Tâm điểm của lũ lụt, khổ thay, lại dồn vào Yên Bái, địa phương đã gánh chịu trận lũ hồi năm ngoái làm tan hoang thị trấn Mù Cang Chải xinh đẹp và yên bình.Năm nay, trận phủ đầu lũ lụt lại trút xuống, hàng chục người chết và mất tích, cho đến hôm nay, trong cảnh ngổn ngang nhà đổ, bùn lầy vẫn còn tiếng mẹ gọi con vô vọng, chồng tìm xác vợ trong đống đổ nát và ánh mắt thẫn thờ của bao người trước mùa màng, nhà cửa bị lũ cuốn trôi.
Điều đáng chú ý là ngay như tại Phú Thọ, nơi không được cảnh báo nhiều về nguy cơ lũ lụt đã phải hứng chịu một cơn lũ bất ngờ, mạnh như thác tại thị trấn Thanh Sơn, nhấn chìm mọi thứ. Những vùng chưa bao giờ bị ngập lụt thì nay đã phải chịu cảnh đó rồi.
Vùng cao, vùng núi thì lũ quét tàn phá, đô thị thì nước ngập, đường phố thành sông. Ai cũng biết đó là hậu quả tất yếu của việc phá rừng, của việc quy hoạch vô tội vạ, của sự buông lỏng quản lý và không quản lý nổi, của việc san lấp kênh mương, lấn chiếm sông ngòi, hồ ao.
Gây nên thảm cảnh này từ những việc rất nhỏ như vứt rác xuống cống, lấp mương thoát nước đến việc rất lớn như khai tử một dòng sông, tàn phá một cánh rừng. Thêm nữa, những ngày mưa lũ, thủy điện tiếp tục xả đáy khiến cho cơn lũ càng thêm hung bạo, người dân trở tay không kịp, những gì đã xảy ra ở Quế Phong (Nghệ An) là một minh chứng, một huyện mà có đến mấy nhà máy thủy điện, ấy thế mà người ta vẫn tiếp tục “quy hoạch” xây thêm, phớt lờ lời cảnh báo: “Không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào”.
Giờ thì đã phải trả giá nhưng tiếc thay, phải hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên lại chính là những người dân mưu sinh vất vả cùng thiên nhiên, họ mất cả tài sản và người thân. Có sự cứu trợ nào bù đắp được sự mất mát ấy?
Nắng thì hiệu ứng nhà kính, bê tông, khí thải điều hòa khiến nhiệt độ tăng cao hơn mức bình thường, mưa thì ngập lụt tức thì do những đường thoát nước không còn. Rõ ràng là yếu tố con người đã gây nên họa. Vẫn còn kịp để đóng cửa rừng, để khai thông mương cống, hồi sinh một dòng sông, nếu như người lãnh đạo có tâm, biết lo cho cuộc sống của muôn dân.