Cách nào để lương tối thiểu không chật vật giải 'bài toán đủ sống'?

(PLO) - Tăng lương cho người lao động là việc làm cần thiết, nhưng tăng bao nhiêu cho đủ và tăng như thế nào để tránh hiện tượng “lương chưa tăng mà giá đã tăng” luôn là vấn đề khó…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Giằng co” lương tối thiểu

Ngày 7/8/2017, phiên họp lần thứ 3 Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã kết thúc chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 từ 180.000 - 230.000 đồng, với tỷ lệ tăng là 6,5%. Cụ thể, vùng 1, lương tối thiểu tăng 230.000 đồng, từ 3,75 triệu đồng lên 3,98 triệu đồng. Vùng 2, tăng 210.000 đồng, từ 3,32 triệu đồng lên 3,53 triệu đồng. Vùng 3, tăng 190.000 đồng từ 2,9 triệu đồng lên 3,09 triệu đồng. Vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 2,58 triệu đồng lên 2,76 triệu đồng. 

Đại diện cho người lao động, trả lời báo chí ngay sau phiên họp ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi chưa thỏa mãn với phương án trên. Khi đưa ra mức 7%, chúng tôi đã có tính toán và chia sẻ với doanh nghiệp. Năm 2018, các địa phương trong cả nước diễn ra đại hội công đoàn các cấp, chúng tôi mong muốn có sự chia sẻ từ phía chủ sử dụng lao động, quan tâm đến người lao động, đưa ra mức cuối cùng là 7%”.

Về phía người sử dụng lao động, khi kết quả bỏ phiếu tăng 6,5%, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, phía VCCI cũng chưa thực sự hài lòng với phương án này vì trước khi diễn ra phiên họp, ông Phòng đã khẳng định sẽ không nhượng bộ và chỉ nên tăng ở mức 5%. “Mặc dù tình hình kinh tế đã cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Qua khảo sát, đại đa số doanh nghiệp khuyến nghị không tăng lương tối thiểu năm 2018. Từ 5 năm qua, chúng ta liên tục tăng lương tối thiểu ở mức cao, nếu liên tục tăng sẽ ảnh hưởng tăng chí phí sản xuất của doanh nghiệp” - ông Phòng cho biết.

Sự mâu thuẫn về mức tăng lương tối thiểu không đã diễn ra ở hai phiên thương lượng trước đó. Từ mức 13,3%, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã hạ xuống 10% rồi xuống 8% và cho biết không thể thấp hơn nhằm chấm dứt việc lương tối thiểu không đủ nhu cầu sống tối thiểu. Trong khi đó, VCCI lại tỏ ra “rắn” hơn khi đề xuất không tăng lương hoặc nếu có chỉ tăng ở mức thấp 2 - 4%, nhưng trong quá trình thương lượng cũng đã đồng ý nâng lên mức 5% và cũng kiên quyết không tăng thêm vì phần lớn các doanh nghiệp đều còn khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, thủy sản...

Do 2 bên không thống nhất được quan điểm nên bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa ra  4 phương án: phương án 1 tăng mức tăng bình quân 5%, phương án 2 tăng 6%, phương án 3 tăng 6,8% và phương án 4 tăng 8%.

Cần tính đến nhu cầu người lao động và gia đình họ

Đó là quan điểm của TS. Chang-Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động thế giới ILO Việt Nam trong bài trả lời phỏng vấn mới đây. Theo đó, TS. Chang-Hee Lee cho rằng sự “giằng co” giữa người lao động và người sử dụng lao động trong vấn đề xác định lương tối thiểu có thể thấy ở hầu hết các quốc gia có hội nhập thương mại toàn cầu.

“Mức sống tối thiểu là một khái niệm mang tính tương đối cả về mặt thời gian cũng như tùy theo quốc gia. Chẳng hạn, khi nền kinh tế phát triển hơn, danh sách nhu cầu tiêu thụ của con người cũng dài ra. 20 năm trước đây, nếu chúng ta có 3 bữa cơm mỗi ngày và mua được 1 chiếc xe đạp, thế có lẽ đã là đủ. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ những thứ này không còn là đủ nữa. Mục đích bao trùm của chính sách tiền lương tối thiểu là nhằm bảo vệ người lao động không bị trả mức lương quá thấp, nhưng khi được sử dụng một cách hợp lý và kết hợp với các công cụ chính sách khác, lương tối thiểu có thể có những tác động tích cực, giúp giảm chênh lệch tiền lương và tăng bình đẳng giới” – theo TS. Chang-Hee Lee.

Lương tối thiểu phải đủ sống đó là mơ ước của tất thảy người lao động. Bằng chứng là ngày 30/7, Liên đoàn Lao động TP HCM đã có buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu. Tại buổi gặp gỡ, nhiều công nhân phản ánh thực trạng cuộc sống gặp nhiều khó khăn, mức lương hiện nay không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu thiết yếu. Các công nhân đề nghị lãnh đạo TP HCM kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người lao động, ổn định cuộc sống, đồng thời, có biện pháp kiểm soát giá cả thị trường để tránh hiện tượng “lương chưa tăng mà giá đã tăng”. 

Nói về vấn đề “lương tối thiểu cần đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ”, TS. Chang-Hee Lee cho rằng, đây là một ý xác đáng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo Công ước về Xác lập Tiền lương Tối thiểu của ILO, nhu cầu của người lao động và gia đình họ cần phải được tính đến khi xác lập tiền lương tối thiểu. “Để lương tối thiểu có hiệu quả trong việc xác lập mức sàn bảo vệ người lao động ở dưới đáy của thang lương trong khi vẫn đảm bảo môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp bền vững, Việt Nam có thể xem xét một vài gợi ý như: lương tối thiểu nên được xác lập dựa trên bằng chứng về tình hình kinh tế và thị trường lao động, để làm được điều này, Việt Nam cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn.

Cần tăng cường hơn nữa năng lực chuyên môn của Ban Thư ký của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Bộ phận này đóng một vai trò quan trọng giúp cung cấp những phân tích sâu sắc về số liệu kinh tế và thị trường lao động, để những người có vai trò quyết định (đại diện của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) có thể đàm phán dựa trên những hiểu biết đầy đủ về bối cảnh và bằng chứng” - TS. Chang-Hee Lee nhấn mạnh. 

Đọc thêm