Cải cách hành chính để không tham nhũng, tiêu cực

(PLO) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nêu ra như vậy tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ về công tác này sáng qua (15/4).
Ảnh minh họa
Ngoài yêu cầu Bộ Nội vụ phải làm gương trong cải cách hành chính (CCHC), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không cải cách thì dân oán trách chúng ta, không công khai, minh bạch thì dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Mọi cấp, mọi ngành phải tự cải cách, đổi mới để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội”.
Áp dụng “hậu kiểm” để giảm chi phí, bớt thủ tục
Báo cáo về kết quả cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, nhiều thủ tục trong lĩnh vực quản lý của ngành đã được cắt bỏ như bỏ bản sao giấy khai sinh trong thi tuyển công chức; bỏ phiếu lý lịch tư pháp đối với một số đối tượng; bỏ giấy xác nhận sức khỏe khi xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã…
Nhưng đại diện Bộ VHTT&DL băn khoăn, đặc thù của hành chính Việt Nam có những “thủ tục không thể gọi tên nhưng vẫn đang diễn ra” thì Bộ Nội vụ điều chỉnh như thế nào cho phù hợp, có sức thuyết phục và khoa học?
Cho rằng “quá trình tổ chức thi tuyển công chức còn nhiều thủ tục rườm rà”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị cần cắt giảm nhiều thủ tục không cần thiết, tránh lãng phí cho thí sinh, phân cấp trực tiếp cho các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời quy định họ phải chịu tránh nhiệm về chất lượng người được tuyển dụng.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề xuất, thực hiện chế độ “hậu kiểm” với những người trúng tuyển để kiểm tra, xác minh và hoàn thiện hồ sơ, thay vì bắt thí sinh phải nộp rất nhiều hồ sơ khi thi tuyển đầu vào. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu vấn đề: “Ngay như hồ sơ thi tuyển, chỉ cần một tờ giấy chứ không phải là hàng đống hồ sơ nộp vào như hiện nay. Khi nào trúng tuyển mới nộp đầy đủ các thủ tục khác. Có như vậy mới giảm chi phí cho nhân dân”.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, “hậu kiểm” với người thi đỗ, nếu không đáp ứng được thì loại ra, không phải quy định là “nộp đầy đủ hồ sơ mới được thi tuyển” gây lãng phí lớn cho thí sinh. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh kiến nghị áp dụng cơ chế “hậu kiểm” trong cả thi nâng ngạch cho cán bộ, công chức. Tức là, phân cấp cho các Bộ, ngành thực hiện thi nâng ngạch rồi Bộ Nội vụ tiến hành “hậu kiểm”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng tình và cho rằng: “Bộ Nội vụ phải đi giải quyết các sự vụ “lặt vặt” quá nhiều là do đề ra nhiều thủ tục quá. Vì thế trong thời gian tới, Bộ chỉ nên tập trung làm chính sách, các đề án lớn. Cần phân cấp phù hợp cho các Bộ, ngành, địa phương”.
Phải cắt giảm tối đa các thủ tục rườm rà
Phó Thủ tướng đánh giá, Bộ Nội vụ có trách nhiệm lớn trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước về CCHC, về một nền hành chính công năng động, tân tiến, cạnh tranh, chuyên nghiệp và minh bạch. Xây dựng cơ chế tìm người tài, có năng lực, sáng tạo từ trong các tổ chức nhà nước của chúng ta hiện nay.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu: “Bộ Nội vụ phải cắt giảm tối đa các thủ tục đi liền với tiết kiệm chi phí bằng việc nghiên cứu giảm bớt các thủ tục hành chính. Quy trình làm việc giải quyết hồ sơ cần giảm rườm rà, áp dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoá. Xây dựng Chính phủ điện tử, công dân điện tử, mô hình tiên tiến trong hành chính cần được nhân rộng để giám sát tốt hơn. Làm sao để giải quyết thủ tục hành chính dưới sự thanh tra, dưới camera giám sát, để xem có tham nhũng không. Đây là những chính sách để “tháo bung” nền hành chính công vụ, tạo điều kiện cho sự phát triển”.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tập trung cao nhất cho công tác xây dựng thể chế, công tác quản lý vĩ mô, giảm giải quyết sự vụ, nghiên cứu và xây dựng các đề án lớn trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Nội vụ cần nhân rộng các điển hình về CCHC và CCTTHC có hiệu quả đến các địa phương, Bộ, ngành để việc CCHC và CCTTHC đem lại kết quả thiết thực trong đời sống nhân dân. 

Đọc thêm