Theo BSCKII Khổng Minh Tuấn, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra. Bệnh được lây truyền từ động vật sang người thông qua các vết cắn, vết cào hoặc vết liếm (trên vết thương hở) của động vật mắc bệnh dại như chó, mèo, chuột.
Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật hoang dã như chó sói, chó rừng chồn, cầy, dơi và một số động vật có vú khác. Từ đó, vi rút dại lây truyền sang động vật nuôi như chó, mèo và động vật sống gần người như chuột. Trong đó chủ yếu là chó bị nhiễm bệnh (96-97%).
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tình hình bệnh dại năm 2018 có diễn biến phức tạp, số người tử vong do dại tăng hơn 29 trường hợp so với năm 2017 (tổng cộng 103 ca).
Trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước đã ghi nhận 46 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố. Khu vực miền núi phía Bắc vẫn ghi nhận có số tử vong do dại cao nhất cả nước chiếm hơn 80%. Các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó mèo nghi dại cắn.
Theo BS Tuấn, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Tuy nhiên bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Để phòng chống bệnh dại một cách hiệu quả, Sở y tế Hà Nội khuyên người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp như: Tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi hàng năm theo lịch tiêm của cơ quan thú y; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; Chó, mèo nuôi phải được nhốt, xích trong nhà; Chó phải được đeo rọ mõm khi đi ra ngoài đường phố.
Trường hợp bị chó, mèo, chuột cắn, cào, liếm vào vết thương hở, Sở Y tế Hà Nội khuyên người dân cần thực hiện các bước sau:
- Xối rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch liên tục trong 15 phút.
- Sau đó rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn iod.
- Không chà xát và làm đụng dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay các cơ sở tiêm vắc xin, để được tư vấn và tiêm phòng.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không chữa thầy lang.