Cải cách hành chính và yêu cầu mới

(PLVN) - Còn hơn một tuần nữa chúng ta từ biệt năm 2020. Đây cũng là thời điểm đánh giá lại kết quả của quá trình thực hiện Chương trình tổng thể giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng cho thập niên tới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng đánh giá, trong nhiệm kỳ XII: “Hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô; tháo gỡ các rào cản; phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính (CCHC), cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá”. Và “Tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn; quan tâm xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, khẩn trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử”. Như vậy, kết quả CCHC được đánh giá cao.

Phải nhìn nhận, CCHC là một tiến trình có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Trong thập niên vừa qua, có rất nhiều hệ thống theo dõi và giám sát hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở Trung ương và địa phương được thực hiện bởi các tổ chức, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, góp phần tạo cú hích cải thiện hiệu quả công vụ.

Có thể kể tên các chỉ số đang góp phần thúc đẩy thay đổi quản trị và cung ứng dịch vụ công ở địa phương như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của UNDP và tổ chức đối tác tại Việt Nam…

Bên cạnh đó, nhiều bộ chỉ số quốc tế đang góp phần thúc đẩy đổi mới ở Việt Nam  và Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để tăng hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Những chỉ số như chỉ số chính quyền điện tử của LHQ, chỉ số phát triển con người của UNDP,  xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới… đang được Việt Nam định kỳ theo dõi.  

Để thực hiện mục tiêu trong những năm tới, một trong các giải pháp nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng có CCHC. Cũng dự thảo Báo cáo chính trị, nhấn mạnh: “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, uỷ quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành”.

Phải khắc phục cho được nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, tình trạng nhiều cửa, khâu trung gian vẫn tồn tại trên thực tế. Nâng cao hiệu quả kiểm tra công vụ. Để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách liêm chính, chuyên nghiệp, tổ chức nhân sự công vụ cần được thực hiện một cách khoa học, nhân sự cần được tuyển dụng dựa trên năng lực thực tế, có biên bản giao việc và được đánh giá nhiều chiều, kiểm tra công vụ cần được thực hiện công tâm.