Việt Nam muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu” trong tương lai không thể trông chờ vào nền giáo dục “2C”: “chay” và “chạy” như hiện nay.
Trong câu chuyện buồn về thi cử vừa qua có lẽ tấm gương thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - một trong những thầy giáo đưa vấn đề bất thường về điểm thi tại Hà Giang, sau đó là Sơn La và một vài địa phương khác lên mạng xã hội góp phần phanh phui “sự kiện” đã làm lay động lòng người.
“Chúng tôi không mong làm anh hùng, chỉ muốn được làm những người thầy bình thường thương yêu học trò, đấu tranh vì học trò và giữ gìn lương tri, phẩm giá của người thầy. Trong sự việc này, chúng tôi mong muốn làm đến cùng. Vì chỉ khi làm đến cùng là cách tốt nhất để trả lại niềm tin cho dư luận xã hội” – thầy Ngọc trải lòng về hành động của mình trước “sự kiện Hà Giang”.
Ngày nay, hẳn chúng ta thường xuyên nghe được những lời than thở như “người tốt, việc tốt càng ngày càng hiếm hoi”, “làm người tốt, người lương thiện khó lắm”. Thực sự có phải như vậy không? Hay cái tốt, cái thiện vẫn hàng ngày âm thầm, lặng lẽ tồn tại xung quanh, mà chúng ta đã để những ồn ào của cái xấu lấn át đi đến nỗi không nhận ra?
Hành động của thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho ta thấy: Đừng tưởng giữa cuộc sống bon chen này, sự vô cảm và thờ ơ đã lấn át lòng nhân ái, vị tha, không còn người tốt, sự can đảm, liêm sỉ... Chỉ lẩn khuất đâu đó thôi, khi được khơi lên, lòng tốt sẵn sàng lan tỏa, người tốt sẽ xuất hiện. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến người tốt, việc tốt. Bác thường xuyên theo dõi gương người tốt, việc tốt trên các báo... Theo Bác, nếu ai cũng làm theo người tốt thì cái tốt sẽ thành phổ biến và xã hội ta sẽ tốt lên.
Làm gì để nhân rộng những điều tốt đẹp trong mỗi con người và trong toàn xã hội? Tất nhiên, xã hội ưu việt phải biết vinh danh họ. Người tốt, việc tốt trong xã hội cần được vinh danh; người tham gia đấu tranh chống tiêu cực, bất công trong xã hội càng cần được vinh danh kịp thời. Còn nhớ, năm 2010, lần đầu tiên Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, vinh danh 88 cá nhân tiêu biểu trong phòng chống tham nhũng.
Những buổi lễ vinh danh người chống tiêu cực, tham nhũng cần phải được tổ chức tại các địa phương để nhân rộng các điển hình. Như vậy, cuộc đấu tranh chống tiêu cực nói chung và chống tham nhũng nói riêng mới thực sự là cuộc đấu tranh của toàn dân, mới đẩy lùi được các vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Lòng tốt, người tốt không mất đi. Điều quan trọng là thái độ với người tốt, việc tốt!