Cái gì cũng giả...

(PLO) -Cái gì cũng giả, không biết đâu là ranh giới, chuẩn mực của xã hội, không dám tin ai cả. Hàng hóa giả, buôn bán giả, học hành giả, chứng chỉ giả... thì đây là vấn đề ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội”. Nhận định này là của Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm của Chính phủ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Rõ ràng, ông đã đề cập tới mối thực trạng hết sức đáng lo ngại về cái giả đang lan tràn trong xã hội hiện tại và mối nguy cơ hiện hữu đối với chế độ – đó là niềm tin khi thực –giả khó phân, phải – trái lẫn lộn.

Vấn đề đặt ra là ai đã gây nên tình trạng đó? Không ai khác, chính là các cán bộ “giả” – những người có trọng trách quản lý xã hội, “cầm cân, nảy mực” và bảo vệ ranh giới, chuẩn mực đạo lý và pháp luật.

Cán bộ “giả” hoàn toàn, 100% là những kẻ giả danh cán bộ, mạo nhận chức vụ nọ kia để lừa đảo chạy việc, chạy dự án hoặc đơn giản hơn là lừa tiền, lừa tình. Loại này ít, dễ phát hiện và bị xử lý nghiêm khắc.

Loại cán bộ “giả” thứ hai là cán bộ hẳn hoi, khoác áo công chức nhà nước nhưng dùng bằng cấp giả, dựa thế bố mẹ, luồn lọt, chạy vạy,... để tiến thân. Địa vị của họ là thật nhưng trí tuệ, tri thức, trình độ, phẩm chất là giả. Loại này gây rất nhiều hệ lụy xấu cho xã hội và niềm tin vào chế độ.

Từ loại cán bộ “giả” này mà “đẻ” ra những tệ nạn xã hội như “chạy chức”, “chạy quyền”, học giả – bằng thật hoặc mua bán, sản xuất bằng giả, tạo điều kiện cho những cái giả khác lộng hành. Loại này học hàm, học vị đầy người, huân, huy chương đầy tường nhưng đều do giả mà có. Loại này cũng dễ nhận ra nhưng ít bị xử lý nghiêm minh.

Loại “giả” thứ ba nguy hại hơn tất cả. Đó là những cán bộ thực sự có năng lực, phẩm chất và xứng đáng với địa vị, chức vụ mà họ nắm giữ nhưng bị những thứ “giả” chi phối biến họ thành kẻ tiếp tay, nâng đỡ, bảo kê cho cái giả, khiến cái giả trở nên thật và góp phần tạo nên cảnh hỗn mang “Chợ trời thật giả đâu chân lý” và tạo ra một thị trường mà trong đó lương tâm thành hàng hóa. Loại này bị nhận diện là những kẻ thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, đặc biệt, loại cán bộ này cực kỳ đạo đức giả...

Từ họ mà sinh ra các thứ giả khác từ phân bón đến dược phẩm, từ hàng hóa đến danh hiệu. Một loạt những cán bộ cao cấp vừa qua bị phát hiện, xử lý bởi các hành vi phạm tội mà họ gây ra đã chứng tỏ là loại này có thật và mối nguy hại cho chế độ và xã hội cũng rất thật, rất rõ ràng. Vì họ là cán bộ “giả” nên phải trả lại con người thật cho chính họ bằng cách tước hết chức vụ mà trước kia họ từng nắm giữ.

Chống cái giả lây lan trong xã hội và ngăn chặn mức độ phổ biến hiện nay không thể khác là phải xây dựng một đội ngũ cán bộ – rường cột quốc gia vững mạnh thật, trong sáng thật, tài năng và đức độ thật,... tức là thiết lập lại ranh giới, chuẩn mực xã hội thật, không dựa vào lý lịch, bằng cấp mà bằng vào chính năng lực và phẩm chất của chính con người đó. Hãy dừng lại ngay việc hô khẩu hiệu suông, “chém gió”, bưng bít thông tin, khoe mẽ danh hiệu, phô phang sự giàu có, xa hoa,... đang rất thịnh hành trong đội ngũ cán bộ hiện nay để trở lại lối sống trung thực, mẫu mực, “vì nhân dân mà phục vụ”!

Đọc thêm