Cách nào để ngăn các bà mẹ bỏ rơi con mới sinh?

(PLVN) - Liên tiếp những vụ trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi khiến nhiều người xót xa. Dưới góc độ tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về nguyên nhân và giải pháp để hạn chế vấn đề này.
PGS.TS Trần Thành Nam.
 PGS.TS Trần Thành Nam.

Gần đây xuất hiện nhiều sự việc mẹ bỏ con khi vừa sinh ra, ông có nhận xét thế nào về "hiện tượng" này?

Việc bỏ con trở thành "hiện tượng", là một vấn đề xã hội. Có thể nói, trong tất cả các trường hợp, việc bỏ rơi trẻ là một hành động vi phạm pháp luật. Đây được xem là một hình thức lạm dụng trẻ em nghiêm trọng và là một trọng tội. Trong phần lớn các trường hợp những cha mẹ này sẽ không bao giờ được lấy lại quyền nuôi con và về cơ bản sẽ bị kết tội nếu việc bỏ rơi dẫn đến cái chết.

Theo tôi nguyên nhân thì có nhiều nhưng đều xoay quanh các mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa bố mẹ; phát hiện ra tư cách làm cha thực sự của một đứa trẻ dẫn đến sự xấu hổ cho một gia đình dòng họ. Cũng có thể đứa trẻ là kết quả của một hành vi vi phạm pháp luật mang thai tuổi vị thành niên, khác biệt trong niềm tin tôn giáo hay ý thức hệ...

Dưới góc độ tâm lý học, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn tại sao những người mẹ này lại hành động như vậy?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này nhưng thường thấy nhất là nghèo đói và mất cân bằng tài chính nghiêm trọng của người mẹ. Những nghiên cứu chỉ ra những người mẹ đơn thân, có trình độ học vấn thấp, không có việc làm ổn định hoặc những người làm mẹ ở độ tuổi vị thành niên không đủ điều kiện tài chính để chăm sóc bản thân và nuôi con thường có tỉ lệ lựa chọn cách bỏ rơi con.

Cũng có nhiều trường hợp trẻ em sinh ra ngoài kế hoạch hoặc là kết quả của một mối quan hệ không chính thống, bị cưỡng bức, người mẹ bị bỏ rơi, bị kỳ thị nên bỏ rơi con để tránh bị định kiến, kỳ thị hoặc xấu hổ với cộng đồng và gia đình.

Trong những nghiên cứu khác, hành vi bỏ rơi con xuất hiện ở những bà mẹ người mẹ đang chịu tổn thương sức khỏe tâm thần ví dụ như họ đang có các vấn đề lo âu trầm cảm sau sinh. Chính lo âu trầm cảm sau sinh kết hợp cùng với những khó khăn trong quá trình sinh nở, khí chất tính cách khó nuôi của trẻ, thiếu sự hỗ trợ xã hội cùng kỹ năng làm cha mẹ thúc đẩy những hành vi ngoài tầm kiểm soát như bỏ rơi hoặc thậm chí giết con.

Người ta cũng thấy trong những nền văn hóa coi trọng giới tính của đứa trẻ thì người mẹ cũng càng chịu áp lực bỏ rơi đứa con nếu như giới tính của đứa trẻ không như mong đợi.

Vậy chúng ta cần làm gì để giúp đỡ họ, thưa ông?

Để hạn chế vấn đề này, cần phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp từ việc tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em và các hình thức lạm dụng bỏ mặc trẻ em là trái quy định pháp luật đến việc phổ cập giáo dục giới tính và kế hoạch hóa gia đình, các chiến lược phòng tránh thai để ngăn ngừa những người không đủ khả năng chăm sóc hoặc nuôi dạy trẻ ngay từ đầu.

Cũng cần xây dựng các hình thức dịch vụ tư vấn hỗ trợ tiền sản và hậu sản. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và công tác xã hội cho những bà mẹ sinh con có các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nghèo đói, thất nghiệp. Trong đó, đặc biệt là những dịch vụ sàng lọc sớm các vấn đề tâm lý để sớm có những can thiệp kịp thời.

Đã có quốc gia cho phép các bà mẹ sinh con nhưng không cần xác định danh tính hoặc yêu cầu bất kỳ quyền sợ hữu hay nghĩa vụ pháp lý gì với đứa trẻ. Những em bé được chăm sóc trong bệnh viện trong khoảng từ 2-8 tuần để làm các thủ tục nhận con nuôi. Một thời gian vừa đủ để các bà mẹ cân nhắc kỹ lưỡng quay lại bệnh viện và xin lại đứa trẻ.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi bị ảnh hưởng gì trong quá trình trưởng thành?

Nghiên cứu tâm lý học cho thấy sự gắn bó sớm mẹ con có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành phát triển nhân cách và trí tuệ của đứa trẻ sau này. Những đứa trẻ bị bỏ rơi, hay những đứa trẻ sống trong cô nhi viện thường có tỉ lệ tăng trưởng chiều cao cân nặng thấp hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Chúng cũng có lòng tự trọng thấp, tự ti và luôn có mặc cảm tội lỗi vì mình bị bỏ rơi. 

Những đứa trẻ này thường có xu hướng lo lắng quá mức khi bị tách ra khỏi người chăm sóc và có xu hướng ám ảnh sợ xã hội, thường sống cuộc sống xa lánh xã hội. Khi lớn lên, chúng cũng sẽ khó có khả năng gắn bó cảm xúc hay tin tưởng người khác. 

Tỉ lệ trẻ thiếu hụt tương tác sớm mẹ con cũng thường gặp các tổn thương sức khỏe tâm thần như chán ăn, lo âu trầm cảm, tức giận, nghiện chất, rối loạn stress sau sang chấn và có tỉ lệ hành vi phạm tội cao hơn những đứa trẻ sống trong gia đình nguyên vẹn.

Đọc thêm