Cái kết đắng của biệt kích quân đội Việt Nam Cộng hòa: Tại sao 'trò chơi' bị chấm dứt?

(PLO) -Sau khi “trò chơi” ba mang được triển khai, SOG nhận được thông tin hữu ích: Báo chí và đài phát thanh Hà Nội hé lộ sự lo ngại về gián điệp biệt kích và lật đổ. Họ cho rằng, Hà Nội cảm thấy độ nóng và ngày càng trở nên nhạy cảm đối với nguy cơ lật đổ. Tuy nhiên, mùa thu năm 1968, Chương trình này đột ngột bị Nhà Trắng cấm cửa. 
Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc cũng đồng nghĩa chấm dứt Chương trình đánh lạc hướng miền Bắc Việt Nam.

Tại sao lại có quyết định chéo ngoe này và có liên quan gì đến số phận bi đát của biệt kích Việt Nam Cộng hòa sau này?

Bị dừng đột ngột

Thực sự mà nói, Chương trình đánh lạc hướng hay còn gọi là “trò chơi” ba mang là một cứu cánh cho những thất bại trong Kế hoạch OP34 trước đó. Mặc dù quá trình triển khai những đề án trong “trò chơi” hết sức phức tạp, nhưng hiệu quả mang lại là không thể phủ nhận.

Bằng chứng là, từ nhiều nguồn tin khác nhau, các chuyên gia SOG nhận thấy, cơ quan an ninh và lực lượng chức năng của Hà Nội bắt đầu loay hoay với biệt kích, gián điệp mà chưa tìm được lời giải hợp lý.

Đã có một số giải pháp thanh trừng mà Hà Nội triển khai để khoanh vùng, cô lập và xử lý những “đối tượng tình nghi”. Song, điều cơ bản là, những bằng chứng hư hư thực thực thu được đã dẫn đến hiện tượng là cơ quan an ninh Hà Nội bắt nhầm người, làm cho các nhân viên trong bộ máy của SOG hết sức vui sướng. 

Các chuyên gia SOG từng đánh giá chương trình này khá nặng ký và khẳng định, không thể phủ nhận sự sáng tạo trong việc kiến tạo một hệ thống phản gián ba mang phức tạp. Từ khi có Chương trình Forae, OP34 đã lấy lại vị thế gần giống như ý nghĩa ban đầu mà Nhà Trắng hằng hy vọng, đặc biệt là khẳng định được vai trò người đi lừa chứ không phải kẻ bị lừa. 

Đúng lúc các đề án của Chương trình Forae được triển khai rầm rộ và có kết quả bước đầu thì vào tháng 11/1968, SOG nhận được một bức điện thông báo khẩn của Washington, yêu cầu chấm dứt tất cả hoạt động bên kia giới tuyến. Đối với Chương trình đánh lạc hướng, điều này đồng nghĩa với việc đóng cửa toàn bộ chương trình mới vừa được triển khai.

Tại sao điều đó lại xảy ra? Đại tá Cavanaugh, chỉ huy trưởng của SOG, nhớ lại: "Không lâu sau khi tôi có mặt tại đó, Washington cho gọi tôi và hỏi: Anh có toán nào đang hoạt động bên trên giới tuyến không? Tôi có ba toán, và họ nói "Anh phải đưa họ về ngay lập tức, chúng ta chuẩn bị ngừng ném bom và tuyên bố chúng ta không có hoạt động gì bên trên giới tuyến. Tôi nhớ kỹ bởi vì mệnh lệnh này gây ra sự kinh hoàng do không thể có cách nào đưa họ về ngay được. Vì thế, đó là lần cuối cùng chúng tôi đưa người ra Bắc"

Chương trình đánh lạc hướng đã trở thành nạn nhân của việc xem xét lại chính sách sau Tết Mậu Thân của Tổng thống Johnson. Cuối tháng Giêng, Việt Cộng phát động cuộc tấn công trên toàn quốc làm Washington chết điếng.

Ngoài việc tấn công 36 trong tổng số 44 tỉnh lỵ và 5 thành phố lớn nhất ở miền Nam, Việt Cộng còn tập kích vào toà Đại sứ Mỹ, dinh tổng thống và tổng hành dinh quân đội Việt Nam Cộng hoà ở Sài Gòn. Cuộc tổng tấn công là một cú sốc chiến lược đối với chính quyền Johnson, xé tan những đánh giá lạc quan từ năm 1967 của Lầu Năm Góc là tình hình đang được cải thiện và dự báo chiến tranh sắp kết thúc. Tết Mậu Thân làm Johnson mất hết nhuệ khí. 

Cái cớ của quyết định

Ngày 31/3/1968, Johnson thông báo, ông đã đơn phương ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc, trừ vùng tiếp giáp với khu phi quân sự, nơi sự tập trung của quân đội miền Bắc đe doạ trực tiếp căn cứ của Mỹ và quân đội Sài Gòn, và rằng sẽ không ra tranh cử tổng thống. 

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân thay đổi sâu sắc chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, mục tiêu lúc này là thoát ra khỏi chứ không phải đánh thắng cuộc chiến tranh. Người ta hy vọng, việc ngừng ném bom sẽ là một cử chỉ thiện chí phát đi tín hiệu cho thấy nguyện vọng muốn đàm phán nghiêm chỉnh của chính quyền, một sáng kiến hoà bình mới. Miền Bắc, sau khi tiến hành đánh giá cuộc tổng tấn công, tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đàm phán. 

Sau một tháng tranh luận về địa điểm, cuối cùng Hà Nội và Washington đồng ý gặp ở Paris và cuộc đàm phán bắt đầu ngày 13/5/1968. Ngay sau khi có mặt, các nhà đàm phán miền Bắc nhanh chóng nêu điều kiện,  gần như đồng nghĩa với việc đòi Washington đầu hàng.

Đối với đoàn đàm phán của Mỹ do Averall Harriman dẫn đầu, đó là tình huống khó khăn và chán ngán. Hà Nội yêu cầu cuộc đàm phán chỉ có thể tiến triển với "sự chấm dứt vô điều kiện các cuộc không kích của Mỹ và các hành động chiến tranh khác" chống lại miền Bắc hay nói cách khác, kết thúc SOG.

Nhiều mục tiêu của Mỹ ở Sài Gòn bị tấn công trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy 1968.

Hà Nội bác bỏ đề nghị có đi có lại của Mỹ vì nó có thể phương hại đến khả năng hỗ trợ chiến tranh ở miền Nam. Họ sẽ không bỏ Việt Cộng và cũng không rút quân đội ra khỏi miền Nam. Hà Nội cũng từ chối không công nhận chính phủ Nam Việt Nam và Mỹ cũng làm như vậy đối với Việt Cộng. 

Tháng 7, Johnson thấy thế là quá đủ. Ông ta ra lệnh B52 tái ném bom phía bắc khu phi quân sự. Tuy nhiên, Hà Nội không chấp nhận nguyên tắc có đi có lại và Harriman không làm gì để lay chuyển được lập trường đó. Vào đầu mùa thu, Harriman thuyết phục được Johnson đồng ý chấm dứt ném bom lần nữa nếu muốn có được nhượng bộ của miền Bắc Việt Nam.

Harriman không thể ép Việt Nam chấp nhận nguyên tắc có đi có lại và nói với đoàn đàm phán Bắc Việt Nam là Hoa Kỳ có thể chấp nhận ngừng ném bom mà không cần có đòi hỏi gì nhiều. Harriman nói Hà Nội cần chấm dứt pháo kích và bắn rốc két vào các thành phố lớn và giảm số bộ đội tăng cường cho miền Nam qua khu phi quân sự. Hà Nội từ chối không chịu có cam kết chính thức, nhưng Harriman tin rằng họ đã "nháy mắt và gật đầu” đồng ý với ông. 

Đó là tất cả những gì Harriman thu được, thậm chí Hà Nội không phải thừa nhận họ có quân đội ở miền Nam chứ đừng nói đến việc rút quân đồng thời, miền Bắc không đưa ra một chỉ thị nào chấm dứt hoạt động của Việt Cộng. Đó là một thoả thuận theo kiểu Lào năm 1962 cũng do Harriman đàm phán. Ngày 31/11, Johnson tuyên bố, trên cơ sở "tiến bộ" ở Paris, mọi cuộc không kích ở miền Bắc sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, theo một tài liệu đã được giải mật sau này, chính quyền Johnson còn đồng ý chấm dứt mọi hoạt động ngầm liên quan đến việc đưa người qua giới tuyến, bất kể qua đường không, đường bộ hay đường biển. Theo một báo cáo tuyệt mật năm 1970, trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán hoà bình tại Paris, đại diện Hà Nội nêu đề nghị “giá cho hoà bình", trong đó có "đòi hỏi thể hiện sự phản ứng của miền Bắc đối với hoạt động của toàn bộ hoạt động ngầm chống Hà Nội". 

Nếu SOG không biết Chương trình đánh lạc hướng có tác động như thế nào đối với Hà Nội thì đây là một chứng cứ tích cực. SOG chỉ tự hỏi tại sao Johnson lại chấp nhận đòi hỏi chấm dứt chiến tranh bí mật của miền Bắc? Đối với nhân viên trong OP34, quyết định đó thật vô lý. Tại sao phải nhượng bộ mọi thứ trước khi đàm phán? Tại sao phải chấm dứt hoạt động có thể là một con bài quý giá một khi cuộc đàm phán bắt đầu? Chỉ cần bác bỏ việc dính líu vào SOG và kệ họ, đó là cách nhìn của nhân viên OP34. 

Theo nhân viên của SOG, không cần thiết phải làm cho hoạt động ngầm phù hợp với chính sách công khai. Nhưng các nhà vạch chính sách cấp cao lại theo đuổi những tính toán khác phát sinh sau cơn sốt tổng tấn công năm 1968. Thêm nữa, cuộc bầu cử tổng thống 1968 cũng tác động đến quyết định chấp nhận đòi hỏi của Hà Nội.

Theo một nghiên cứu sâu sắc và đầy đủ về những sự kiện này, Harriman, Cyrus Vance, và Clark Clifford "tất cả đều sợ rằng nếu không làm một điều gì đó thật ấn tượng, chiến dịch tranh cử của Hubert Humphrey sẽ sụp đổ và Richard Nixon sẽ thắng cử. Họ đã thuyết phục được Johnson, người trước đó còn "e ngại bị kết tội dùng thủ đoạn chính trị rẻ tiền" nếu chấp nhận đề nghị "giá của hoà bình" của Hà Nội, nghe theo. 

Đối với OP34 và Chương trình đánh lạc hướng, cuộc tấn công hoà bình của chính quyền Johnson có nghĩa chấm dứt hoạt động ở miền Bắc. Hoạt động ngầm bị bãi bỏ, “trò chơi ba mang” bị đình lại cũng có nghĩa là, những biệt kích, gián điệp được tung vào miền Bắc Việt Nam trước đây sẽ bị bỏ rơi.

Cuối năm 1995, Hoa Kỳ biết là Hà Nội tổ chức rút ra bài học từ “kinh nghiệm đấu tranh chống gián điệp biệt kích trong thời gian chiến tranh”. Về mặt chính thức, Bộ Nội vụ cho rằng "những bài học đấu tranh chống vụ xâm nhập đầu tiên đã dần được biến thành quy trình nghiệp vụ chung dẫn đến chiến thắng liên tiếp trong đấu tranh chống xâm nhập"...

Đọc thêm