Cái giá phải trả cho việc “ném rác” lên không gian mạng

(PLVN) - Mạng xã hội đã biến không ít kẻ vô danh thành những “người hùng”, “thần tượng”, tha hồ bộc lộ sự ngông cuồng, được tung hô. Nhưng đằng sau sự nổi tiếng, cái giá cũng rất đắt.
MV ca nhạc dự định phát hành của Huấn Hoa Hồng.
MV ca nhạc dự định phát hành của Huấn Hoa Hồng.

Những thần tượng lệch lạc

Cách đây vài năm, cư dân mạng bỗng chứng kiến sự xuất hiện rầm rộ của trào lưu giang hồ mạng, mà Khá Bảnh là một trong những kẻ tiên phong. Facebook của anh này tràn ngập hình ảnh xăm trổ, vàng đeo đầy tay, kiểu tóc “bờm ngựa”, quá khứ bất hảo, phát ngôn sốc, coi thường pháp luật, những trò chơi trội như tụ tập dàn hàng ngang trên quốc lộ, đốt xe...

Điều khiến nhiều người cảm thấy sốc chính là Khá Bảnh được giới trẻ hâm mộ, coi là thần tượng, đi đến đâu có một bộ phận giới trẻ “tiền hô, hậu ủng”… Kênh Youtube và Facebook của Khá Bảnh trở thành một trong những kênh có ảnh hưởng khá mạnh đối với giới trẻ, đạt nút vàng, có hàng triệu lượt theo dõi, khiến Khá Bảnh kiếm tiền “khủng” mỗi tháng.

Từ hiệu ứng Khá Bảnh, nhiều tay chơi giang hồ cũng đã lập ra các kênh Facebook, Youtube riêng, lên mạng “thỏa chí anh hùng”. Có thể kể đến Phúc XO, Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Phú Lê… Trên các kênh này, giang hồ mạng thi nhau khoe khoang số má, tung hô lối sống ngoài vòng pháp luật, thị tiền của mình.

Từ đó, họ kèn cựa, thách thức nhau trên mạng, quay lại clip đánh lộn, chém nhau, ăn chơi thác loạn cho đến đốt tiền… Nhờ những clip “triệu view” ấy, nhiều nhân vật giang hồ mạng trở thành thần tượng giới trẻ, kiếm được không ít tiền từ đây. Điều này đã khiến những kẻ có máu giang hồ, muốn nổi bật thi nhau lập kênh, lộ diện, khoe khoang sự ngông cuồng, coi trời bằng vung… 

Một trường hợp giang hồ mạng khá nổi tiếng là Huấn Hoa Hồng. Ra đời sau, để thu hút khán giả, Huấn “ăn theo” các nhân vật đi trước như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền bằng cách thách thức trên mạng, đòi giao đấu, giành phần “giang hồ” hơn… Không những thế, Huấn còn lập các công ty lấy danh nghĩa “Facabook châu Á” để chuyên cá độ, cho vay nặng lãi…

Huấn tuyên bố, từ Youtube, một ngày Huấn kiếm ra hơn 2 triệu đồng. Tay “giang hồ mạng” này cũng thường đăng tải những lời tri ân dành cho fan của mình. Để thu hút người xem, Huấn thường xuyên tổ chức các trò chơi như đoán biển số tặng xe độ, comment tặng thẻ cào…

Sau đó, nhiều người tố là trúng giải nhưng không nhận được quà từ Huấn. Không chỉ thế, Huấn Hoa Hồng còn lên kế hoạch phát hành một MV ca nhạc sặc mùi “giang hồ” để thỏa mãn tò mò của fan hâm mộ.

Đáng nói, lượng fan hâm mộ khổng lồ của các giang hồ mạng này đều là những thanh, thiếu niên ở lứa tuổi tò mò, muốn chứng minh bản thân. Hành vi của giang hồ mạng đã làm lệch lạc nhận thức của không ít bạn trẻ, khiến họ không nhìn nhận được đâu là đúng, sai, hợp pháp và phạm pháp.

Đã có trường hợp, hai nhóm giang hồ “nhí”, mà thực chất là các em học sinh cấp 3, thách đấu, đánh nhau sứt đầu, mẻ trán vì hai bên là fan của hai giang hồ mạng đang đấu khẩu nhau trên mạng xã hội. Rồi khi các giang hồ này khoe tài, cũng không ít bạn trẻ học theo, bài bạc, hút sách, đốt tiền, đốt xe một cách hồn nhiên mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. 

Sự suy tàn của giang hồ mạng

Năm 2019, Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh) bị TAND thị xã Từ Sơn phạt 4 năm tù về tội Đánh bạc, 6 năm 6 tháng tù do Tổ chức đánh bạc. Tổng hợp hình phạt, Khá Bảnh phải thi hành 10 năm 6 tháng tù. Sau khi Khá Bảnh bị bắt, Youtube đã tắt chức năng kiếm tiền trên kênh của Khá Bảnh. Cục Phát thành – Truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi văn bản yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ YouTube khoá kênh của nhân vật này. Sau đó kênh của Khá Bảnh trên Youtube đã chính thức biến mất. 

Cùng với Khá Bảnh, hàng loạt nhân vật “giang hồ mạng” khác như Ngân Trọc, Phạm Tuấn, Dương Minh Tuyền… cũng biến mất khỏi Youtube. Số còn lại chưa bị khóa nhưng chủ nhân các kênh này đã kịp “chuyển hướng”, những clip về dao kiếm, giang hồ, chửi bới nhường chỗ cho các clip về tình huynh đệ, làm từ thiện, clip ca nhạc hoặc… cuộc sống vợ chồng hạnh phúc.

Kênh Youtube Khá Bảnh bị khóa sau khi nhân vật này lãnh án tù 10 năm.
 Kênh Youtube Khá Bảnh bị khóa sau khi nhân vật này lãnh án tù 10 năm.

Tuy nhiên, cơ quan pháp luật đã không nương tay cho các hành vi ngông cuồng trên mạng của các nhân vật giang hồ. Hàng loạt giang hồ mạng lần lượt sa lưới pháp luật với các tội danh thích đáng. Huấn Hoa Hồng bị bắt đi cai nghiện, Phúc XO, người đeo vàng đầy người đi giễu phố để thu hút đám đông bị phát hiện buôn ma túy, nghiện, thích bay lắc…

Sau sự trả giá trước pháp luật của những nhân vật tai tiếng ấy, các kênh giang hồ mạng hoàn toàn biến mất khỏi mạng xã hội. Nhiều bậc phụ huynh cũng thở phào khi con mình không theo dõi kênh và thần tượng một cách lệch lạc các tay giang hồ nữa.

Hàng loạt động thái mạnh tay của cơ quan chức năng cũng đã chính thức khép lại một thời kì giang hồ mạng hoành hành.

Mạnh tay để răn đe

Sự suy tàn của các kênh giang hồ mạng đã khiến người dân mừng rỡ, vì môi trường mạng đã được trong sạch phần nào và những điều trái tai gai mắt, vi phạm pháp luật không còn diễn ra rầm rộ trên mạng. Tuy nhiên, giang hồ mạng cũng chỉ là một phần của những vấn nạn đang tồn tại trên mạng xã hội hiện nay.

Hiện, Youtube, Tik Tok và Facebook là mảnh đất “câu view”, làm giàu của rất nhiều người. Có vlog xoáy sâu các tin “giật gân”, bịa đặt, “câu view”. Có trang chuyên nói xấu xã hội, nói xấu Nhà nước để thu hút sự đồng tình của những thành phần có nhận thức lệch lạc. Có kênh chuyên kể chuyện tục bậy, vi phạm thuần phong mỹ tục…

Không chỉ tung ra những thông tin “rác”, gây hoang mang dư luận, các kênh này còn tạo ra và nuôi dưỡng thị hiếu tầm thường của cư dân mạng, thậm chí góp phần “đầu độc” dân trí.

Nhiều kênh có những hành vi gây nguy hiểm, tổn hại cho xã hội như quay livestream cảnh cảnh sát tác chiến với tội phạm, ăn mặc trái thuần phong mỹ tục để “câu view” bán hàng. Có kênh chuyên tọc mạch chuyện riêng tư của người khác, bịa đặt hoặc tung hô những nhân vật có lối sống lệch lạc để thu hút sự chú ý của dư luận.

Đáng nói, nhiều kênh hướng đến đối tượng là thiếu nhi, nhưng lại tạo ra các nội dung xấu, sai trái, thiếu chuẩn mực về đạo đức, bất chấp việc có thể gây tổn hại đến tâm hồn các em. Như sự việc Youtuber Thơ Nguyễn đăng clip dùng Kuman Thong để “xin vía học giỏi” cho các em nhỏ mới đây.

Thơ Nguyễn vốn đã là Youtuber bị chỉ trích rất nhiều do cách xây dựng nội dung clip cho thiếu nhi không hướng đến giáo dục kĩ năng, kiến thức hay cho các em nhỏ mà bày ra những trò nghịch ngợm vô bổ, trong đó có cả nghịch dại. Thậm chí, không thiếu những clip phản cảm, độc hại, dễ dẫn đến sự lệch chuẩn suy nghĩ của các em.

Sau một thời gian dài khiến các bậc phụ huynh lo lắng, hiện Thơ Nguyễn cũng đã bị cơ quan chức năng mời đến làm việc và tiến hành các bước để xử lý những sai phạm trên kênh của mình.

Hay như vlog Bà Tân, một trong những người tạo ra trào lưu nông dân nấu ăn ở Việt Nam, từ sự chất phác, dễ thương ban đầu đã đi dần vào con đường lố lăng, “câu view”. Đỉnh điểm là clip con trai bà Tân nhúng con gà nguyên vẹn cho vào nồi cháo “siêu to khổng lồ”, không hề làm sạch lông hay mổ bỏ nội tạng.

Đoạn clip đã vấp phải rất nhiều bình luận chỉ trích cách làm rất mất vệ sinh, nội dung phản cảm và lãng phí thức ăn. Ngay sau đó, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang đã có buổi làm việc với Youtuber này, ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7.500.000 đồng.

Sau một thời gian dài được thả nổi về chất lượng, các vlog đã gây ra không ít “ô nhiễm” cho không gian mạng, góp phần làm mất trật tự an ninh, xâm phạm riêng tư, bất ổn xã hội, gây lệch lạc nhận thức trong thanh, thiếu niên.

Thời của giang hồ mạng đã kết thúc từ cuộc truy quét mạnh mẽ của cơ quan pháp luật. Hy vọng rằng, sau Thơ Nguyễn, sẽ có những vlog bị xử lý mạnh tay để làm gương cho giới vlog, góp phần kết thúc trào lưu vlog “câu view” rẻ tiền, đem lại sự trong sạch cho không gian mạng.

Đọc thêm