tại chúng ta được an vui tự tại, khi nhắm  mắt chúng ta đã chuẩn bị cho đời sau được tốt đẹp hơn nên càng vui, không có   gì phải buồn sợ. Cũng như mình đi chiếc xe cũ, lâu quá nó hư mòn, cứ đẩy hoài rất chán.

Bây giờ mình dành dụm tiền, bỏ xe cũ mua xe mới đẹp hơn, như vậy buồn hay vui ? Nhưng muốn mua xe khác đẹp hơn thì phải chuẩn bị tiền, chuẩn bị trước rồi mới bỏ xe cũ mua  xe mới được, chứ không chuẩn bị thì xe cũ bỏ rồi, không biết làm sao mua xe mới. Cho nên người biết tu là người biết lo xa, biết chuẩn bị sẵn, bỏ thân này qua thân khác khỏe hơn, đó là bước tiến của người tu.

Rõ ràng, chỉ một chữ xả mà chúng ta được an ổn vui tươi, cần gì phải nhiều. Một chữ mà biết tu là cả cuộc đời sống thoải mái, an vui; ngược lại, sẽ thấy mặt mày nhăn nhó hoài, bất mãn cái này, bất mãn cái nọ, bất mãn con cái, bất mãn vợ chồng, bất mãn xã hội…

Mấy chục năm cứ nhăn nhó hoài, uổng một cuộc đời. Cho nên mình phải vui tươi xả bỏ, có mấy mươi năm ngắn ngủi, sống làm sao cho thảnh thơi, tạo phước lành để khi nhắm mắt được đến cõi lành, ở đó mà buồn giận làm gì cho khổ.

Hãy nghe hiểu, ứng dụng tu để tất cả chúng ta sống trên thế gian này lúc nào cũng tươi cười, không còn buồn bực, đến lúc nhắm mắt ra đi chúng ta cũng vui luôn. Đó là kết quả tốt đẹp của người Phật tử khéo tu.../.

Đọc thêm