Gần đây, các vụ hành hung phụ nữ, đánh ghen tàn bạo cũng có nguy cơ gia tăng, Nhưng, đáng lo ngại nhất là những vụ đánh người công khai mà dân gian gọi hành vi này là “vô thiên, vô pháp”.
Nổi đình đám nhất là vụ bị đơn làm náo loạn giữa công đường, nơi đang diễn ra phiên tòa xét xử tại Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). Kẻ đánh, người “tung cước” vào Kiểm sát viên, đánh đuổi phóng viên một cách rất ngang nhiên. Lực lượng bảo vệ hoặc cảnh sát tư pháp không thấy đâu trong lúc kẻ hành hung này quậy phá. Những trường hợp như thế này phải xử lý kịp thời và rất nghiêm, cần bắt ngay tại chỗ kẻ gây rối nếu như không muốn sự “vô thiên, vô pháp” này tái diễn.
Ở Đông Hà (Quảng Trị) nhân viên điện lực bị gậy gỗ phang liên tiếp khi thực hiện công việc được phân công “cắt điện những hộ không chịu nộp tiền điện sau nhiều lần thông báo”. Tại Cần Thơ, một nhóm Công an tiến hành thu giữ các bằng chứng về cho vay nặng lãi bị chống trả bằng dao, gậy và bình cứu hỏa của cha con chủ nhà. Khác với vụ náo loạn tại phiên tòa, Cảnh sát 113 và đặc nhiệm kịp thời xuất hiện, vô hiệu hóa sự tấn công và bắt giữ những người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Hy hữu hơn nhưng ở mức độ ứng xử thì hết sức đáng chê trách và cũng đáng buồn. Giám đốc Trung tâm Văn hóa ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ việc ông ta đánh một nữ nhân viên phải nhập viện. Vụ việc này khiến mọi người liên tưởng đến chuyện anh công chức sàm sỡ chị công chức cùng phòng, cắn chảy máu môi người ta mà chỉ bị phạt 200.000 đồng. Không rõ khi làm rõ hành vi của ông Giám đốc Văn hóa mà xử sự thiếu văn hóa thì có bị phạt tới mức đó không?!
Điểm qua một vài sự việc xảy ra liên tục gần đây cho thấy một cách hành xử “cứ bực mình là đánh”, bất chấp đó là ai. Cái hành vi này sẽ bị hạn chế rất nhiều nếu có người bên cạnh hoặc lực lượng chức năng can thiệp kịp thời hoặc phải xử lý thật nghiêm khắc, triệt để thì mới mong nó không tái diễn.