Cách hạn chế hậu quả lâu dài khi trẻ bị bỏng

Theo các chuyên gia, khi xảy ra bỏng ở trẻ, việc sơ cứu đúng cách và đưa đến bệnh viện kịp thời là ưu tiên hàng đầu...   
Theo các chuyên gia, khi xảy ra bỏng ở trẻ, việc sơ cứu đúng cách và đưa đến bệnh viện kịp thời là ưu tiên hàng đầu...
   
Phân biệt các loại bỏng

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Tuấn (Chủ nhiệm Khoa chữa bỏng trẻ em - Viện bỏng Quốc gia) cho biết, lứa tuổi hay bị bỏng nhất ở trẻ em là từ 1 đến 5 tuổi. Trung bình mỗi năm Viện tiếp nhận khoảng 1.200 đến 1.500 cháu bị bỏng.

Bỏng có 4 loại cơ bản. Thứ nhất là bỏng nhiệt, được chia làm hai loại là nhiệt nước và nhiệt khô. Nhiệt nước thường chiếm tới 80% tổng số các cháu bị bỏng. Thứ hai là bỏng điện, rất nguy hiểm và thường để lại di chứng nặng nề. Thứ ba là bỏng hóa chất, có thể xảy đến khi trẻ sa chân xuống hố vôi. Nguy hiểm nhất là bỏng do axit, thường hủy hoại về mặt thẩm mỹ và ảnh hưởng cuộc sống của các cháu sau này. Thứ tư là bỏng do tia xạ, thường gặp ở trẻ phải điều trị bằng tia xạ để chữa ung thư máu.

Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh: “Bị bỏng có thể để lại hậu quả lâu dài, biểu hiện qua di chứng còn sót lại như sẹo sẽ khiến trẻ sau này tự ti và mặc cảm. Các bậc cha mẹ phải quan tâm tới trẻ, tạo một trường an toàn và để dụng cụ có thể làm cho con mình bỏng ở trên cao. Đặc biệt, các ổ điện khi cha mẹ đi vắng phải bịt lại để tránh các cháu nghịch”.

Phải biết sơ cứu đúng cách

Đáng nói là khá nhiều trường hợp bị bỏng được đưa vào Viện trong tình trạng xấu do không được sơ cứu đúng cách. Theo TS Tuấn, đối với bỏng nhiệt, trước tiên người lớn phải đưa các cháu ra khỏi vùng nước nóng. Tiếp đó, dù bất kỳ loại bỏng nào cũng phải kiểm tra các chức năng sống như tim, hệ hô hấp. Nếu các chức năng này vẫn hoạt động bình thường thì ngay lập tức ngâm vùng da bị bỏng vào nước sạch khoảng 15 đến 30 phút (có thể là nước máy, nước đun sôi để nguội).
Tuyệt đối không dùng nước đá vì sẽ gây mất nhiệt cho cơ thể, thậm chí gây bỏng lạnh cho trẻ. Nhiều người không chú ý điều này nên một số trường hợp bị lịm dần vì mất nhiệt. Khi bị bỏng về mùa đông, phải tuyệt đối giữ ấm cho trẻ, chỉ ngâm phần bị bỏng và đưa trẻ tới bệnh viện.

Ngâm xong, cẩn thận cởi bỏ quần áo nếu không có thể làm tuột mảng da bị bỏng, gây rát cho trẻ khi điều trị. Nhiều bà mẹ có con đang bú phải lưu ý cho con bú và tiếp nước bình thường như truyền dịch, nước hoa quả để tăng sức đề kháng cho các cháu. Khi bị bỏng, dù sâu hay nông đều phải đưa các cháu tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị hoặc chuyển lên tuyến trên kịp thời. Mọi biện pháp chữa bằng thuốc nam hay đưa tới các thầy lang hay chữa bằng kinh nghiệm dân gian là không đúng.

Trường hợp bỏng do hóa chất, người lớn phải kiểm tra ngay các chứng năng sống hoặc trẻ có bị chấn thương xương hay không, rồi mới quan tâm tới bỏng. Những trường hợp này thường rất nặng, nên che phủ sơ bộ phần bị bỏng rồi đưa ngay nạn nhân tới viện.

Bác sĩ Tuấn lo ngại: “Các cháu hiếu động đã đành nhưng lỗi thuộc về người lớn khi chủ quan trông trẻ. Khi các cháu bị bỏng lại đưa tới các cơ sở tư nhân - điểm chữa bệnh không đáng tin cậy. Nhiều cò mồi có mặt tại các bệnh viện thông tin thất thiệt khiến người nhà hoang hoang, nên người lớn càng phải tỉnh táo”.

Phải đặc biệt chú ý tới giai đoạn phục hồi bỏng cho trẻ sau này. Ngoài chế độ ăn uống, vận động, tâm lý là điều rất quan trọng. Nhiều cháu sẽ mặc cảm, tự ti vì những di chứng, vết sẹo do bỏng gây ra nên cha mẹ cần phải chăm sóc con cẩn thận.   

Kỳ Anh

Đọc thêm