Tùy tiện áp giá bồi thường
Liên quan đến dự án này, Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cầu Nhu Gia tự đặt ra giá đền bù đất khác nhau. Cụ thể, Quyết định số 11/2005 của UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh, nhưng quá trình đo đạc và áp giá đền bù, không ít trường hợp bị áp giá sai vị trí đất theo quyết định này. Việc áp giá đền bù một số hộ dân trong phương án đền bù hoa màu có sự khác nhau.
Cụ thể, cùng là bụi chuối (A) nhưng có hộ được áp giá 20.000 đồng, có hộ được áp giá 40.000 đồng; dừa (A) có hộ được áp giá 150.000 đồng/cây, có hộ được áp giá 250.000 đồng/cây... Vậy nhưng không hiểu sao các phương án này lại được UBND tỉnh phê duyệt?
Ông Lê Huy (nguyên Phó ban Thường trực Ban GPMB huyện Mỹ Xuyên) lý giải, không phải cố tình gian lận bớt xén của người dân mà việc này là do sơ suất trong khâu vận dụng áp giá (lúc thì theo Quyết định 285, lúc thì theo Qyết định 420 của UBND tỉnh) nên có sự sai sót. Tuy nhiên, theo xác minh của chúng tôi, các phương án áp giá cho các hộ dân đều không ghi ngày, tháng nên việc lý giải như trên là khó thuyết phục và người dân khiếu kiện là đương nhiên.
Như vậy, việc các hộ dân tố cáo việc Ban GPMB Dự án cầu Nhu Gia áp giá đền bù hoa màu có nhiều mức giá khác nhau là có cơ sở. Cố tình gian lận hay do sơ suất trong vận dụng áp giá? Câu hỏi mà người dân gần 10 năm đội đơn khiếu kiện đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh Sóc Trăng trả lời.
Chưa hết, bất công còn thể hiện qua việc hộ bị giải tỏa trắng nhưng bị cắt tiền hỗ trợ, ngược lại hộ không bị giải tỏa trắng thì được hưởng hỗ trợ. Cụ thể, kênh và đê thủy lợi công cộng tại ấp khu III đào đắp năm 1978 có nguồn gốc đất của bà Liêu Thị Phel. Tuy nhiên, Ban GPMB cầu Nhu Gia lại lập hồ sơ cho bà Trương Thị Tiển nhận tiền bồi thường hỗ trợ 30% theo giá đất ở liền kề. Bà Phel khiếu nại nhưng không được giải quyết.
“Năm 1980 xã Thạnh Phú lấy đất của tôi làm kênh thoát nước và đê ngăn mặn, ngang 12m, dài 150m, nay lại bồi thường cho người khác thì không hiểu công bằng ở đâu?” - bà Phel viết trong đơn.
Nói về sự việc này, bà Tiển thừa nhận mình không thuộc đối tượng thụ hưởng, nhưng số tiền bà đã sử dụng hết không thể hoàn lại được. Đã vậy, sau khi cầu Nhu Gia xây xong đoạn kênh và đê, đất còn lại nhà nước không sử dụng thì bà Tiển lấy làm đất riêng cho gia đình mình.
Hay như đường đi công cộng ấp khu 3, Ban GPMB cầu Nhu Gia lại lập hồ sơ cho bà Chung Thị Kim Anh nhận tiền bồi thường hỗ trợ 50% theo giá đất ở liền kề... Hai vị trí đất trên liền kề phía Tây và phía Đông của “vua rắn” Lê Hùng Minh, thương binh 4/4, ngụ tại khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên.
Đừng vô cảm trước nỗi khổ của người dân
Trở lại khiếu nại của “vua rắn” Lê Hùng Minh, trong khi việc cưỡng chế trại rắn chưa được Ban GPMB bồi thường đồng nào mặc cho ông Minh liên tục khiếu nại thì trái lại, nhà máy sản xuất nước đá kế bên của hộ ông Huỳnh Vĩnh Trung không chỉ được bồi thường giá cao mà còn bồi thường đến hai lần. Có hay không việc lập hồ sơ khống khi hồ sơ đền bù nhà máy nước đá này được Ban GPMB lập thành 02 đợt và được phê duyệt với tổng số tiền 1.733.768.358 đồng?
Tuy nhiên, qua tìm hiểu hồ sơ dự toán của từng đợt cho thấy có sự sai sót khá nghiêm trọng. Cụ thể, về đất: diện tích thu hồi giải tỏa 1.014,8m2 đất được áp giá đền bù 1.350.000 đồng/m2 là chưa đúng theo Quyết định số 11/2005 ngày 14/02/2005 của UBND tỉnh Sóc Trăng, vì đơn giá 1.350.000 đồng/m2 là đất thổ cư và mức đền bù tối đa cũng chỉ là 300 m2.
Về tài sản, công trình vật kiến trúc đợt 1 (ngày 20/01/2005) đã áp phương án đền bù theo Quyết định 285/2005 ngày 28/3/2005 của UBND tỉnh Sóc Trăng với số tiền 337.206.540 đồng. Đợt 2 (ngày 20/3/2006) tiếp tục lập phương án đền bù theo dự toán xây dựng mới toàn bộ công trình nhà máy nước đá với số tiền là 302.1294.948 đồng. Vậy đã có sự trùng lắp giữa đợt 1 và đợt 2 về công trình vật kiến trúc, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Thế nhưng đến nay những cán bộ liên quan vẫn bình yên vô sự, thậm chí một vài vị về hưu an toàn.
Về khiếu nại của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần chỉ đạo UBND tỉnh này xem xét giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ đúng pháp luật, nhưng đến nay người dân vẫn phải chờ và chờ... Báo PLVN đã liên hệ với UBND và Sở Tài chính Sóc Trăng để làm rõ nhưng tất cả chỉ là né tránh và im lặng.
Chúng tôi xin mượn ý kiến của một người dân để tạm kết bài viết này: “Người dân chúng tôi đã khổ lắm rồi, đã kiệt sức rồi; còn một chút niềm tin cúi xin Nhà nước soi xét cứu giúp…”.