Cách nào để giới thầu xây dựng vượt khó?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vừa chịu tác động bởi giá vật liệu xây dựng tăng cao vừa chịu sự tác động bởi dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều nhà thầu xây dựng Việt Nam lao đao, thậm chí có doanh nghiệp không thể trụ vững.
Dịch bệnh khiến không ít nhà thầu xây dựng gặp khó khăn.
Dịch bệnh khiến không ít nhà thầu xây dựng gặp khó khăn.

Khó chồng khó

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), các nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực này đang đứng trước những khó khăn, thử thách, nhiều doanh nghiệp (DN) đứng trước nguy cơ phá sản. Ngay từ cuối năm ngoái và kéo dài đến tận thời điểm nay, giá vật liệu tăng giá đột biến. Đặc biệt, mặt hàng thép xây dựng tăng giá “phi mã”.

Hiện, giá thép đã ổn định hơn nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao. Đặc biệt, vẫn chưa có chính sách hay các biện pháp hữu hiệu, lâu dài để kiềm chế giá thép trong nước leo thang, khiến các DN xây dựng luôn trong tâm lý lo lắng vì giá thép vẫn có thể “nhảy múa” bất cứ lúc nào. Ngoài ra, nhiều loại vật liệu khác như xi măng, cát, đá sỏi… cũng tăng khiến các DN thêm những khó khăn.

Loại khó khăn thứ hai mà các các nhà thầu xây dựng đang gặp phải là dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thời gian kéo dài đã tác động sâu rộng đến việc làm, tài chính của DN. “Mới đây, chúng tôi có nhận được văn bản của nhiều doanh nghiệp xây dựng phản ánh về những khó khăn và đề xuất những biện pháp hạn chế khó khăn đó”, lãnh đạo VACC cho biết.

Theo đó, trong văn bản gửi VACC, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết, số lượng công nhân tham gia vào dự án bấp bênh, ảnh hưởng đến giá trị sản lượng thi công hàng tháng. Thực hiện phương án phòng chống dịch, các dự án thi công phải làm phát sinh thêm các chi phí. Sự tăng giá và khan hiếm của vật liệu đầu vào đã tăng chi phí cho DN khoảng 25% so với hồi đầu năm.

Việc thị trường bất động sản đóng băng khiến nguồn thu từ bán hàng của chủ đầu tư không có nên thanh toán cho nhà thầu như Delta bị đình trệ. Tiến độ phê duyệt hồ sơ thanh toán, quy trình thanh toán bị kéo dài do nhân sự các bên bị nhiễm bệnh, có ca liên quan nhiễm bệnh ảnh hưởng đến nguồn thu DN. Từ đó, gây ra khó khăn cho DN thu xếp tài chính để đảm bảo lịch trả nợ gốc và lãi hàng tháng đối với ngân hàng hay huy động tiền nộp ngân sách nhà nước, bảo hiểm cho người lao động…

Do đó, Delta muốn VACC kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước gia hạn thời gian trả nợ/cơ cấu nợ ngân hàng, giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm thuế suất thuế thu nhập DN và gia hạn, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội trong năm để DN vượt qua khó khăn.

Còn Tập đoàn Cienco 4 thì đề nghị được cơ quan thuế giảm thuế suất thuế thu nhập DN, cho phép DN gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN, gia hạn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Giảm tiền thuê đất phải nộp cho năm 2021 và năm dịch bệnh tiếp theo. Gia hạn thời hạn nộp tiền thuế đất phải nộp cho năm 2021-2022. Đối với cơ quan bảo hiểm, cũng đề nghị gia hạn thời hạn đóng bảo hiểm xã hội cho DN xây lắp.

Một thương hiệu xây lắp khác là Tổng Công ty CP Vinaconex với đề xuất các chủ đầu tư, bên mời thầu nghiên cứu điều chỉnh lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu phù hợp với diễn biến dịch bệnh địa phương tạo điều kiện cho nhà thầu có thời gian và điều kiện chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Đồng thời, điều chỉnh lại dự toán và giá gói thầu, bổ sung chi phí phát sinh, cập nhật giá vật liệu nhân công theo thị trường.

VACC kiến nghị những gì?

Sau khi tiếp nhận phản ánh từ các DN thành viên, mới đây, VACC đã có những báo cáo và khẩn thiết kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn giúp cho các DN cầm cự được qua thời điểm khó khăn hiện nay. Theo đó, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thứ hai, bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc các chi phí tạm dừng thi công chờ việc các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ công nhân vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Thứ ba, VACC đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng. Thứ tư, VACC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một số biện pháp về dừng thu Bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ; giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022; Giảm 50% thuế thu nhập DN thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021.

Với các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%; cho hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các DN đến hết năm 2021…

Chi phí phòng dịch được tính vào chi phí đầu tư?

VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội. Đồng thời, bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ công nhân... vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Đọc thêm